Trao giải cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019” (07:38 20/10/2019)


HNP - Ngày 19/10, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019”, với chủ đề “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội thiết kế sáng tạo”.


Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích các tổ chức, các nghệ nhân trên địa bàn Thành phố phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ để tạo ra những sản phẩm có tính mới, sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao phù hợp với thị hiếu khách hàng, là tiền đề để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh phát triển mẫu mã sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường.
 
Với chủ đề “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ thiết kế sáng tạo”. Năm 2019, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, thợ giỏi, các cá nhân trên địa bàn Hà Nội với tổng số 261 sản phẩm, bộ sản phẩm dự thi thuộc 5 nhóm: Sản phẩm gốm sứ; sản phẩm mây tre, giang đan, guột tế; sản phẩm sơn mài; sản phẩm khảm trai, gỗ, đồng, đá; và nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.
 
Trong quá trình tham gia cuộc thi, các cá nhân đã được các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước tư vấn, định hướng trong thiết kế, sáng tạo sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn về xu hướng thiết kế, thị trường, mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới nhất trên thế giới.
 
Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019 nhận được nhiều tác phẩm chất lượng cao
 
Sau các vòng chấm thi nghiêm túc, Ban tổ chức đã lựa chọn được 73 tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt giải trong cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019”. Trong đó, có 5 giải nhất gồm: Tác phẩm bình vẽ “Thuận buồn xuôi gió” của Công ty TNHH Gốm sứ Hoàng Minh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm); sản phẩm “Gia đình gà” của tác giả Nguyễn Tấn Phát (huyện Sơn Tây); tác phẩm Bộ trải bàn ăn đan mây hoa thổ cẩm của tác giả Nguyễn Thị Hân (huyện Chương Mỹ); tác phẩm Bộ đựng trang sức Như Ý cát tường của tác giả Nguyễn Đức Biết (huyện Phú Xuyên); tác phẩm Tranh thêu Chùa Keo, Thái Bình của tác giả Lê Văn Nguyên (huyện Thường Tín). Ngoài ra, có 15 giải nhì, 20 giải ba và 33 giải khuyến khích.
 
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhấn mạnh: Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nghề thủ công mỹ nghệ. Các nghề thủ công mỹ nghệ đã và đang góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của Thăng Long – Hà Nội, đóng vai trò quan trọng đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô; góp phần tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, chuyển lao động từ sản xuất nông nghiệp sang ngành nghề phi nông nghiệp, giải quyết và tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, ngoại thành, bảo đảm an sinh xã hội.
 
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng khẳng định việc tổ chức cuộc thi là việc làm cần thiết, đã góp phần khơi dậy được tính sáng tạo, lòng say mê thiết kế của các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn Thủ đô. Đây là tiền đề quan trọng tạo ra một phong trào thi đua thiết kế mẫu mới trong làng nghề Hà Nội, góp phần khắc phục thiếu sót trong thiết kế mẫu sản phẩm mới cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.
 
Nhân dịp này, Sở Công Thương đã trao Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội cho các nghệ nhân tiêu biểu ngành Thủ công mỹ nghệ.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t