Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn dâng hương tại Đài tưởng niệm Bệnh viện Bạch Mai (14:03 19/12/2017)


HNP - Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 45 năm "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", sáng 19/12, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã thăm và tặng quà Bệnh viện Bạch Mai - Cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc đã bị máy bay Mỹ ném bom trong năm 1972.

Ôn lại lịch sử và truyền thống anh hùng của các thế hệ trước, ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: trận ném bom khốc liệt nhất của máy bay Mỹ là vào ngày 22/12/1972. Bom B52 đã rải thảm trúng Bệnh viện Bạch Mai khi trong viện có hơn 300 bệnh nhân đang nằm điều trị dưới hầm. Nhiều khu nhà làm việc, phòng khám bị sập, nhiều bệnh nhân, bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện đã tử nạn vì bom đạn của Mỹ.
 
Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày khắc phục hậu quả, cán bộ y tế toàn Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp tục công tác cứu người, đặc biệt là những nạn nhân bị thương nặng do bom B52 rải thảm xuống Khâm Thiên và một số khu vực khác trên địa bàn Hà Nội...
 
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn tặng quà cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai
 
Nói chuyện với Ban Giám đốc và CBCNV Bệnh viện Bạch Mai, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã trân trọng đánh giá cao truyền thống anh hùng và những đóng góp của tập thể CBCNV Bệnh viện qua các thời kỳ, đồng thời, chia sẻ những mất mát lớn lao của Bệnh viện trong thời gian chiến tranh. Bệnh viện Bạch Mai xứng đáng là đơn vị có truyền thống anh dũng kiên cường như nội dung Bức trướng của cố Chủ tịch UBND TP Trần Duy Hưng đã tặng Bệnh viện sau Chiến dịch "Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không".
 
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy mong muốn, trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển cả về cơ sở vật chất và công tác chuyên môn, tiếp tục là điểm sáng về công tác y tế trên địa bàn Thủ đô…
 

  Đoàn thăm khu vực trưng bày ảnh tư liệu
 
Từ đầu năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa hàng trăm bệnh nhân đến nơi sơ tán an toàn, chỉ còn để ở Hà Nội khoảng 300 giường bệnh. Do có hệ thống đường hầm kiên cố, nên các phòng mổ, phòng đẻ, phòng xét nghiệm… và một số giường của bệnh nhân đều để ở dưới hầm. Khi có báo động, mọi bệnh nhân và bác sĩ, y tá, hộ lý vẫn có thể làm việc, điều trị được. Lãnh đạo thành phố Hà Nội phân công bệnh viện có nhiệm vụ cấp cứu người bị thương ở khu vực phía Nam thành phố. 
 
Nhiều khi đang còn báo động, nhưng có điện thoại gọi xe cấp cứu đến những nơi bị địch bắn phá, các thầy thuốc lại lên đường, tiến hành sơ cứu tại chỗ rồi đưa bệnh nhân về Bệnh viện cứu chữa. Bệnh viện đã nhanh chóng chuyển hoạt động từ hoàn cảnh hòa bình sang hoàn cảnh chiến tranh với hai nhiệm vụ: Vừa khám, điều trị bệnh nhân, tiếp tục đào tạo, nghiên cứu khoa học, đồng thời vừa sẵn sàng cấp cứu có hiệu quả nhiều bộ đội và nhân dân bị thương do máy bay Mỹ ném bom, bắn phá.
 

Hình ảnh bệnh viện Bạch Mai đã 4 lần hứng chịu bom

Ngoài trận ném bom ngày 22/12/1972 làm 28 người tử nạn (chủ yếu là các thầy thuốc), sáng 27/12/1972, trong lúc nhiều tốp máy bay phản lực đánh phá Thủ đô, chúng đã bắn một quả tên lửa và ném một quả bom cỡ lớn vào giữa khu vực trung tâm của bệnh viện, phá hủy Phòng Điều trị bệnh tim-mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh hô hấp, bệnh thận, Phòng Hậu phẫu, Khoa Sản - Phụ, Phòng đẻ, Phòng mổ, Phòng Điều trị trẻ em… Khoa Dược bị tàn phá nghiêm trọng, khoảng 3.000 chai huyết thanh, rất nhiều loại thuốc quý và máy móc, dụng cụ y tế… bị vỡ, nát, cháy, hỏng. Một bác sĩ và một công nhân đã hy sinh… 
 
Cho đến tận ngày 27/01/1973, khi Hiệp định Pa-ri đuợc ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc, các bộ phận ở nơi sơ tán của Bệnh viện Bạch Mai mới được lệnh chuyển tất cả phương tiện, máy móc trở về Hà Nội, từng bước ổn định mọi công việc hoạt động bình thường. Năm 1974, Bệnh viện Bạch Mai được sửa chữa và xây dựng lại.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t