Cần có khung quy chuẩn thống nhất trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị (13:34 19/01/2024)


HNP - Sáng 19/1, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Phiên chuyên đề quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật (TCKT), công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT).

Quang cảnh Hội thảo


Dự Hội thảo có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; cùng đại diện các sở, ngành của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các chuyên gia trong nước, quốc tế.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến ĐSĐT (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh), với tổng chiều dài 417,8 km (trong đó 75,6 km đi ngầm), tuy nhiên hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13 km (tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông) và đang triển khai thi công 12,5 km (tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội). Như vậy theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị, đến năm 2035 thành phố Hà Nội phải hoàn thành 404,8 km tuyến ĐSĐT còn lại.
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Hiện nay, tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải đầu tư đã đi vào khai thác vận hành, được toàn thể Nhân dân thành phố Hà Nội chào đón và sử dụng với tần suất cao, bước đầu cho thấy hiệu quả về mặt khai thác. Sắp tới, UBND thành phố Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến ĐSĐT thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, cũng như UBND Thành phố Hồ Chí Minh sắp đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên.
 
Trong quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Trong số những nguyên nhân của việc chậm tiến độ đó là chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp một số vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong nước cũng như nước ngoài đối với các dự án, đặc biệt mỗi dự án sử dụng các công nghệ của các nước khác nhau thì áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn cũng khác nhau, những khó khăn trong công tác quản lý dự án.
 
Trước thực trạng trên, để đúc rút kinh nghiệm cho việc đầu tư hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn hai thành phố lớn nhất cả nước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội hi vọng, hội thảo với sự tham gia của các đại diện cơ quan Trung ương, các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực đường sắt đô thị sẽ có nhiều ý kiến đóng góp về kinh nghiệm áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ trong lĩnh vực đường sắt đô thị.
 
Quang cảnh Hội thảo
 
Bên cạnh đó, Thành phố cũng muốn lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách sách ưu tiên, ưu đãi cho phát triển thị trường, các cơ sở công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ cho đường sắt; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà thầu nước ngoài; các mô hình tổ chức quản lý và thực hiện dự án đối với các dự án tương tự đã triển khai tại các nước phát triển.
 
"Tôi mong rằng Hội thảo chuyên đề hôm nay sẽ là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đường sắt đô thị cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm, bài học, ý tưởng về xây dựng, phát triển đường sắt đô thị nói riêng, giao thông đô thị nói chung. Hội thảo còn là một dịp quan trọng để các đơn vị tham dự tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau tạo nền tảng để xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong thời gian sắp tới", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
 
Ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực công trình
 
Tại Hội thảo, ông Yu Tao, Kỹ sư trưởng, Tập đoàn Cục 16 Đường sắt Trung Quốc cho biết, hệ thống giao thông vận tải đường sắt đòi hỏi một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất để đảm bảo hoạt động trơn tru. Dựa trên nghiên cứu các dự án giao thông vận tải đường sắt đã hoàn thành và đang xây dựng tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam có thể thiết lập một hệ thống quy phạm về giao thông vận tải đường sắt thống nhất để đảm bảo tính tương thích và khả năng tương tác của các tuyến đường sắt trong thành phố, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng, nâng cao hiệu quả giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững về mặt kinh tế.
 
Ông Yu Tao, Kỹ sư trưởng, Tập đoàn Cục 16 Đường sắt Trung Quốc tham luận tại Hội thảo
 
Theo đại diện Tập đoàn Cục 16 Đường sắt Trung Quốc, trong quá trình xây dựng tàu điện ngầm ở các thành phố của Trung Quốc, việc thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật giữa nhiều đơn vị chủ thể là “chìa khóa” cốt lõi để thiết lập tiêu chuẩn. Điều này bao gồm sự phối hợp và liên lạc giữa nhiều đơn vị như đơn vị thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát và đơn vị vận hành. Nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho các công trình tàu điện ngầm, đơn vị thiết kế và đơn vị thi công cần có sự hợp tác chặt chẽ để cùng lập ra phương án thiết kế và kế hoạch thi công chi tiết.
 
Cũng tại Hội thảo, TS Lê Công Thành, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ về một số vấn đề trong nghiên cứu xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho hệ thống đường sắt đô thị Việt Nam.
 
TS Lê Công Thành, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ về xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho hệ thống đường sắt đô thị
 
Những năm gần đây, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) áp dụng cho các hệ thống ĐSĐT theo xu hướng chung là chuyển dịch (hoàn toàn về nội dung) các tiêu chuẩn của EN, IEC, ISO… thành các tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tham chiếu các tiêu chuẩn này để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với Việt Nam, trong đó ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn, QCKT liên quan đến lĩnh vực công trình, phương tiện, khai thác, vận hành và bảo trì.
 
Theo TS Lê Công Thành, do ĐSĐT là hệ thống phức tạp liên quan đến rất nhiều chuyên ngành, bao gồm: Công trình, cơ khí, vật liệu, điện, điện tử, thông tin tín hiệu, công nghệ thông tin… khối lượng các tiêu chuẩn liên quan đến ĐSĐT rất lớn, trong khi nguồn lực (cả về nhân lực, kinh phí) còn hạn chế nên kết quả công tác xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan ĐSĐT còn hạn chế.
 
Vì vậy, TS Lê Công Thành cho rằng, cần thiết phải có tổng hợp và so sánh hệ thống tiêu chuẩn, QCKT của ĐSĐT tại các nước phát triển trên thế giới và Việt Nam, từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất xây dựng tiêu chuẩn, QCKT, định hướng danh mục các tiêu chuẩn của hệ thống tiêu chuẩn cho ĐSĐT phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại Việt Nam, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến, đang ứng dụng phổ biến trên thế giới.
 
Việc sớm thống nhất một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Bởi với đường sắt đô thị, do phải huy động nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau nên cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến tính đồng bộ, tính tương thích liên quan tới các thông số kỹ thuật chủ yếu của các tuyến đường sắt đô thị.
 
Chẳng hạn như, yêu cầu thống nhất về diện tích tiết diện hầm đường sắt đô thị; yêu cầu chuẩn hóa phương thức lấy điện của tàu; yêu cầu chuẩn hóa hệ thống điều khiển kết nối với trung tâm điều hành OCC…
 
Nói cách khác, việc sớm có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam sẽ góp phần giúp tăng khả năng tự chủ hướng tới công nghiệp hóa ngành đường sắt, giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t