Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 29/11/2014 đến ngày 05/12/2014) (03:30 09/12/2014)



Những nội dung trọng tâm

1. Thời sự, chính trị

Tuần qua, đã diễn ra Kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV. Tại kỳ họp, HĐND Thành phố đã xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết thường kỳ, đồng thời, đã xem xét, thảo luận và quyết định 8 nội dung chuyên đề liên quan đến giá các loại đất trên địa bàn thành phố giai đoạn 5 năm 2015-2019; tờ trình chia tách, thành lập thôn, tổ dân phố mới ở một số quận, huyện trên địa bàn thành phố; điều chỉnh danh mục và tiến độ thực hiện các công trình, cụm công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2011-2015…Đáng chú ý, kỳ họp đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 15 lãnh đạo chủ chốt. Được biết, trong số 7 phó chủ tịch UBND TP Hà Nội có 3 người không nằm trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm đợt này vì chưa đủ thời gian đảm nhiệm chức vụ theo quy định. Kỳ họp cũng đã dành cả ngày 4-12 cho chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề cử tri quan tâm. Nhiều vấn đề "nóng" đã được nêu ra, đặc biệt là về vấn đề môi trường, xử lí nước sạch, quản lý biệt thự, nhà chung cư, tái định cư tại các khu đô thị, xử lí ô nhiễm làng nghề; tái chất vấn về 2 nhóm vấn đề: Khoa học công nghệ và môi trường; quản lý đất đai, quản lý đô thị của kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Kết luận nội dung về chất vấn và tái chất về các vấn đề nóng đang được cử tri Thành phố quan tâm, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh cơ bản tán thành đối với phần trả lời, nguyên nhân và giải pháp được nêu ra, đồng thời mong muốn UBND thành phố tổ chức thực hiện chỉ đạo hiệu quả đối với các giải pháp đã nêu.  

Đáng chú ý, ngày 3/12, với tỷ lệ 94,7% đại biểu tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của TP Hà Nội. Theo đó, năm 2015 Hà Nội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn: 9,0-9,5%, trong đó, dịch vụ 9,8-10,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,7-9,0%, nông nghiệp tăng 2,0-2,5%; GRDP bình quân đầu người: 75-77 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn: 11,0-12,0%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 8,0-9,0%;…Trước khi thông qua Nghị quyết, các đại biểu HĐND đã thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của TP Hà Nội năm 2015. Nhìn chung các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của UBND TP trong việc đã đưa ra các giải pháp kịp thời để phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã đề ra của năm 2014.

Tại kỳ họp, HĐND Thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2014. Theo đó, Hà Nội chỉ thực hiện tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% trên tổng số công chức đã ra khỏi biên chế, 50% còn lại được đưa vào phần biên chế dự phòng. Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 11 HĐND Thành phố, Trưởng Ban pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho biết: Với chỉ tiêu hơn 131 nghìn, số lượng biên chế viên chức khối sự nghiệp của Hà Nội vào năm 2015 sẽ tăng 2.274 biên chế so với 2014, lao động hợp đồng cũng tăng 1.445 chỉ tiêu…Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại như chưa hoàn thành việc xây dựng đề án xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính TP Hà Nội theo yêu cầu để trình Bộ Nội vụ phê duyệt. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng một số đơn vị không thực hiện đăng ký thi tuyển công chức, hoặc chưa tổ chức thi tuyển viên chức theo số lượng được giao… Điều này đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch biên chế của TP và chất lượng công việc của cơ quan.

Các báo Trung ương và Hà Nội tuần qua thông tin về Kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV: Khai mạc kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội (Kinh tế đô thị, 02/12); Hà Nội: 10 nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 (Hà Nội mới, 02/12). Hà Nội phấn đấu tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 9-9,5% (Kinh tế đô thị, 04/12). Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 1,3 tỷ USD (Kinh tế đô thị, 04/12). Chi tiết mức tín nhiệm của 15 lãnh đạo hàng đầu Thủ đô năm 2014 (Giáo dục Việt Nam, 03/12); Chất vấn của HĐND Hà Nội: “Nóng” vấn đề quản lý biệt thự cổ (VTV, 05/12); Kỳ họp thứ 11 HĐND Hà Nội: Chất vấn 3 nhóm vấn đề "nóng" (Vietnam Plus; 05/12); Nguồn nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội đảm bảo yêu cầu (Kinh tế đô thị, 04/12). Hà Nội tuyển mới 50% trên tổng số công chức nghỉ việc (Infonet, 30/11)...;

