Cần đẩy mạnh hoạt động thừa phát lại (21:43 27/03/2018)


HNP - Chế định thừa phát lại được thực hiện thí điểm tại thành phố Hà Nội từ năm 2014. Đến nay, qua đánh giá của ngành Tư pháp, chế định này phù hợp, cần thiết cho xã hội, cho hoạt động tư pháp nói chung và cho hoạt động thi hành án dân sự nói riêng, góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan thi hành án dân sự.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cho biết, tính đến tháng 8/2015 có 28 thừa phát lại, 47 thư ký nghiệp vụ hành nghề tại 8 văn phòng thứa phát lại. Từ tháng 2/2014 đến 30/6/2015, các văn phòng thừa phát lại đã thực hiện tống đạt 34.695 văn bản, trong đó, cho các tòa án được 25.806 văn bản, cho các cơ quan thi hành án được 8.889 văn bản với tổng chi phí thu được trên 2,6 tỷ đồng.

Sang năm 2016, số lượng thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ của các Văn phòng bắt đầu có sự thay đổi do nhu cầu phát triển và các nguyên nhân khác, dao động trong phạm vi trên 40 thừa phát lại hoạt động tại các văn phòng. 8 Văn phòng thừa phát lại đã thực hiện tống đạt 73.544 văn bản của cơ quan tòa án và thi hành án dân sự, đạt doanh thu trên 5,3 tỷ đồng; lập 3.935 vi bằng, đạt doanh thu trên 10,6 tỷ đồng; thực hiện 1 việc xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp thụ lý, tổ chức 16 vụ thi hành án với giá trị thi hành án trên 77,7 tỷ đồng, đạt doanh thu 364 triệu đồng.

Đến năm 2017, số lượng thừa phát lại hoạt động phát triển đáng kể hơn so với năm 2016, dao động ở mức từ 55-60 thừa phát lại ở 8 Văn phòng. Thực hiện tống đạt 92.305 văn bản cho cơ quan tòa án và thi hành án dân sự, đạt doanh thu trên 6,6 tỷ đồng; lập 6.249 vi bằng, đạt doanh thu trên 12,8 tỷ đồng.

Theo bà Hồ Xuân Hương, những kết quả trên thể hiện hoạt động của Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn thành phố từ bước đầu thí điểm cho đến nay là phù hợp, cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ. Bước đầu đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chế định thừa phát lại đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của các đương sự trong quan hệ dân sự, tố tụng dân sự. Trong đó, việc lập vi bằng của thừa phát lại đã được người dân đón nhận tích cực vì đã tạo thêm công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong quá trình tố tụng.

Dưới góc độ xã hội, hoạt động thừa phát lại bước đầu đã tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý và bước đầu xã hội hóa hoạt động thi hành án. Từ vai trò, tác động của việc thực hiện chế định thừa phát lại trên địa bàn thành phố, bà Hồ Xuân Hương khẳng định, mô hình này là cần thiết cho xã hội nói chung và cho hoạt động tư pháp, cho người dân nói riêng.

Tuy nhiên, với những lợi ích thấy rõ, nhưng việc thực hiện chế định thừa phát lại vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, hạn chế. Đó là các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại còn chưa đồng bộ, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa nắm bắt và hiểu về chế định này dẫn tới việc phối hợp chưa tốt, đặc biệt trong công tác xác minh điều kiện thi hành án và tống đạt văn bản.

Bên cạnh đó, chế định thừa phát lại mới được triển khai nên người dân và các tổ chức chưa có thói quen sử dụng dịch vụ của thừa phát lại như một thói quen trong các quan hệ dân sự, do đó dẫn đến những khó khăn nhất định trong triển khai, đặc biệt là về tài chính. Đội ngũ thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ được đào tạo ngắn hạn, tính chất nghề mới cũng là những hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động thừa phát lại.

Đối với việc lập vi bằng, quy định của pháp luật về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng không còn phù hợp với thực tế hiện nay cũng đang là rào cản lớn cho hoạt động thừa phát lại trong việc lập vi bằng. Đối với việc tống đạt văn bản, công tác phối hợp của một số địa phương chưa tốt, đặc biệt là UBND cấp xã dẫn đến những khó khăn trong việc tống đạt không thành phải niêm yết văn bản theo quy định của pháp luật.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế và đẩy mạnh hoạt động thừa phát lại phổ biến rộng rãi hơn nữa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu với UBND TP cho phép thành lập các văn phòng thừa phát lại theo đề án đã được Bộ Tư pháp phê duyệt. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thừa phát lại đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn Thủ đô; tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ thừa phát lại và công tác thanh, kiểm tra đối với tổ chức, hoạt động của thừa phát lại để kịp thời chấn chỉnh những vi phạm của thừa phát lại trong quá trình hành nghề.

Sở Tư pháp cũng phối hợp với các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo chính quyền cấp xã tăng cường công tác phối hợp với các văn phòng thừa phát lại, tạo ra môi trường tốt nhất cho hoạt động thừa phát lại, giúp cho các dịch vụ pháp lý của thừa phát lại ngày càng hoàn thiện hơn, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của tổ chức và nhân dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô.


Ngân Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t