Hà Nội luôn xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường (14:20 29/09/2020)


HNP - Phát biểu kết luận tại Hội thảo “Liên kết 4 nhà về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội” sáng 29/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Trong những năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 2015 - 2020, Thành phố luôn xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự tham gia tích cực của “4 nhà” trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Thủ đô và song song với đó là nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhất là ở khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian vừa qua; Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng thẳng thắn nhìn nhận môi trường nông thôn vẫn là vấn đề nan giải. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu ở địa phương còn chưa quyết liệt, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Các nhà máy xử lý nước thải mới xử lý được khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý ở khu vực nội đô, ở các làng nghề chỉ chiếm khoảng 5,2%, phần còn lại chưa được xử lý mà trực tiếp xả thải ra môi trường...
 
Khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong giai đoạn tới và giải quyết vấn đề môi trường sẽ được tiếp tục thực hiện căn cơ hơn để nâng cao đời sống nông dân, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể của Thành phố, cấp ủy, chính quyền phải nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong công tác tổ chức quản lý nhà nước và điều hành thực hiện nhiệm vụ này của chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở; làm tốt hơn nữa công tác truyên truyền, vận động; tham mưu Thành phố ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý môi trường khu vực nông thôn. Xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn sinh thái theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh.
 
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung đối với các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải; kiểm tra, rà soát, nâng cấp các hệ thống xử lý cũ không đáp ứng yêu cầu; lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi về chất lượng môi trường tại các cụm công nghiệp.
 
Cùng với đó, cần tập trung đánh giá tác động môi trường của các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm bằng công nghệ mới; nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư; đưa công nghệ mới xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ đầu nguồn sản xuất.
 
Đối với rác thải sinh hoạt phải được phân loại từ đầu nguồn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo. Đối với nước thải sinh hoạt hỗ trợ các thiết bị, tiến bộ kỹ thuật mới để xử lý nước thải vệ sinh, nước thải sinh hoạt trước khi xả thải ra môi trường. Rà soát, quy hoạch các điểm thu gom và xử lý tập trung theo quy mô xã, liên xã để xử lý đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.
 
Quang cảnh Hội thảo
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các sở, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các mô hình thí điểm về: ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đối với làng nghề để giảm thải chất thải gây ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả cho đơn vị sản xuất; ứng dụng công nghệ thu gom cơ bản chất thải rắn và xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi lợn; xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải hữu cơ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình. Báo cáo đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để làm cơ sở nhân ra diện rộng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
 
UBND các quận, huyện, thị xã và các xã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao vai trò của người đứng đầu trong hệ thống chính trị tại cơ sở, sự vào cuộc và nhận thức người dân trong thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường tại khu dân cư và trong đời sống hàng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải thiện và khôi phục chất lượng môi trường, đẩy mạnh trồng cây xanh, trồng hoa dọc các tuyến đường giao thông để tạo cảnh quan: xanh - sạch - đẹp - văn minh.
 
Cũng tại Hội thảo, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị người nông dân cần đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thường xuyên cập nhật thông tin, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các nhà đầu tư có uy tín trong việc học tập, nghiên cứu, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, tiến bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vừa đảm bảo chất lượng, năng suất và bảo vệ môi trường. Các nhà khoa học của Thành phố cần chủ động bám sát hơn nữa cơ sở, nghiên cứu thực tiễn tình hình sản xuất của từng địa phương, từng khu vực để nghiên cứu, xây dựng các đề án, mô hình hay, có tính lan tỏa, tính thực tiễn cao và đặc biệt phải thân thiện với môi trường; đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, doanh nghiệp để giới thiệu các đề tài nghiên cứu của mình làm cơ sở “3 nhà” còn lại tiếp thu, ứng dụng, đưa vào thực tiễn sản xuất.
 
Đối với các doanh nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, các doanh nghiệp là đơn vị có điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ lớn và dễ dàng nhất trong “4 nhà”. Vì vậy, doanh nghiệp phải thực sự là “đầu tàu”, giữ vai trò quan trọng liên kết “3 nhà” còn lại; ngoài vai trò hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của Thủ đô; các doanh nghiệp cần chung tay với chính quyền chia sẻ, hỗ trợ về công nghệ cho người nông dân để đầu tư các hệ thống hạ tầng trong sản xuất tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ nguồn lực cho chính quyền địa phương xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải làng nghề, chất thải trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn nói riêng và môi trường Thành phố nói chung.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t