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích của Khu công nghiệp Bắc Thường Tín từ 470ha xuống còn 430ha; điều chỉnh tăng diện tích của Khu công nghiệp Sóc Sơn từ 300ha lên 340ha. Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý bổ sung Khu công nghiệp Thanh Mỹ - Xuân Sơn với diện tích 100ha vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan và các chủ đầu tư thực hiện quy hoạch, đầu tư, thành lập và hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư và tuân thủ quy định của pháp luật. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các KCN thành phố Hà Nội (Hà Nội mới, 02/12).

Tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra và có biện pháp giải quyết triệt để việc bãi rác của TP Hòa Bình gây ô nhiễm, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước sông Đà. Cũng liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội đã có Công văn yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm an toàn nguồn nước cấp từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội. Đề nghị Tổng công ty Vinaconex, Công ty CP Nước sạch Vinaconex khẩn trương phối hợp, làm việc với các ngành liên quan của tỉnh Hòa Bình và TP Hòa Bình để có các giải pháp hạn chế ảnh hưởng do ô nhiễm từ bãi rác TP Hòa Bình để bảo đảm an toàn nguồn nước mặt cung cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà từ đó bảo đảm chất lượng nước sạch cấp về Hà Nội. Giải quyết triệt để việc bãi rác gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà (Kinh tế đô thị, 04/12).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Hà Nội sẽ cấp thêm gần 5.000 sổ đỏ cho người mua nhà trong tháng 12 (Vietnamplus, 03/12). Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tính đến ngày 30/11, Văn phòng Đăng ký Đất đai đã tiếp nhận 40.916 hồ sơ; trong đó, đã giải quyết, cấp 35.518 sổ đỏ cho người mua nhà. Dự kiến, từ ngày 1/12 đến 31/12, Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1.664 hồ sơ đồng thời giải quyết và cấp thêm khoảng 4.982 sổ đỏ cho người mua nhà. Như vậy, trong năm nay, toàn thành phố dự kiến sẽ cấp khoảng 40.500 sổ đỏ, vượt 1,25% chỉ tiêu so với con số 40.000 sổ đỏ đặt ra ban đầu. Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc cấp "sổ đỏ" nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, thành phố Hà Nội khẳng định quyết tâm chấn chỉnh quản lý đất đai và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước mắt, thành phố yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư phải có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp "sổ đỏ" cho người dân. Hiện thành phố đã phát hiện 50 dự án có vi phạm và sẽ có chế tài xử lý nghiêm với từng trường hợp vi phạm. Chính phủ cũng vừa ban hành chế tài phạt hành chính 1 tỷ đồng nếu doanh nghiệp cản trở việc cấp "sổ đỏ". Tại Hà Nội, nếu áp dụng Luật Thủ đô, mức phạt có thể còn lên tới 2 tỷ đồng… Hà Nội sẽ áp chế tài mạnh xử lý vi phạm cấp 'sổ đỏ' (Tin tức, 02/12).

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản chỉ đạo liên quan đến việc chậm tiến độ tại dự án cầu Nhật Tân và việc sử dụng vốn giải phóng mặt bằng tại dự án này. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông Vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) thành phố, Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty điện lực Hà Nội, UBND huyện Đông Anh và các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra, làm rõ nguyên nhân trách nhiệm đối với việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu số 3 dự án xây dựng cầu Nhật Tân, thuộc địa bàn huyện Đông Anh. Dự án cầu Nhật Tân chậm tiến độ: Hà Nội truy trách nhiệm (VTC News, 30/11).

Hầu hết các công ty bán hàng đa cấp đang ngang nhiên hoạt động trên địa bàn thủ đô mà không có giấy phép. Hồ sơ quản lý các doanh nghiệp đăng ký bán hàng đa cấp tại phòng Kinh tế Đối ngoại thuộc Sở Công thương Hà Nội cho thấy trong năm 2014, Hà Nội có hơn 40 công ty bán hàng đa cấp. Đến thời điểm tháng 11/2014, mới chỉ có 2 công ty hoàn thiện thủ tục và chính thức được cấp phép bán hàng đa cấp. Các doanh nghiệp hoạt động chui, hoạt động không phép giữa thủ đô nhiều như vậy liệu các cơ quan chức năng có biết hay làm ngơ. Hà Nội: “Nở rộ” công ty bán hàng đa cấp không có giấy phép (Pháp luật Việt Nam, 02/12).

