Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 20/9/2014 đến ngày 26/9/2014) (04:59 06/10/2014)



Những nội dung trọng tâm

1. Thời sự, chính trị

Ngày 25-9, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức cuộc gặp mặt lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí TƯ và các tỉnh, thành phố nhằm thông báo hoạt động tổ chức chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014). Tại cuộc gặp mặt, một số lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí đã nêu ý kiến đánh giá cao tinh thần chủ động, đổi mới trong cung cấp thông tin cho báo chí của thành phố thời gian gần đây. Hà Nội ngày càng chủ động tiếp thu, giải quyết hiệu quả những việc báo chí nêu. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, Hà Nội đã xây dựng cơ chế tiếp nhận thông tin từ dư luận nhân dân và báo chí một cách bài bản, khoa học trên tinh thần cầu thị và trách nhiệm. Quan điểm chung, thống nhất của lãnh đạo thành phố đối với báo chí là hết sức cởi mở, công khai, minh bạch, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin mà dư luận đang quan tâm. Cùng ngày, tại trụ sở UBND TP Hà Nội, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô và các ngày lễ lớn năm 2014 đã thảo luận và thống nhất nội dung, hình thức tổ chức các sự kiện liên quan, đặc biệt là lễ kỷ niệm cấp quốc gia diễn ra ngày 10-10-2014. Hội nghị thống nhất cho rằng, kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014) là sự kiện trọng đại của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng. Việc tổ chức các sự kiện phải thể hiện được tính chất trang trọng, thiết thực, an toàn, tiết kiệm; làm nổi bật được những giá trị truyền thống nghìn năm văn hiến của Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình. Hà Nội kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô: Không phô trương, hình thức (VOV, 22/9). Tổ chức lễ kỷ niệm cấp Nhà nước trang trọng, an toàn, tiết kiệm (Hà Nội mới, 26/9). Hà Nội đánh giá cao và luôn coi trọng thông tin trên báo chí (Kinh tế đô thị, 26/9). Tập trung tuyên truyền khơi dậy niềm tự hào, truyền thống vẻ vang của Thủ đô (Kinh tế đô thị, 26/9).

Theo Đề án số 161/ĐA-UBND ngày 8/9/2014 của UBND TP Hà Nội, các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được dự kiến như sau: Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô sẽ được tổ chức vào lúc 8h30 ngày 10/10/2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Bên cạnh đó là hàng loạt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, gặp mặt đại biểu gia đình chính sách như: Lãnh đạo TP thăm và tặng quà gia đình chính sách có công trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp giải phóng Thủ đô (từ ngày 29/9/2014); tổ chức gặp mặt đại biểu chiến sĩ và TNXP trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, đại biểu gia đình chính sách.. tại Bảo tàng Hà Nội ngày 4/10; … Ngoài ra còn có các hoạt động triển lãm, hội thảo về 60 năm Giải phóng Thủ đô như: trưng bày Triển lãm về thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 60 năm xây dựng và phát triển tại Bảo tàng HN từ ngày 4 đến 12/10/2014; Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” diễn ra tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngày 27-9 đến 2-10. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất, tổ chức Hội sách – Hà Nội thành phố vì hòa bình, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống, xây dựng bộ phim tài liệu “Hà Nội 60 năm một chặng đường”, Triển lãm Mỹ thuật - cầu nối giữa các thế hệ, Hội diễn văn nghệ khu vực kinh tế tập thể 2014, tổ chức cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật đặc biệt quy tụ những nghệ sĩ nổi tiếng, bắn pháo hoa tầm cao tại 5 địa điểm và tầm thấp tại 25 địa điểm  trong Thành phố...Thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 23/9. Tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (Hà Nội mới, 23/9),  Sự kiện sách lớn nhất trong năm tại Hà Nội (An ninh thủ đô, 24/9), Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” (Đại đoàn kết, 24/09), Triển lãm “Thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội của Thủ đô 60 năm xây dựng và phát triển” (Hà Nội mới, 24/9), Nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (Hà Nội mới, 25/9), Hà Nội sẽ lung linh sắc màu dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (Kinh tế đô thị, 24/9).

