Huyện Đan Phượng: Chủ động các phương án phòng chống cơn bão số 3 (21:32 07/09/2024)


HNP - Bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3 (bão Yagi), huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các phòng, ngành, đơn vị chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kể hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể tại địa phương để kịp thời kiểm tra, xử lý, bảo đảm an toàn cho người dân và công trình.

Các lực lượng chức năng kịp thời xử lý sự cố cây đổ do cơn bão gây ra chiều 7/9


Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Đức cho biết, để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả với bão số 3 và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới, UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Thành phố và huyện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiểm cứu nạn; đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/02/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chỉ thị số 29-CT/HU ngày 14/5/2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng về tăng cường công tác phòng, chống thiên tài và TKCN năm 2024. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
 
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể tại địa phương. 
 
Tập trung lãnh đạo, chi đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng đễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước. 
 
“UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách; lãnh đạo các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao phụ trách, chủ động xuống hiện trường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, thiên tai. Trong đó tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở không bảo đảm an toàn...; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn” - đồng chí Nguyễn Văn Đức chia sẻ.
 
Chỉ đạo đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng, công trình đề điều, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.
 
“UBND huyện sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.
 
Các lực lượng chức năng kịp thời xử lý sự cố cây đổ do cơn bão gây ra chiều 7/9
 
Ngày 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Đan Phượng đã có mưa to đến rất to kèm giông gió mạnh. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Đan Phượng, ghi nhận trên địa bàn huyện có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, gió giật cấp 10. Lượng mưa đo được trung bình toàn huyện từ 17 giờ ngày 6/9 đến 15 giờ 30 ngày 7/9 là 63mm. Riêng trong ngày 7/9 là 43mm. 
 
Thống kê sơ bộ, tính đến 17 giờ chiều 7/9, trên địa bàn huyện Đan Phượng có 46 cây xanh trên địa bàn huyện Đan Phượng bị gãy, đổ, trong đó trên tuyến đường N4 có 2 cây keo tai tượng, 2 cây sấu; đường Đan Phượng - Tân Hội có 2 cây sấu; đường Liên Hồng 2 cây bằng lăng tím; đường Quốc lộ 32 qua thị trấn Phùng 3 cây sấu; khu đô thị Tân Tây đô xã Tân Lập có 8 cây Osaka; Trường Tiểu học Thượng Mỗ có 6 cây điệp vàng…
 
Về sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng trọt bị ảnh hưởng do mưa bão của toàn huyện là 6,56ha. Trong đó diện tích lúa đổ nghiêng 1,2ha, ngô 0,36ha, chuối 5ha  (đổ khoảng 2%, tương đương 0,1ha).
 
Ngay sau khi nhận được thông tin sự cố đổ cây xanh, lực lượng chức năng từ huyện đến các xã, thị trấn đã tăng cường kiểm tra, cưa cành, thu dọn cây đổ, trả lại giao thông thông thoáng trên các tuyến đường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới người dân cũng như các công trình.
 
Cũng trong ngày 7/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng và lãnh đạo xã Hồng Hà đã tiến hành kiểm tra, động viên các ngư dân làng chài của xã Hồng Hà trên sông Hồng neo đậu thuyền, bè cá và vào nơi trú ẩn an toàn.
 
Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết, toàn xã có 11 hộ dân sinh sống trên sông và bè cá với tổng số 31 bè cá. Trước diễn biến của bão số 3, UBND xã đã có công văn khẩn yêu cầu cấp ủy chi bộ, cụm trưởng cụm dân cư kiểm tra trên địa bàn cụm kịp thời sơ tán Nhân dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất và các công trình nguy hiểm đến nơi an toàn, trong đó có các chủ phương tiện tàu, thuyền, bè, lồng...
 
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Đan Phượng khuyến cáo người dân lưu ý không nên chủ quan, thường xuyên theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh. Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao; chủ động sơ tán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
 
Cùng với đó, đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật; không trú tránh dưới các gốc cây, cột điện, vật dễ đổ. Người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa, mái tôn, trữ nước đầy các bồn chứa nước trên các mái nhà chống lật, đổ, rơi; cắt tỉa cành cây; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; đảm bảo an toàn công trình đang thi công.
 
Với sản xuất nông nghiệp, người dân cần gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu, bảo vệ lồng, bè thủy sản; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, nhất là người dân sinh sống trên sông.
 
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, UBND huyện Đan Phượng kêu gọi Nhân dân tích cực, chủ động, hợp tác với chính quyền trong công tác phòng, tránh bão lụt nhằm đảm bảo vệ tính mạng, tài sản khi thiên tai xảy ra.

Lê Hải


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t