Dự án The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco được UBND TP.Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 25/2/2010 về việc chấp thuận thông qua hồ sơ đề xuất và chỉ định nhà đầu tư đàm phán hợp đồng Dự án đường giao thông quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì theo hình thức hợp đồng xây dựng, chuyển giao (BT). Dự án được giới thiệu có vốn đầu tư lên tới 1,9 tỷ USD, nhưng đến nay vẫn là bãi đất hoang. Siêu dự án của Bitexco cỏ mọc um tùm (VTC, 01/12).

Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, đã phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan thải bỏ hệ thống dây điện, dây thông tin trên các tuyến phố. Theo kế hoạch, năm 2014 Hà Nội sẽ phải thải hơn 2.200 km dây thông tin các loại trên 88 tuyến phố. Tính đến nay, ngành điện Thủ đô và các cơ quan liên quan đã triển khai được 24/55 tuyến phố với tiến độ trung bình 1,5 ngày/tuyến. Qua đợt chỉnh trang này, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội đã dọn được 70% rác trời (cáp, đường dây viễn thông không sử dụng) treo trên hệ thống cột điện nội thành của thành phố. Hà Nội dọn 1.500 km “rác trời”  (Tiền phong, 03/12).

Bắt đầu từ ngày 1-12, Petrolimex Hà Nội cho chạy thí điểm để cho  người điều khiển phương tiện tự bơm xăng hoặc dầu cho phương tiện của mình tại 2 cửa hàng xăng trên đường Trần Quang Khải thuộc quận Hoàn Kiếm và cây xăng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Qua 3 ngày đầu tiên triển khai, lượng khách tự phục vụ đổ xăng khá đông, chiếm 1/3 lượng khách đến đổ xăng ở cửa hàng xăng dầu trên đường Trần Quang Khải. Nhiều người điều khiển ô tô tỏ ra khá thích thú với hình thức tự phục vụ này vì cho rằng nó phù hợp với sự tiến bộ của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng thủ tục hơi rườm rà và mất nhiều thời gian đổ xăng so với cách truyền thống. Hà Nội: Thí điểm mô hình “khách hàng tự đổ xăng, dầu cho phương tiện” (An ninh Thủ đô, 03/12); Cận cảnh khách hàng hào hứng tự tay bơm xăng ở Hà Nội (VTC, 03/12).

Quản lý xe 3 bánh tự chế giả danh thương binh tại Thủ đô tựa như việc “bắt cóc bỏ đĩa”, bởi sau những chuyên đề kiểm tra, xử lý thì xe 3 bánh lại tái xuất. Vào đầu giờ sáng, trưa, các tuyến phố Đê La Thành, Minh Khai, Mai Động, Trường Chinh, Trần Nhân Tông... lại nườm nượp xe 3 bánh tụ tập chờ khách. Do nhiều tuyến phố cấm xe tải trong khi nhu cầu vận chuyển của người dân lại lớn nên xe 3 bánh thừa đất sống. Xe ba bánh “đại náo” Thủ đô (tienphong.vn, 02/12).

Thời gian vừa qua, người dân tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm phản ánh về việc một số đối tượng ngang nhiên dùng đất dự án mở bến "cóc" gây mất an ninh trật tự, ATGT. Điều đáng nói, mặc dù các lực lượng chức năng địa phương đã nhiều lần tổ chức ra quân xử lý vi phạm, tuy nhiên do chưa quyết liệt nên tình trạng tái vi phạm vẫn diễn ra. Bến “cóc” trên đường Phạm Hùng: Bao giờ xử lý triệt để? (Kinh tế đô thị, 05/12).

Tiếng là chợ dân sinh, nhưng ngoài phần diện tích làm chợ, hơn 400m2 đất khu vực này lại được sử dụng để xây… nhà. Thực trạng này tồn tại ở xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức) đã nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý, khiến người dân địa phương bức xúc.    Tại xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức: Sai phạm gần 10 năm, vẫn bế tắc trong xử lý (Hà Nội mới, 01/12).    

