Nâng cao hoạt động các ban HĐND cấp huyện, cấp xã (14:50 11/04/2017)


HNP - Đề án 04-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2016” (Đề án 04) ban hành trước khi có Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, song các nội dung đều phù hợp theo Luật định. Thường trực HĐND thành phố đang khảo sát, nắm bắt các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, trên cơ sở đó tham mưu với Thành ủy Hà Nội tiếp tục thực hiện các nội dung trong Đề án 04 phù hợp, hiệu quả gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” (Nghị quyết 39).

Tiếp tục nâng cao hoạt động các ban HĐND

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của 2 ban HĐND cấp huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đều theo mô hình trưởng ban tham gia cấp ủy kiêm nhiệm, phó ban chuyên trách; mô hình các ban HĐND cấp xã bao gồm cả trưởng và phó ban đều kiêm nhiệm. Nhiều đại biểu HĐND cấp quận, huyện, thị xã cho rằng, mô hình các ban HĐND cấp huyện hiện tại là phù hợp, hiệu quả. Bởi, trưởng các ban đều tham gia Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy, vai trò chủ thể giám sát, khảo sát, thẩm tra uy lực hơn. Các phó ban thì cũng tham gia ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, hoạt động chuyên trách cũng nắm rõ, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng vào chương trình công tác. Cấp huyện là vậy, nhưng các ban HĐND cấp xã vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cần phải củng cố hơn.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), mô hình hai ban HĐND đối với cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp, nhưng cấp xã lại chưa hiệu quả. Mục đích Luật sắp xếp có hai ban HĐND là tốt, nhưng thực tiễn không phải nơi nào cũng phát huy được, vì còn liên quan đến trình độ trong thẩm tra, giám sát… của đại biểu. Chủ tịch HĐND phường Bưởi (quận Tây Hồ) Phan Thị Thúy Nga cũng cho rằng, bộ máy hai ban HĐND phường nay mới đi vào ổn định, phát huy hiệu quả thì phải từng bước, cần phải bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động. Để phát huy hết chức năng của Thường trực, các HĐND cấp xã, thành phố cần có chủ trương bố trí cán bộ giúp việc cho HĐND cấp phường cụ thể, bởi hiện tại bộ phận giúp việc vẫn lẫn giữa HĐND, UBND, nên cũng khó phân tách hiệu quả, chất lượng.

Khảo sát về thực hiện vai trò các ban HĐND cấp xã tại huyện Gia Lâm, nhiều đại biểu HĐND các xã huyện Gia Lâm cho rằng vẫn còn một số bất cập. Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Văn Đức (Gia Lâm) cho biết, trưởng các ban HĐND cấp xã chỉ là Đảng ủy viên, tham gia giám sát thực hiện nghị quyết của HĐND, chủ thể thực hiện đều là phó bí thư, chủ tịch UBND thì cũng khó khăn, khó có kỹ, sâu sát, đặc biệt là tính độc lập trong hoạt động này. Cũng theo Chủ tịch HĐND xã Yên Thường (Gia Lâm) Nguyễn Ngọc Đoàn, hai ban HĐND cấp xã chưa phát huy sức mạnh, tính chất như Luật quy định. Đặc biệt, chức năng, nhiệm vụ của hai ban kinh tế-xã hội, ban pháp chế HĐND cấp xã chưa cụ thể, rõ ràng như cấp huyện, nên khó khăn trong hoạt động. Vì thế, HĐND thành phố sớm kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản quy định cụ thể cho các ban HĐND cấp xã, để nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở.

Tránh bộ máy cồng kềnh

Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, Đề án 04 của Thành ủy Hà Nội ban hành là bước đột phá mới về công tác cán bộ trong tổ chức HĐND các cấp, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, tăng đại biểu chuyên trách cho HĐND các cấp, cơ cấu bộ máy của HĐND cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được quan tâm, tăng cường hơn trước. Dù vậy, trong hoạt động thực tiễn cũng còn một số vấn đề bất cập, cán bộ băn khoăn. Có nhiều quận, huyện phản ánh, theo quy định hiện tại cấp huyện có 2 phó chủ tịch HĐND, nhưng thực tế chỉ cần một phó là đủ, nên điều chuyển một phó sang giữ chức danh phó chủ tịch UBND cấp huyện. Thêm nữa, hiện tại, trưởng các ban HĐND cấp huyện đều kiêm nhiệm, hoạt động không chuyên sâu, cần thiết phải là chuyên trách; bí thư Đảng ủy cấp xã có nên kiêm chủ tịch HĐND hay không? Bộ phận văn phòng HĐND cấp huyện, cấp xã phải tách như mô hình HĐND cấp tỉnh, tránh chồng chéo công việc, thiếu chuyên  sâu… Hiện tại, Thường trực HĐND thành phố đang làm việc với các địa phương để nắm bắt, khảo sát thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp cho phù hợp, gắn với thực Nghị quyết 39 tránh bộ máy cồng kềnh, vẫn phát huy hiệu quả.

Làm việc với Thường trực HĐND thành phố về kết quả Đề án 04, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho biết, HĐND quận Tây Hồ thấy mô hình Bí thư kiêm chủ tịch HĐND cấp quận, cấp phường; hai phó chủ tịch HĐND cấp quận; trưởng các ban là ủy viên thường vụ hoạt động kiêm nhiệm; phó ban là ủy viên ban chấp hành hoạt động chuyên trách là phù hợp. Tuy nhiên, đối với hoạt động của HĐND cấp phường hiện nay cần phải củng cố, tăng cường tập huấn kỹ năng cho đại biểu để hoạt động hiệu quả hơn. Tại buổi làm việc với Thường trực HĐND thành phố, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân lại cho rằng, trong lúc đang thực hiện Nghị quyết 39, việc bố trí, sắp xếp cán bộ sao cho hiệu quả, thì mới tinh giản được.  Tuy nhiên, với mức độ quy mô như ở Gia Lâm thì cơ cấu tổ chức HĐND cấp huyện chỉ cần một phó chủ tịch HĐND, 2 ban HĐND là phù hợp. Về cơ cấu bộ máy HĐND cấp xã, hiện tại có một phó chủ tịch, 2 ban HĐND; trong khi đó khối UBND cũng chỉ có một phó chủ tịch là quá ít, đề nghị HĐND thành phố xem xét, kiến nghị, sắp xếp bộ máy cho phù hợp, tránh cồng kềnh, không hiệu quả.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, sau khi làm việc với các địa phương về kết quả thực hiện Nghị quyết 04 của Thành ủy, Đảng đoàn,Thường trực HĐND thành phố Hà Nội sẽ tham mưu với Thành ủy Hà Nội tiếp tục thực hiện Đề án 04 gắn với việc thực hiện Nghị quyết 39. Trong đó, một số kiến nghị, đề xuất của HĐND các quận, huyện về cơ cấu phó chủ tịch, trưởng các ban HĐND cũng sẽ xem xét trên cơ sở quy mô dân số từng địa phương chứ không thực hiện đại trà.


Hà Vy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t