Hà Nội: Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đạt nhiều kết quả tích cực (12:20 09/01/2024)


HNP - Ngày 9/1, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị của Thủ đô trong năm 2023, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực.  

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn tham luận tại điểm cầu Hà Nội


Theo đó, về tình hình tai nạn giao thông, trong năm 2023, trên địa bàn Thành phố, tai nạn giao thông giảm trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), cụ thể đã xảy ra: 1.248 vụ, làm 710 người chết, 823 người bị thương; So sánh cùng kỳ 2022: giảm 144 vụ (10,3 %), giảm 39 người chết (5,2%), giảm 43 người bị thương (5,0%).
 
Về công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự, ATGT, các lực lượng Công an Thành phố, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã tiến hành lập biên bản xử phạt 292.201 trường hợp vi phạm, phạt tiền 597,297 tỷ đồng; tạm giữ 81.159 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 56.847 trường hợp, tước tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 22 trường hợp xe tải; tước phù hiệu xe 773 trường hợp.
 
Về công tác tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố, đã thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông 48 nút giao, tuyến đường; giải quyết được 15/37 điểm ùn tắc giao thông, phát sinh 11 điểm, hiện tại còn 33 điểm; xử lý dứt điểm 07 điểm đen tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp nhận và xử lý 483 kiến nghị công tác tổ chức giao thông như: bất cập về biển báo giao thông, sơn kẻ vạch sơn, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông; điều chỉnh tổ chức giao thông tại các cổng trường học để phù hợp với thực tế và nhu cầu của lưu lượng giao thông tại từng thời điểm.
 
Phó Thủ tưởng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ
 
Đối với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hiện Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đã phê duyệt 07/07 dự án thành phấn; khởi công 06/07 dự án thành phần trên của 03 tỉnh, thành phố; dự án thành phần 03 đường cao tốc - theo hình thức PPP hiện đã phê duyệt dự án và đang khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư). Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường sắt đô thị số 3.1 để hoàn thành đoạn trên cao vào Quý II/2024, vận hành toàn tuyến vào năm 2027. Khởi công các dự án quan trọng của Thành phố (như Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; Xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường Vành đai 3). Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
 
Đáng chú ý, về công tác phát triển, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong năm 2023 ước đạt 7,3 triệu lượt, tổng hành khách vận chuyển ước đạt 499 triệu (tăng 43,3% so với cùng kỳ 2022); tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận hành tổng số 81.096 lượt, vận chuyển 10,7 triệu lượt khách (tăng 31,4 % so với cùng kỳ 2022). 
 
Thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tập trung rà soát, hoàn thiện mạng lưới tuyến, điều chỉnh lộ trình tuyến, tần suất dịch vụ, điều chỉnh sức chứa phương tiện nhằm tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của mạng lưới xe buýt; thí điểm áp dụng thẻ vé liên thông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện áp dụng thẻ vé điện tử trên toàn mạng trong năm 2024; đẩy mạnh việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cùng đại biểu lãnh đạo các sở, ngành tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
 
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cho biết, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. Với tốc độ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đạt 0,35%/năm không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện từ 4-5% vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố là không thể tránh khỏi và vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp…
 
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, khắc phục tồn tại vượt qua các khó khăn, thách thức, trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tạo điệu kiện cho Thành phố trong việc tổ chức triển khai đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, trong đó Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ tổ chức thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở đối với dự án Thành phần 3.
 
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ ủng hộ Thành phố trong việc tổ chức triển khai 03 nhiệm vụ lớn đang triển khai dự kiến trình trong năm 2024 (Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô, Luật Thủ đô (sửa đổi)).

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t