Trong gần 7 năm qua, hàng chục hộ dân sống quanh khu vực cánh đồng hoa phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang phải sống chung với cảnh phun thuốc trừ sâu. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân tại đây. Trước những bức xúc của người dân, đại diện UBND phường Phú Diễn hiện cũng chỉ đưa ra kế hoạch đến đầu tháng 12 tới sẽ có buổi tuyên truyền với người nông dân về cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường. Trong khi những người dân tại đây hàng ngày vẫn phải chịu sống trong cảnh cửa đóng, then cài. Hà Nội: Làng hoa trở thành làng "trừ sâu" (VTV, 30/11); Vựa hoa đầu độc cả khu dân cư (Giao thông vận tải, 01/12).

Trong khi hàng trăm hộ dân xã Ninh Hiệp hằng ngày đang phải sử dụng nguồn nước giếng khoan nhiễm bẩn, thì ngay trên địa bàn xã có một nhà máy nước được đầu tư gần 20 tỷ đồng lại bị bỏ hoang đã nhiều năm nay… Lý giải về nguyên nhân của thực trạng trên, đại diện UBND xã Ninh Hiệp cho rằng: Việc nhà máy nước sạch không đi vào sử dụng được một phần là do không có sự phối hợp giữa các chủ đầu tư là UBND xã Ninh Hiệp và Ban Quản lý Dự án huyện Gia Lâm. Còn một lý do nữa là do thời gian xây dựng quá dài nên sau đầu tư xây dựng cho phần này xong thì phần xây dựng trước đã xuống cấp, khiến nhà máy nước sạch không thể vận hành. Nhà máy nước ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) bỏ hoang: Người dân phải dùng... nước bẩn (Quân đội ND, 30/11).

3. Văn hóa, y tế và giáo dục

Ngày 3/12, Phó giám đốc Sở văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Nội, chủ trì hội thảo lấy ý kiến dự thảo “Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng là cơ quan tư vấn. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội không nên vội vã xây thêm tượng đài một cách tràn lan cả khu trung tâm và ngoại thành, nên di dời, nâng cấp một số tượng đài hiện có để tăng công năng sử dụng, giá trị nghệ thuật… Hà Nội xây dựng quy hoạch tượng đài: Đừng làm với tư duy 'ban phát' (Thể thao văn hóa, 04/12); Hà Nội không nên vội vã xây thêm tượng đài (Tiền phong, 04/12).

Kết quả khảo cổ học mới nhất đã khẳng định thành Cổ Loa (thuộc Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ học Cổ Loa - huyện Đông Anh, Hà Nội) là tòa thành đất có niên đại sớm nhất và quy mô lớn nhất ở Đông Nam Á. Theo tiến sỹ Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học), những dấu tích mới phát lộ cũng mở ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ. Nếu không làm tốt vấn đề này, thành Cổ Loa sẽ chỉ còn là một hình hài vô hồn. “Đừng để di tích thành Cổ Loa chỉ còn là một hình hài vô hồn” (Vietnamplus, 5/12).

Ngày  4-12, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về dân số với chủ đề “Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Tại lễ phát động, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, số sinh con thứ 3 trở lên và các chỉ tiêu khác về dân số trên địa bàn Hà Nội đều đạt và vượt chỉ tiêu thành phố giao. Tuy vậy, mức sinh vẫn biến động khó lường, trong đó xuất hiện tình trạng mức sinh giảm mạnh, tỷ lệ các cặp vợ chồng chỉ sinh 1 con gia tăng dẫn đến dân số suy giảm, thu hẹp giai đoạn cơ cấu dân số vàng và đẩy nhanh quá trình già hóa dân số. Hà Nội phát động Tháng hành động Quốc gia về dân số (An ninh Thủ đô, 05/12).

Người dân xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa) phản ánh: Cơ sở vật chất Trường THCS Kim Đường được xây dựng đã lâu, nay bị xuống cấp, xập xệ, phòng học thiếu, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh… Trước thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị trường học còn thiếu thốn, xuống cấp thì việc thầy và trò Trường THCS Kim Đường phấn đấu xây dựng thành trường chuẩn quốc gia vẫn chỉ là ước mơ xa vời. Xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa): Trường THCS xuống cấp, thiếu phòng học (Hà Nội mới, 01/12).
 



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t