Hà Nội – Hòa Bình tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực có thế mạnh (15:27 24/12/2016)


HNP - Sáng 24/12, tại Hà Nội, Thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển giai đoạn 2017-2020. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị


Dự hội nghị còn có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy cùng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ, lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.
 
Đánh giá về kết quả hợp tác giữa 2 địa phương giai đoạn 2011-2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình đã có mối quan hệ gắn bó, tương trợ, hợp tác cùng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, ngành Công thương Hà Nội đã tích cực tổ chức các Chương trình kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, kết nối doanh nghiệp của Hà Nội và tỉnh Hòa Bình như Triển khai “Tuần lễ cam Cao Phong – Hòa Bình”; mời các doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình tham gia Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa tổ chức tại Hà Nội và cử các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm tổ chức tại Hòa Bình…
 
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp 2 địa phương có nhiều mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông - lâm – thủy sản và thỏa thuận phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát mổ gia súc gia cầm… Hà Nội cũng là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Hòa Bình, như: rau sạch, cam, bưởi, đặc biệt là cá hồ sông Đà, với trên 150 tấn trong năm 2016.
 
Còn theo ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, sự kết hợp giữa hai địa phương trong những năm qua đã được triển khai tích cực và thu được một số kết quả khả quan, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và mở rộng các hoạt động văn hóa xã hội; các tuyến đường đấu nối tỉnh Hòa Bình với TP Hà Nội được nâng cấp, hoàn thiện. Bên cạnh các lĩnh vực thế mạnh, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và một số công ty du lịch và công ty lữ hành có trụ sở tại TP Hà Nội đã tiếp xúc để giới thiệu tiềm năng và chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình; khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để xây dựng các tour, tuyến du lịch. Kết quả, đến nay, ngày càng nhiều công ty lữ hành tại Hà Nội đưa khách đến thăm, du lịch tại Hòa Bình…
 
Tuy nhiên, lãnh đạo hai địa phương đều khẳng định, những kết quả trong hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, hoạt động chủ yếu mới được triển khai tích cực ở một số lĩnh vực, các ngành trong tỉnh còn chưa chủ động trong việc đề xuất nội dung hợp tác mà hai địa phương có thế mạnh…
 
Tại Hội nghị, các đại biểu tỉnh Hòa Bình kiến nghị nghiên cứu thành lập Ban điều phối chung do Sở đầu tư hai bên làm cơ quan thường trực; xây dựng đề án liên kết vùng giữa TP Hà Nội, tỉnh Hòa Bình và một số tỉnh lân cận để trình Thủ tướng Chính phủ… Đề nghị TP quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh triển khai các hoạt động tuyên truyền sản phẩm; Hỗ trợ công tác truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đặc biệt lao động nông thôn…
 
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh đề nghị thành phố Hà Nội nghiên cứu giúp Hoà Bình phát triển khu du lịch lòng hồ sông Đà để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt của khu này; đầu tư mở rộng tuyến Quốc lộ 6, trước mắt, hoàn thiện đoạn từ Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) đến huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình mong muốn Hà Nội đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình, đoạn qua địa bàn Hà Nội, để phấn đấu thông toàn tuyến trong tháng 6/2017. Đây là trục giao thông quan trọng khi hoàn thành sẽ mở cánh cửa hợp tác, đầu tư và phát triển cho tỉnh Hòa Bình. Cùng với đó, nghiên cứu mở một tuyến xe buýt kết nối giữa bến xe Mỹ Đình với thành phố Hòa Bình. 
 
Giải đáp một số kiến nghị của tỉnh Hòa Bình cũng như gợi mở một số nội dung hai địa phương có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai địa phương sẽ hướng tới liên kết tiêu thụ sản phẩm trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích và qua các chợ đầu mối của Thành phố, trong quá trình đó, phải triển khai gắn nhãn nguồn gốc xuất xứ để kiểm soát. Trong lĩnh vực môi trường, Hà Nội sẽ đầu tư một trạm quan trắc chất lượng nước sông Đà. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với Quy hoạch cấp nước của Thành phố, theo đó, thống nhất nâng công suất Nhà máy nước mặt sông Đà lên 1,2 triệu m3/ngày đêm.
 
Trong lĩnh vực du lịch, hai địa phương cần phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour để khách du lịch đến Hà Nội là phải lên Hòa Bình. Đặc biệt, Hà Nội đang triển khai thí điểm không gian đi bộ tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ mời các đoàn nghệ thuật của Hòa Bình đến biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc, qua đó, vừa quảng bá văn hóa, ẩm thực, vừa là cơ hội để xúc tiến du lịch. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình, dự kiến, trong quý I/2017 sẽ hoàn thành để bàn giao cho Bộ GTVT tổ chức thi công.
 
Về hợp tác đào tạo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết Bệnh viện Tim Hà Nội có thể hợp tác đào tạo kỹ thuật cho đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó, Thành phố đang phối hợp với các chuyên gia của Pháp, Trung Quốc tập huấn về kỹ thuật nội soi, siêu âm và sẵn sàng phối hợp với Hòa Bình trong đào tạo về các lĩnh vực này. Đặc biệt, Hà Nội có Trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao, có thể đón nhận và đào tạo vận động viên cho tỉnh Hòa Bình.
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao tặng tỉnh Hòa Bình 1 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, trong thời gian qua, đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương. Tuy nhiên, đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng tiềm năng hợp tác giữa 2 địa phương còn rất lớn, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Hà Nội có 80% diện tích là nông thôn, trên 55% lao động nông nghiệp, trong khi, hiện nay, mới đáp ứng được 69% nhu cầu của thị trường Thủ đô, chính vì thế, tới đây, hai địa phương cần đẩy mạnh hợp tác, tổ chức, quảng bá đầu tư xúc tiến, liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ để sản phẩm nông nghiệp của hai địa phương không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của nhau mà phải hướng tới xuất khẩu. 
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng nhất trí giao hai đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư của hai địa phương làm đầu mối, song quan trọng hơn là sự kết nối, trao đổi thông tin trực tiếp giữa các sở, ngành của hai địa phương. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết: Thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, nhất là giao thông để tăng cường kết nối. Đặc biệt, Hòa Bình cũng là địa phương nằm trong vùng Thủ đô, chính vì thế, việc đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước phải tính đến yếu tố đồng bộ, phát triển bền vững.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, tiềm năng và lợi thế hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian tới còn rất lớn, vì vậy, hai UBND tỉnh, Thành phố cần cụ thể hóa thành các nội dung hợp tác cụ thể, với nhiều hình thức hợp tác đầu tư để tổ chức thực hiện hiệu quả và thực chất.
 
Nhân dịp này, thành phố Hà Nội đã trao tặng tỉnh Hòa Bình 1 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t