Bài 3: Nâng cao vị thế của Hà Nội thông qua phát triển thương mại - dịch vụ (17:41 28/07/2018)


HNP - Nhằm thúc đẩy sự phát triển thương mại - dịch vụ, 10 năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định thị trường, cung cấp kiến thức và tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp… Nhờ đó, nền thương mại Thủ đô đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Hà Nội trong khu vực và quốc tế.

Trong 10 năm qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại tạo cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp


Năm 2008, hạ tầng thương mại trên địa bàn Hà Nội còn chưa phát triển mạnh, nhất là tại các khu vực mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Cả thành phố chỉ có 10 trung tâm thương mại (TTTM), 78 siêu thị và 355 chợ. Trong đó, các chợ hầu hết đều xây dựng lâu năm, lạc hậu, xuống cấp. Tại các huyện ngoại thành đều thiếu TTTM, siêu thị… Nhưng đến nay, trên địa bàn đã có 22 TTTM, 125 siêu thị, 454 chợ và hơn 700 cửa hàng tiện lợi, phủ khắp thành phố, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Với thị trường hơn 10 triệu dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực thương mại của Hà Nội. 
 
Cùng với phát triển hạ tầng, hoạt động thương mại trên địa bàn cũng duy trì được mức tăng trưởng khá. Sở Công thương thành phố đã tích cực thực hiện Chương trình bình ổn giá của Thành phố. Chương trình được triển khai từ năm 2007 đến nay, với nhiều hình thức như: Thành phố tạm ứng vốn với lãi suất 0% để doanh nghiệp dự trữ hàng hóa thực hiện chương trình; Kết nối ngân hàng vay vốn sản xuất, kinh doanh thực hiện chương trình; Vận động doanh nghiệp tham gia chương trình không tạm ứng vốn. Từ năm 2008 đến năm 2015, Thành phố đã tạm ứng 2.575 tỷ đồng với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố. Nhờ việc ổn định thị trường, trong 10 năm qua tình hình cung cầu hàng hóa được bảo đảm, giá cả thị trường ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn giai đoạn 2010-2017 tăng trưởng khá, bình quân đạt 13,7%/năm. Thương mại điện tử cũng phát triển nhanh chóng. Hà Nội giữ vị trí thứ hai cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI).
 
Các chương trình hội chợ thương mại, bình ổn giá luôn nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng Thủ đô
 
Mười năm qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp, các HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết hàng tồn kho, tìm kiếm thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Thành phố đã tổ chức, hỗ trợ 40 đoàn (hơn 450 doanh nghiệp Hà Nội) tham gia các chương trình xúc tiến trong nước và hơn 50 đoàn (gần 700 doanh nghiệp) tham gia các chương trình ở nước ngoài. Không chỉ bán hàng, đây chính là những cơ hội tốt để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Qua đó, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, cung ứng đến phân phối, tiêu thụ một cách bài bản, chặt chẽ.
 
Để hỗ trợ các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), từ năm 2008 đến nay, Sở Công thương đã đăng tải nhiều bài tuyên truyền về công tác HNKTQT của thành phố Hà Nội và các FTA Việt Nam đang đàm phán, vừa kết thúc đàm phán và đã được ký kết; cung cấp thông tin về các thị trường, cơ hội, thách thức, rào cản thương mại, tiềm năng xuất khẩu, quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp, cạnh tranh chống độc quyền, chống bán phá giá... Bên cạnh đó, tổ chức trên 40 lớp tập huấn, tuyên truyền cho 5.500 lượt học viên của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với các nội dung cung cấp thông tin thị trường nước ngoài, chính sách mới về thuế, hải quan, quản lý và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia… Nhờ đó, những kết quả thực hiện Kế hoạch HNKTQT, phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố Hà Nội đã có chuyển biến tích cực so với thời gian trước khi hợp nhất. Uy tín và vị thế của Hà Nội từng bước được nâng lên trong khu vực và quốc tế. 
 
Để thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ Thủ đô, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thời gian tới, Sở Công thương Thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, kiểm soát lạm phát, ổn định cung - cầu hàng hóa; Phát triển sản xuất gắn với việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước; Hoàn thành xây dựng, trình phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tập trung phát triển loại hình, hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại: Hình thành mới Trung tâm mua sắm Outlet; Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát huy và khai thác tối đa thành quả công cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong phát triển thương mại điện tử; Vận hành hiệu quả website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội”, để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, du lịch, giải trí…trên địa bàn Thành phố. 
 
Cùng với đó, Sở Công thương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn. Tập trung triển khai có hiệu quả: Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án "Đẩy mạnh xuất khẩu của thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến năm 2025"; Kế hoạch thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2018; Đề án “Giải pháp phát triển kinh tế của Thành phố Hà Nội trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn đến năm 2020”.

Minh Đăng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t