Nâng cao tỷ lệ người dân dùng nước sạch: Bài 2: Cần quyết liệt hơn (13:14 26/09/2018)


HNP - Mặc dù thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao tỷ lệ người dân dùng nước sạch, nhưng theo đánh giá của Ban Đô thị - HĐND TP thì vẫn còn nhiều tồn tại từ việc đầu tư dự án, phát triển mạng lưới, vận hành công trình đến ý thức của người dân trong dùng nước sạch… Do đó, thành phố cần quyết liệt hơn để nâng cao tỷ lệ người dân dùng nước sạch trên toàn thành.

Còn nhiều tồn tại

Theo đánh giá của Ban Đô thị, một số dự án phát triển nguồn triển khai thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ được phê duyệt. Trong đó, nổi bật là dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước mặt sông Hồng, do Công ty Cổ phần nước mặt Sông Hồng làm chủ đầu tư, quy mô công suất 300.000m3ng/đ, giai đoạn I công suất 150.000 m3ng/đ, giai đoạn II công suất 300.000 m3ng/đ, tiến độ phê duyệt giai đoạn I hoàn thành Quý VI/2018, tuy nhiên, đến nay, dự án mới cơ bản hoàn thành công tác GPMB diện tích xây dựng Nhà máy, đang hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công, chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu, chưa tổ chức thi công xây dựng.

Ngoài ra, Dự án nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II do Công ty cổ phần nước mặt Sông Đà làm chủ đầu tư tiến độ phê duyệt hoàn thành 2009-2010; theo Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 11/6/2018, Hợp phần 1 nâng công suất từ 220.000 m3ng/đ lên 300.000 m3ng/đ tiến độ hoàn thành năm 2018, Hợp phần 2 nâng công suất 300.000 m3ng/đ lên 600.000m3/ngđ tiến độ hoàn thành 2019-2020. Đến nay, mới thi công xong 3/6,4 km tuyến ống hợp phần 1, hiện đang thực hiện công tác khảo sát TKTC công trình đầu mối nhà máy xử lý, bể chứa trung gian của hợp phần 2, tuyến ống truyền tải mới thi công đạt 15%.

Bên cạnh đó, một số dự án phát triển mạng cấp nước đã được triển khai song thực hiện chậm không đảm bảo tiến độ như Dự án mạng cấp nước cho 4 xã Tiền phong, Tráng Việt, Mê Linh và Đại Thịnh thuộc huyện Mê Linh, do Công ty TNHHMTV Nước sạch Hà Nội làm Chủ đầu tư, tiến độ hoàn thành quý I/2018. Đến nay, mới hoàn thành chuẩn bị đầu tư, chưa thi công. Hay Dự án mạng cấp nước 14 xã, thị trấn Lại Yên, Song Phương, Tiền Yên, Đắc Sở, Đức Giang, Sơn Đồng, Vân Canh, Đức Thượng, Kim Chung, Di Trạch, Yên Sở, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức do Công ty CPNS Tây Hà Nội làm chủ đầu tư tiến độ hoàn thành năm 2018. Đến nay, còn 7 xã chưa triển khai thi công (Song Phương, Tiền Yên, Đắc Sở, Yên Sở, Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế).

Dự án cấp nước cho 28 xã, đơn vị hành chính huyện Phú Xuyên, do Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam làm chủ đầu tư, tiến độ hoàn thành 2020. Đến nay mới hoàn thành 13km ống truyền tải đáp ứng nhu cầu cấp nước cho 3/28 xã, đang triển khai thi công tuyến ống phân phối và dịch vụ cho 2 xã, còn 23 xã: Khai Thái, Hồng Thái, Thụy Phú,Văn Nhân, Đại Xuyên, Phúc Tiến, Nam Triều, Nam Phong, Vân Từ, Sơn Hà, Tân Dân, Quang Trung, Văn Hoàng, Đại Thắng, Phượng Dực, Châu Can, Phú Yên, Chuyên Mỹ, Hoàng Long, Phú Túc, Tri Trung, Hồng Minh và thị trấn Phú Xuyên chưa thực hiện thi công. Dự án mạng cấp nước 3 xã Xuân Phú, Vân Nam, Vân Phúc huyện Phúc Thọ do Công ty cổ phần Đầu tư và tư vấn thiết kế công trình xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư, tiến độ hoàn thành 2018. Đến nay, mới đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chưa thi công…

Bên cạnh các dự án triển khai chậm, thì công tác bàn giao quản lý vận hành hoạt động các trạm cấp nước sạch nông thôn còn khó khăn, bất cập; chất lượng nước sạch của các trạm không ổn định, chưa đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch đô thị. Theo báo cáo và qua giám sát cho thấy chất lượng nước tại nhiều trạm cấp nước nông thôn không đảm bảo ổn định, dẫn đến tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chưa cao; nhiều trạm chưa đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch đô thị do có quy mô nhỏ, xây dựng không đồng bộ, áp dụng công nghệ cũ, lạc hậu, chưa thực hiện việc bổ sung công nghệ lọc mới hiện đại theo chỉ đạo của Thành phố; một số đơn vị quản lý vận hành chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý và giám sát chất lượng nước sau xử lý, công nhân quản lý vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố; nhiều trạm cấp nước sạch nông thôn đang hoạt động nhưng chủ đầu tư không lắp đặt đồng hồ đo đếm nước đầu vào để làm cơ sở nộp thuế khai thác tài nguyên nước. Công tác tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc sử dụng nước sạch ở một số huyện chưa được các cấp chính quyền quan tâm, coi trọng dẫn đến tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch của các trạm nước sạch nông thôn còn thấp.

Những việc cần làm

Theo Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân, UBND TP cần tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, chính quyền các cấp kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch tại các khu vực còn khó khăn, khó có khả năng tiếp cận từ nguồn nước sạch tập trung tại một số xã thuộc huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thạch Thất; cùng với đó giao Ban QLDA Cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố nghiên cứu phương án đảm bảo cấp nước cho người dân tại những khu vực này. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

Cùng với đó, Sở Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước, các mạng truyền dẫn, phân phối theo đúng kế hoạch đã được UBND Thành phố chấp thuận tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Kiểm tra, đôn đốc các Công ty cấp nước trong việc lắp đặt bổ sung thiết bị, nâng cấp các trạm cấp nước hiện có, đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn nước uống của Bộ Y tế.

Đối với UBND các huyện, thị xã, cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các Chủ đầu tư đẩy nhanh triển khai các dự án; Đề xuất thay thế các nhà đầu tư triển khai dự án không đảm bảo tiến độ, chất lượng; Tiếp thu, giải quyết những kiến nghị của người dân, Nhà đầu tư trên địa bàn. Báo cáo UBND Thành phố, các sở ngành những khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết đối với những nội dung vượt thẩm quyền. Đặc biệt, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm tự khai thác và lợi ích của việc sử dụng nước sạch để nhân dân hiểu và ủng hộ chủ trương đến năm 2020 tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sạch đạt 100%.


Nguyễn Hợp


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t