Ứng dụng thương mại điện tử: Vẫn còn những trở ngại (10:25 12/02/2019)


HNP - Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, việc ứng dụng thương mại điện tử, nhất là ứng dựng thanh toán điện tử trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại vẫn khó thay đổi, đòi hỏi sự quan tâm cho lĩnh vực này để tạo bước chuyển mới trong thời gian tới.

Công cụ hữu hiệu trong thanh toán

Việc ứng dụng thương mại điện tử ở Hà Nội đang trên đà phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh thương mại tiện lợi cho cả người mua và người bán. Tính đến nay, đã có 8.932 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố. Riêng năm 2018, doanh thu thương mại điện tử của Hà Nội đạt 38.507 tỷ đồng, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đạt được những kết quả này là do thành phố đã xác định đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế Thủ đô. Mặt khác, nhận thức của cộng đồng về giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cao.

Đáng nói, việc ứng dụng thương mại điện tử của Hà Nội được đẩy mạnh trong tất cả các lĩnh vực, nhất là những đột phá trong thanh toán điện tử. Có thể thấy, năm qua, ngành Ngân hàng đã triển khai khá mạnh mẽ các ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành. Đồng thời, chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ tin học rộng rãi trong việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng tự động, dịch vụ thẻ, ví điện tử, QRpay... theo chiều sâu tăng cường công tác bảo mật an ninh. Việc phát triển các dịch vụ điện tử, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hệ thống thanh toán đảm bảo các điều kiện cần thiết cho thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế.

Qua khảo sát, việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố chiếm phần lớn trong phương tiện thanh toán qua ngân hàng. Các loại hình dịch vụ thẻ ngân hàng cũng được các ngân hàng thương mại đẩy mạnh phát triển trong dân cư. Đến nay, số lượng thiết bị đầu cuối (POS/EFTPOS/EDC) trên địa bàn thành phố đã đạt hơn 90.000 thiết bị; đã triển khai 2.760 máy ATM chủ yếu tập trung ở các khu vực nội thành, khu trung tâm, khu đông dân cư. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố hiện nay đang tiếp tục phát triển mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ thanh toán POS tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hàng hóa, dịch vụ, bệnh viện, trường học, đơn vị vận tải, các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông để thanh toán phí dịch vụ của các cá nhân và hộ gia đình bằng thẻ hoặc trên các thiết bị thông minh.

Đáng chú ý, công tác thanh toán điện tử liên ngân hàng trên địa bàn thành phố được thực hiện thanh toán trực tuyến kết nối các hội sở chính, các chi nhánh ngân hàng thương mại thành viên với Trung tâm thanh toán Quốc gia do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Qua đó, tạo luồng thông tin thông suốt, đảm bảo sự chính xác, nhanh chóng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Mặt khác, các tổ chức tín dụng cũng triển khai nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại tiện ích như Phone banking, Internet banking, Home banking, ví điện tử... được ứng dụng và đang phát triển trên thiết bị công nghệ hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, khuyến khích mở rộng giao dịch với ngân hàng, giảm lượng tiền mặt trong lưu thông.

Đến nay, trên địa bàn thành phố hầu hết các doanh nghiệp đã ứng dụng thương mại điện tử và coi thương mại điện tử là một phần không thể thiếu để phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc tham gia hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội của đại bộ phận doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng cùng với việc ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử trên nền tảng công nghệ di động cho thấy doanh nghiệp đã nhanh nhạy bắt kịp các xu hướng mới về thương mại điện tử của thế giới, tranh thủ được thành tựu khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của mình, góp phân nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nỗ lực vượt qua trở ngại

Có lẽ những kết quả đạt được trong phát triển thương mại điện tử của thành phố có lẽ không cần phải bàn thêm. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại lớn trong lĩnh vực này. Bởi hoạt động thương mại điện tử trên môi trường mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với cơ quan quản lý và lực lượng chức năng. Việc ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp có những vụ việc phức tạp như: Chủ thể nước ngoài sở hữu tên miền, website kinh doanh đa cấp sản phẩm, hàng hóa nhưng trao quyền khai thác cho doanh nghiệp Việt Nam và không cung cấp văn bản, giấy tờ chứng minh về sự liên quan đó, nhằm thoái thác trách nhiệm khi có vi phạm xảy ra. Phương tiện điện tử sử dụng để hoạt động thương mại điện tử ngày càng đa dạng, phong phú dẫn đến hình thành những hình thức giao dịch thương mại điện tử mới ngoài website thương mại điện tử. Trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức chuyên trách quản lý hoạt động thương mại điện tử của thành phố thiếu, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý chưa được chú trọng đầu tư.

Mặt khác, các hành vi giao dịch điện tử có dấu hiệu vi phạm dễ dàng “xóa dấu vết”, cản trở việc thu thập chứng cứ điện tử trong những trường hợp vi phạm. Tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử thường gây hậu quả nghiêm trọng, tác động xấu đến dư luận, gây ảnh hưởng lớn đến nhiều người tham gia. Vấn đề tội phạm trong lĩnh vực thanh toán ngày càng tinh vi, gian lận phát sinh chủ yếu liên quan đến gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả... Việc sử dụng thiết bị di động để hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn thiếu chính sách, pháp luật quản lý. Nhiệm vụ giám sát hoạt động thương mại điện tử sử dụng thiết bị di động khó khăn hơn nhiều so với việc giám sát hoạt động thương mại điện tử sử dụng máy tính để bàn hay máy tính xách tay.

Khắc phục trở ngại trên, đòi hỏi sự quan tâm của nhiều bên có liên quan tới thương mại điện tử. Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì, Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố năm 2019, đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đó, Sở đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là siết chặt công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển thương mại điện tử, trong đó, chú trọng tập trung cho nhiệm vụ ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nội địa và xuất khẩu...


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t