HĐND TP thông qua Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (13:13 05/12/2017)


HNP - Sáng 5/12, tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Lê Vinh đã trình bày tờ trình về Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc thành phố Hà Nội đến năm 2030. Với 96/97 đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua quy hoạch này.

Đại biểu bấm nút thông qua quy hoạch


Theo tờ trình của UBND TP, phạm vi Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và TX Sơn Tây. Phía Bắc giáp trục Hồ Tây - Ba Vì (theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô), phía Đông giáp đê hữu sông Tích, phía Tây và Nam giáp ranh giới tỉnh Hòa Bình. Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch đề xuất khoảng 17.274ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 600 nghìn người.

Mục tiêu quy hoạch là cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050; quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm; xác định phạm vi và quy mô các khu chức năng, các không gian kinh tế, văn hóa xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các huyện ngoại thành.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Lê Vinh

Đây là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái, tiết kiệm năng lượng. Chức năng chính của đô thị Hòa Lạc là Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cao của cả nước; Trung tâm Đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề khác; Trung tâm y tế khám, chữa bệnh, điều dưỡng.

Định hướng quy hoạch tổ chức không gian được phân chia thành hai vùng đặc trưng là “Vùng phát triển đô thị” và “Vùng vành đai xanh” xung quanh khu vực đô thị.

Cụ thể, Vùng phát triển đô thị gồm khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu Đại học quốc gia Hà Nội và khu đô thị mới, được phân chia và xác định bởi tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình, quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh; khu vực phía Bắc Đại lộ Thăng Long bao gồm chủ yếu hai dự án đang được triển khai xây dựng theo quy hoạch là khu Công nghệ Hòa Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội.

Vùng vành đai xanh là vùng bao quanh của vùng nội thị, được phân định theo các tuyến đường vành đai của đô thị (đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tránh, đường vành đai đô thị) và các chức năng sử dụng đất đặc thù (vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, đất quân sự), bao gồm khu vực nông nghiệp phía Tây sông Tích, khu sinh thái rừng núi Viên Nam, khu vực đệm xanh sân bay Hòa Lạc gắn với hồ Đồng Mô và rừng Quốc gia Ba Vì.


Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân

Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND thành phố do Trưởng ban Nguyễn Nguyên Quân trình bày tại kỳ họp cho thấy, đồ án quy hoạch được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch; các đề xuất có tính khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên, Ban Đô thị cũng đề nghị UBND thành phố bổ sung một số nội dung chi tiết hơn, sâu hơn trong báo cáo tổng hợp thuyết minh quy hoạch như: Rà soát, phân tích kỹ hơn các số liệu dự báo dân số; xác định rõ mô hình quản lý phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc, xác định các giai đoạn phát triển, kế hoạch thực hiện, các dự án có tính chất tạo động lực hình thành phát triển một đô thị mới…

Thảo luận về Quy hoạch, đại biểu Dương Đức Tuấn (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, nội dung nghiên cứu phù hợp với yêu cầu của Chính phủ và các đồ án quy hoạch đã được duyệt, phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, các đề án có tính khoa học và thực tiễn. Đồ án quy hoạch có quan điểm, mục tiêu, phân khu rõ ràng, mạch lạc, bám sát các nội dung yêu cầu của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn xây dựng, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội, có đánh giá môi trường chiến lược, cơ bản đầy đủ đối với các đề án nghiên cứu.

Đại biểu Trần Việt Anh (quận Ba Đình) cơ bản nhất trí với quy hoạch và đánh giá cao tầm quan trọng của đô thị này. Tuy nhiên, đại biểu Trần Việt Anh cho rằng, cần đánh giá đúng yếu tố văn hóa, cần đưa yếu tố văn hóa thành tiêu chí để khi đồ án được phê duyệt, tiến hành chi tiết các phân khu, triển khai đồ án quy hoạch vào thực tế không làm mất đi bản sắc khu vực, nơi chứa đựng nhiều làng nghề nổi tiếng như Mộc Chàng Sơn, các di tích kiến trúc chùa Tây Phương, chùa Thầy, các lễ hội truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể như rối nước đã trở thành văn hóa của xứ Đoài, mà văn hóa xứ Đoài và văn hóa Tràng An đã thành văn hóa Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Doãn Hoàn

Thống nhất cao với quy hoạch này, đại biểu Nguyễn Doãn Hoàn (huyện Thạch Thất) đề nghị thành phố báo cáo với Thủ tướng có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao Hòa Lạc. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Đại học quốc gia Hà Nội còn chậm, hiện được 80%, 20% còn lại không có kinh phí để thực hiện. Các dự án của nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào khu công nghệ cao Hòa Lạc có chiều hướng tốt, nhưng nếu không đẩy mạnh phát triển khu này thì các dự án tham gia sẽ chậm, vì liên quan đến chỗ ăn ở của nhà khoa học và công nhân.

Với 96/97 đại biểu (đạt 93,2%) tán thành, HĐND TP đã thông qua Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc thành phố Hà Nội đến năm 2030.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t