Tăng cường đào tạo và phân luồng lao động đáp ứng nhu cầu (16:17 06/07/2019)


HNP - Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, số lượng lao động tham gia đào tạo cũng được tăng lên, góp phần đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, để cân đối giữa đào tạo nghề và phân luồng công tác sau đào tạo một cách hiệu quả, vẫn cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Các học viên học nghề điện - điện tử


Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2015-2018, đã tuyển sinh, đào tạo được 742.264 lượt học viên. Trong đó, trình độ Cao đẳng 71.461 người; trình độ Trung cấp 101.512 người; trình độ Sơ cấp và dưới 3 tháng 569.291 người. Với kết quả tuyển sinh, đào tạo trên, đã từng bước nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 60,66% năm 2017 lên 63,18% năm 2018.
 
Để công tác đào tạo đạt hiệu quả, hiện thành phố Hà Nội đang tập trung đầu tư 3 trường Cao đẳng nghề công lập, gồm có: Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội để trở thành trường chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2020 với một số nghề trọng điểm. Bao gồm: Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Cơ điện tử, Hàn; Thiết kế đồ họa; Công nghệ ô tô,… Trong khi đó, về đầu tư nghề trọng điểm, thành phố có 14 trường Cao đẳng và Trung cấp công lập được lựa chọn 21 ngành, nghề trọng điểm. Cụ thể, 15 nghề cấp độ quốc tế, 9 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 8 nghề cấp độ quốc gia…
 
Bên cạnh đó, nhằm phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, việc xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo theo địa chỉ sử dụng là một trong những giải pháp quan trọng đã được Thành phố quan tâm triển khai thực hiện. Năm 2017, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND về việc Thí điểm đào tạọ gắn với doanh nghiệp của các trường dạy nghề công lập thuộc Thành phố. Theo đó, hàng năm, Thành phố giao cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố tích cực thực hiện công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp.
 
Năm 2018, trên địa bàn Thành phố đã có 71/182 cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác với 753 doanh nghiệp chiếm 39% tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng như: Tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp. Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị dạy nghề cho nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp... Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề còn được thực hiện thông qua các hoạt động: Mời chuyên gia doanh nghiệp về giảng dạy; doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên, tài trợ thiết bị dạy nghề cho nhà trường; hợp tác tham gia xây dựng chương trình đào tạo... 
 
Hầu hết các đơn vị đều hình thành bộ phận quan hệ doanh nghiệp trong nhà trường để thúc đẩy công tác với doanh nghiệp. Theo thống kê, trong tổng số 71 cơ sở hợp tác với doanh nghiệp, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp có bộ phận là đầu mối thực hiện công tác gắn kết với doanh nghiệp. Một số đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác doanh với cách thức gắn kết đối tác bền vững phải kể đến: Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Trường Trung cấp Cơ Khí I Hà Nội, Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội,…
 
Mặc dù thành phố rất quan tâm và đầu tư đào tạo nghề  cũng như phân luồng nghề nghiệp sau đào tạo, song, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, cơ cấu đào tạo giáo dục nghề nghiệp của thành phố Hà Nội chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm khoảng 77%), trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 23%). Trong khi đó, chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn kết với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực.
 
Thêm vào đó, công tác tuyển sinh hệ đào tạo chính quy trong các trường hiện còn gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả và vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của người học. Trình độ học sinh đầu vào của các trường còn yếu, đặc biệt là trình độ trung cấp tuyển sinh trình độ trung học cơ sở, việc tiếp thu kiến thức kỹ năng nghề gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chồng chéo, trùng lặp về ngành, nghề đào tạo; manh mún về cơ sở vật chất; trang thiết bị đào tạo hạn chế.
 
Hoạt động liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu, chưa bền vững, chỉ mang tính hỗ trợ từ một phía của doanh nghiệp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu về tham quan, kiến tập, thực tập của sinh viên mà thiếu sự gắn kết bền chặt trách nhiệm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng xã hội như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng khởi nghiệp; chưa có kỹ năng thực hành trên thiết bị công nghệ hiện đại,…
 
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay"; góp ý vào một số nội dung lớn trong dự án Luật giáo dục (sửa đổi), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã khẳng định, thành phố sẽ đánh giá kỹ hơn thực trạng, giải pháp và những đề xuất trong công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị triển khai rà soát, đánh giá Quy hoạch nguồn nhân lực của Hà Nội nhằm ưu tiên cho các lĩnh vực đào tạo nghề cấp thiết và dành ưu đãi cho ngành này. Cùng với đó, tiến hành khảo sát nhu cầu của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, từ đó, xây dựng đầu tư hợp lý…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t