Tối 26-9, tại Di sản Hoàng Thành Thăng Long, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức Lễ Khai mạc Hội sách Hà Nội 2014kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Phát biểu khai mạc Hội sách, Chủ tịch UBND TP Hà Nội-Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Hội sách được tổ chức tại một không gian văn hóa đặc biệt, không chỉ góp phần nâng cao văn hóa đọc, tạo nét đẹp trong đời sống xã hội của Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà còn là dịp để ôn lại truyền thống văn hiến ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, để thêm yêu mến và tự hào về Thủ đô. Đây thực sự là ngày hội cho những người yêu sách, là môi trường để tất cả các đơn vị xuất bản, in, phát hành sách và Công ty hoạt động, kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa – truyền thông có điều kiện khẳng định và quảng bá thương hiệu, giao lưu, gặp gỡ và tiếp cận các nhu cầu văn hóa đọc đa dạng, không ngừng phát triển trong các tầng lớp nhân dân. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông – Nguyễn Bắc Son khẳng định, đây là cơ hội để bạn đọc tìm hiểu những giá trị tinh thần, nguồn tri thức vô giá được lưu giữ qua các trang sách. Đại diện Nhà xuất bản (NXB) Hà Nội cũng cho biết, trong ngày hội, NXB tập trung trưng bày những ấn phẩm, tư liệu gắn liền với Thăng Long, nghìn năm văn hiến. Đây là dịp để NXB gửi đến các độc giả khắp cả nước những tài liệu quý báu được khai thác trong nhiều năm qua. Ngoài ra, NXB sẽ kết hợp với các nhà khoa học tiếp tục khai thác không gian văn hóa vùng đất Hà Nội, đặc biệt là không gian văn hóa xứ Đoài. Ngoài những hoạt động chính của ngày hội, với mục đích tạo ra một không gian văn hóa ấn tượng, hấp dẫn và phong phú phục vụ mọi đối tượng bạn đọc, Hội sách còn tổ chức các hoạt động bên lề, như: viết thư pháp, khắc dấu gỗ, trang trí bookmarks, khu vực chơi cho trẻ em,… Khai mạc Hội sách đầu tiên tại Hà Nội (tin tức, 26/9), Sự kiện sách lớn nhất trong năm tại Hà Nội (HQ Online, 27/9), Giới thiệu 10 ngàn tên sách tại Hội sách Hà Nội - Thành phố vì hòa bình 2014 (Công an ND, 28/9), Khai mạc Hội sách Hà Nội 2014 (Nhân dân, 27/9), “Hội sách Hà Nội 2014” là tiền đề để tổ chức hội sách thường niên (Vietnamplus, 27/9), Hội sách Hà Nội mở cửa tại Hoàng thành Thăng Long (VOV.VN,27/9).

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Ngày 19-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Thành phố định hướng, giai đoạn 2016-2020 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình là 7-7,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ còn khoảng 1,5%/năm. Trong đó, tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; đẩy mạnh 3 khâu đột phá. Hà Nội hướng tới mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% (Hà Nội mới, 20/9); Giai đoạn 2016-2020: Hà Nội tăng trưởng 7-7,5% (An ninh thủ đô, 20/9).

Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2014 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 3,26% so với cùng tháng năm trước. Như vậy, sau 9 tháng, CPI của Thủ đô đã tăng 2,05%. So với lần điều chỉnh trước vào tháng 9/2013, mặc dù mức điều chỉnh lần này mạnh mẽ hơn nên đã tác động lớn hơn đến chỉ số chung, nhưng CPI chung lại tăng ít hơn là do các nhóm hàng còn lại của năm nay có mức tăng giá thấp hơn các nhóm hàng năm ngoái. Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 9/2013 chỉ tăng 2% và chỉ số CPI cũng chỉ tăng 0,6% so với tháng trước. CPI tháng 9 tại Hà Nội tăng bất thường vì nhóm giáo dục (Vneconomy, 22/9).

Ngày 24-9, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu xây dựng Thủ đô giai đoạn 2014-2015 vào cuối tháng 9. Số tiền thu được từ trái phiếu sẽ được bố trí cho một số dự án, công trình trọng điểm của Hà Nội như: dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội; dự án xây dựng đường Vành đai 1 và Vành đai 2; dự án đường 5 kéo dài... đang cần nguồn vốn để hoàn thành trong năm 2014-2015. Hà Nội phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu để bố trí vốn cho các công trình trọng điểm (Hà Nội mới, 25/9).

Theo thống kê của Hà Nội, sau thành công giảm ùn tắc giao thông năm 2013 bằng việc xây cầu vượt, số điểm đen giao thông Hà Nội giảm còn khoảng 50 điểm. Tuy nhiên trong đầu tháng 9, con số này đã gia tăng khi một loạt dự án xây dựng đi vào thi công ở các tuyến đường cửa ngõ, vành đai như Xuân Thủy - Cầu Giấy, Trần Phú (Hà Đông), Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn... Những công trường gây ùn tắc ở Thủ đô (Tiền phong, 23/9).

Trong khi các khu đô thị mới ở Hà Nội xuất hiện và ngày càng được mở rộng, các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân được đầu tư xây dựng ồ ạt như nấm mọc sau mưa, thì quỹ đất làm không gian công cộng dành cho thiếu nhi vui chơi tại trung tâm và các quận huyện của thủ đô Hà Nội lại ngày càng bị thu hẹp. Đó là nguyên nhân tại sao nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ muốn cho con ở nhà chơi với đồ chơi điện tử hơn là đưa con ra các khu vui chơi, giải trí. Hà Nội: Quá ít điểm vui chơi công cộng cho thiếu nhi (Công lý, 25/9).

