Triển khai nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo trật tự, ATGT năm 2017 (15:52 03/02/2017)


HNP - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 36/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.

Theo đó, thực hiện Năm An toàn giao thông 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong Thanh, Thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết” với các mục tiêu: Giảm tai nạn giao thông từ 5%-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016; Giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các tuyến quốc lộ, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Đồng thời, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

Trọng tâm năm 2017, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông; đặc biệt là việc gắn kết quả công tác đảm bảo trật tự, ATGT với nhiệm vụ trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Thực hiện triệt để các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 23/CT-TTg về tăng cường các giải pháp cấp bách đảm bảo trật tự, ATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới; Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông và các văn bản chỉ thị công điện khác có liên quan. Phương châm chỉ đạo, điều hành trong đảm bảo trật tự, ATGT năm 2017 là “Thường xuyên- Kịp thời- Thực chất- Dứt điểm”.

Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về trật tự, ATGT, trong đó, cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật giao thông đường bộ, xây dựng các quy định pháp luật về thống kê ATGT; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực của thực thi công vụ trong đảm bảo trật tự ATGT, trong đó, chú trọng các khâu: quản lý vận tải; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đăng kiểm phương tiện; tuần tra, kiểm soát.

Tăng cường đảm bảo an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung nguồn lực trung ương, địa phương và xã hội hóa để ưu tiên xử lý dứt điểm các điểm đen về ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và tại các giao cắt giữa đường phụ ra đường chính, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thủy năm 2017. Tổ chức đường dây nóng và hộp thư điện tử để thu nhận phản hồi của người dân về trật tự, ATGT.

Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá cước vận tải đường thủy, đường sắt, hàng hải, hàng không để giảm mức phụ thuộc của hàng hóa và hành khách vào vận tải đường bộ; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh; vận tải hành khách công cộng;

Tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, cương quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc; chở quá tải trọng phương tiện; tăng cường quản lý nhà nước đối với bến bãi, nhà xe chủ phương tiện; đảm bào người điều khiển phương tiện phải có đủ bằng cấp, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp thực thi công vụ nhưng vi phạm các quy định và đạo đức nghề nghiệp.

Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm; có giải pháp khẩn cấp xử lỷ các nút giao, đoạn thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng; xây dựng quy định đảm bảo sự phù hợp giữa quy hoạch phát triển đô thị và năng lực kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục hoàn thiện tổ chức giao thông cho tuyến xe buýt nhanh (BRT) Hà Nội, đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về chen lấn làn đường.

Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, nhất là CNTT và giao thông thông minh nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; công tác thống kê, quản trị dữ liệu, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; xác định nguyên nhân tai nạn giao thông, ứng phó sự cố; khuyến khích sử dụng vận tải công cộng và vận tải phi cơ giới, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.


Hoàng Ngân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t