Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Thanh Oai (15:48 24/10/2023)


HNP - Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố, sáng 24/10, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với huyện Thanh Oai.

Quang cảnh buổi làm việc


Trước khi làm việc với UBND huyện, Đoàn giám sát đã đi thực tế tại Hợp tác xã Hoàng Long, chuyên nuôi lợn thịt cung cấp thị trường Hà Nội và làm giò chả tại xã Tân ước, huyện Thanh Oai. Đơn vị được cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm hiệu quả tại địa phương. 
 
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Oai, thực hiện chính sách pháp luật để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, huyện Thanh Oai triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án của Trung ương, Thành phố hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật; lao động khu vực nông thôn; học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp), tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về thị trường lao động.
 
Trong hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, huyện Thanh Oai triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù. Khuyến khích tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho người lao động. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút nhân tài phù hợp với điều kiện của huyện, nhằm thu hút và giữ chân các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ cao, khuyến khích doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
 
Triển khai tổ chức thu thập, cập nhật, lưu trữ, tổng hợp dữ liệu về thị trường lao động theo quy trình, phương pháp và hướng dẫn của Thành phố. Tăng cường hướng nghiệp đa dạng về đối tượng, nội dung và hình thức, linh hoạt địa điểm, tập trung hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Phát huy, thúc đẩy vai trò và hoạt động của tổ chức công đoàn, các hội nghề nghiệp, để phát triển thành viên, kết nối, chia sẻ trao đổi thông tin giữa người lao động làm việc trong cùng lĩnh vực, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi cho lao động. Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý cho người lao động tham vấn khi cần thiết.
 
Đối với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm thông tin đến với các đối tượng bảo đảm đầy đủ, rộng rãi, huyện cũng quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ tư vấn dạy nghề; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho cơ sở đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu sử dụng, điều hành máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại của doanh nghiệp. Gắn kết chặt chẽ nhà trường với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp…
 
Đoàn giám sát đi thực tế tại Hợp tác xã Hoàng Long
 
Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, huyện đã tháo gỡ khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục hành chính. UBND huyện có cơ chế cho các doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho lao động sau đào tạo. Khuyến khích doanh nghiệp tại địa phương phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy người lao động ở nông thôn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Quan tâm tới chính sách khôi phục các làng nghề truyền thống, chú trọng mở rộng, phát triển một số nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao thu hút và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao đội ở nông thôn.
 
Về công tác hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, UBND huyện đã tăng cường công tác kết nối các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với cơ sở dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm để tạo nguồn lao động có kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước. 
 
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn cho vay Quỹ Quốc gia là gần 5.000 lao động người; giải quyết việc làm thông qua việc tuyển dụng của các doanh nghiệp là gần 700 lao động; giải quyết việc làm thông qua hoạt động xuất khẩu lao động hơn 50 người; giải quyết việc làm thông qua đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg gần 700 lao động; tự tạo việc làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề là hơn 800 lao động.
 
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã bị ảnh hưởng, nhiều lao động bị mất việc làm tạm thời, số lao động được tuyển mới hạn chế. Vì vậy, chủ yếu là giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn cho vay từ Ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội.
 
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về dạy nghề, giải quyết việc làm tại một số địa phương chưa được quan tâm sâu sát, chưa phong phú nên một số người lao động nhận thức chưa đầy đủ về công tác chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm mới. Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, nhu cầu tuyển dụng lao động không cao; sự phối hợp, hợp tác của các doanh nghiệp còn hạn chế...
 
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận những cố gắng của huyện Thanh Oai trong thực hiện các chính sách về giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương thời gian qua. Đồng thời, đề nghị huyện trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung về những chính sách đào đào nghề; những kết quả đào tạo giải quyết việc làm so với chỉ tiêu; sự chỉ đạo của cấp ủy trong hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho các đối tượng…
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình đề nghị huyện Thanh Oai tiếp tục triển khai thực hiện đề án mở rộng các cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống, đề án xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất theo chuỗi hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ngành nghề, mở rộng dịch vụ nông thôn, tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. 
 
Cùng với đó, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, phối hợp thực hiện đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trọng tâm là lao động nông nghiệp thực hiện thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị giai đoạn 2021-2025. Trong đó, cần tập trung vào nhóm giải pháp nâng cao năng lực dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác dạy nghề; đẩy mạnh công tác giới thiệu, giải quyết việc làm sau đào tạo. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn cung lao động; thực hiện phối kết hợp đào tạo tại doanh nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút nguồn lao động tại chỗ; giải quyết hiệu quả bài toán “cung - cầu” lao động hiện nay.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t