Lòng đường, vỉa hè bị biến thành nơi bày bán hàng hóa gây cản trở giao thông, rác thải đọng lại sau mỗi buổi chợ không được thu dọn sạch sẽ lâu ngày tích tụ, bốc mùi xú uế. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra trên phố Vĩnh Hồ, khu vực giáp rạnh giữa phường Ngã Tư Sở và Thịnh Quang (quận Đống Đa). Mặc dù chính quyền liên phường khẳng định vẫn thường xuyên tổ chức ra quân, bố trí lực lượng chốt để nhắc nhở, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Thế nhưng đến thời điểm này, tình trạng họp chợ, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khu tập thể Vĩnh Hồ gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị vẫn diễn ra phổ biến. Chợ cóc, chợ tạm lấn át chợ chính (Kinh tế đô thị, 24/9).

Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng xây dựng lấn chiếm lòng mương, thậm chí xây nhà trên mặt mương xảy ra đã một thời gian. Việc xây dựng lấn chiếm lòng mương đã khiến rác thải bị ùn ứ tại nhiều điểm, gây tắc nghẽn, cản trở dòng chảy và ô nhiễm môi trường khu vực. Lo ngại trước viễn cảnh đình Thị Cấm - di tích quốc gia có nguy cơ sẽ biến thành ao, trước tình trạng dòng chảy ngày càng bị tắc nghẽn, các hộ dân đã kiến nghị chính quyền địa phương sớm kiểm tra, giải tỏa, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng lấn chiếm bờ và lòng mương. Tuy nhiên, UBND phường Xuân Phương vẫn “im lặng”. Mương thoát nước thải tại phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm) bị lấn chiếm: Vì sao phường im lặng? (Hà Nội mới, 20/9).

Gần 200 hộ dân sinh sống tại khu T1+T2 thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh phản ánh về việc xưởng sản xuất của Công ty CP sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đức Cường  chuyên bóc và ép gỗ ngay trong khu vực dân cư gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Về việc này, Phó Chủ tịnh UBND xã Dục Tú cho rằng: UBND xã đã lập đoàn kiểm tra xuống làm việc với Cty Đức Cường. Qua thực tế kiểm tra, lĩnh vực sản xuất của Công ty có phát sinh khí thải, khói, bụi ảnh hưởng đến môi trường. Theo đó, ngày 13/1/2014, UBND xã Dục Tú đã ra Thông báo số 37/TB/UBND yêu cầu Công ty Đức Cường chấm dứt hoạt động sản xuất bóc, ép gỗ tại khu T1+ T2 Đồng Dầu tuy nhiên Công ty Đức Cường không những không thực hiện mà vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất. Sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh: Chính quyền sở tại... bó tay? (Kinh tế đô thị, 24/9).

3. Văn hóa, y tế và giáo dục

Trước thông tin phản ánh về những bất cập liên quan tới công tác quản lý tại đền Sọ, Sở VHTT&DL vừa lập tổ công tác, tới khảo sát thực tế tại khu di tích đồng thời có Công văn số 2969/SVHTT&DL-QLDT gửi UBND huyện Sóc Sơn về việc xử lý việc bán hàng và sự xuống cấp tại di tích đền Sọ, xã Phù Lỗ. Sớm khắc phục những bất cập tại đền Sọ (Kinh tế đô thị, 20/9).

Ngày 19/9, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội, giám sát việc thực hiện xây dựng xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế trên địa bàn. Trong đó, vấn đề duy trì hiệu quả sử dụng của các trạm y tế đạt chuẩn được đặt ra. Trưởng ban Văn hóa - Xã hội đề nghị: Sở Y tế phối hợp với các Sở liên quan rà soát kế hoạch giao chỉ tiêu xây dựng xã, phường đạt chuẩn y tế năm 2015 sát với thực tế, lưu ý đến các huyện có khó khăn về kinh tế. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền quán triệt, đào tạo, bồi dưỡng lại cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Đánh giá mô hình hoạt động của trạm phường, xã và kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp. Điều chỉnh hợp lý mô hình hoạt động trạm y tế (Kinh tế đô thị, 20/9).

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản số 7140/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc quản lý các cơ sở nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Hà Nội giao sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội ngoài công lập đối với các cơ sở có trụ sở chính đóng trên địa bàn, đủ điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Thành phố cũng chỉ đạo, trong trường hợp chùa Bồ Đề tiếp tục có nguyện vọng nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, các cơ quan chức năng xem xét cụ thể, cho phép nhà chùa nuôi dưỡng bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, với tinh thần các đối tượng phải được chăm sóc tốt. Chùa Bồ Đề được lập cơ sở bảo trợ xã hội (VTC, 20/9).

Gần một tháng sau ngày khai giảng năm học mới, vẫn còn 124 trẻ 3 tuổi ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội chưa được đến trường do thiếu phòng học. Sở GD&ĐT TP đã yêu cầu Phòng GD&ĐT Thạch Thất triển khai các giải pháp tăng sĩ số trẻ trên lớp, sửa chữa các phòng chức năng, tạo điều kiện tối đa để tiếp nhận trẻ, tuyên truyền vận động cho các phụ huynh sớm đưa trẻ tới trường. Ngày 24-9, 100 cháu đã được đi học trở lại. Hà Nội: 100 trẻ 3 tuổi xã Yên Bình đã có chỗ học (Đại đoàn kết, 25/09).
 



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t