Hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Hà Nội với tỉnh, thành phố: Thiết thực, hiệu quả (10:10 01/01/2017)


HNP - Đẩy mạnh hợp tác phát triển nông nghiệp, xúc tiến tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố hết sức quan trọng và mang tính chiến lược cao. Thông qua hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, không những thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương mà còn quản lý tốt hơn về dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, tiêu thụ nông sản an toàn.

Hiệu quả rõ rệt

Với 192 nghìn hécta đất nông nghiệp (chiếm 57,4% diện tích đất tự nhiên), trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 160 nghìn hécta. Xét trên góc độ đất đai, sản xuất nông nghiệp, nông thôn chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Với tiềm năng và lợi thế, Hà Nội dành các nguồn lực quy hoạch phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung với năng suất, chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Hàng loạt đề án, chương trình trọng điểm với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đầu tư để triển khai: Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; chương trình phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản… Ngoài ra, một số chương trình, đề án trọng điểm đã và đang thực hiện bước đầu làm thay đổi tập quán, phương thức sản xuất nông nghiệp Thủ đô. Đồng hành với các chương trình, đề án, Ngành Nông nghiệp đang tích cực triển khai cụ thể hóa Chương trình số 02 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.

Dù tạo được những điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp, nông thôn, song một số lĩnh như sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm; phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; giám sát, quản lý chất lượng đến chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng nông nghiệp còn tồn tại và nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, cần sự hợp tác tích cực giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội. Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu về thực phẩm, 40% phải nhập từ địa phương khác. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhập vào Hà Nội rất khó khăn. Do đó, cần tăng cường việc hậu kiểm thực phẩm nhập vào Hà Nội, bởi qua kiểm tra, rau đưa về Hà Nội, nhiều mẫu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực hợp tác phát triển nông nghiệp với các tỉnh, thành phố. Riêng năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 6 đoàn cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đi kết nối giao thương tại 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trọng tâm liên kết tập trung 4 lĩnh vực như: Trao đổi kinh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại; liên kết Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư đầu vào, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Qua đó đã có hàng chục biên bản thỏa thuận hợp tác trên tất cả lĩnh vực quản lý nhà nước. Đáng ghi nhận, các doanh nghiệp tham gia chương trình hợp tác của Hà Nội đã kết nối với 70 cơ sở sản xuất nông sản các tỉnh, thành phố, trong đó có gần 200 chủng loại sản phẩm đưa về tiêu thụ trên các kênh phân phối của Hà Nội. Ngược lại, Hà Nội đã đón tiếp hàng chục đoàn công tác các tỉnh đến tìm hiểu và hợp tác nắm bắt tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ nông sản của Hà Nội. Thông qua các chương trình hợp tác đã có 20 biên bản hợp đồng được ký kết đưa hơn 50 chủng loại sản phẩm về Hà Nội tiêu thụ như: Gạo chất lượng, ngao sạch (Nam Định), chuối ngự Đại Hoàng, rau an toàn (Hà Nam), rau an toàn (Vĩnh Phúc), na dai (Lạng Sơn)... Hà Nội đã mời Công ty TNHH Ba Huân đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến trứng công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ với công xuất 65.000 quả/giờ. Việc Nhà máy vận hành sẽ là tiền đề để liên kết hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi gia cầm đẻ trứng thương phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận…

Cần mở rộng hợp tác

Dù đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Đơn cử như tỉnh Điện Biên có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, phù hợp với phát triển chăn nuôi, nhất là đại gia súc, gia cầm nhưng sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua thương lái. Thị trường nông sản, thực phẩm của tỉnh này cũng chưa ổn định, thương hiệu và giới thiệu sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Thu hút đầu tư trong nông nghiệp của Điện Biên còn thấp. Tương tự, tỉnh Sơn La có nhiều lợi thế cả về thổ nhưỡng và tiểu khí hậu đa dạng thuận lợi cho phát triển cây chè, rau, hoa, quả, cây dược liệu, chăn nuôi bò sữa… nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn trong khâu vận chuyển, bảo quản, chế biến.

Trong các cuộc làm việc đánh giá về liên kết hợp tác năm 2016 giữa Ngành Nông nghiệp Hà Nội với các tỉnh, thành phố, nhiều ý kiến cho rằng, dứt khoát phải tích cực hơn nữa việc chia sẻ thông tin trong phòng, chống khống chế dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay từ khi mới phát sinh...; nên có chính sách tiêu hủy gia súc gia cầm mắc dịch bệnh tại các tỉnh liền kề… Với điều kiện đất đại chặt hẹp như Hà Nội, các doanh nghiệp có thể thuê mặt bằng tại các tỉnh lân cận để đầu tư xây dựng các khu giết mổ tập trung, phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, việc hợp tác sẽ phát huy thế mạnh của từng địa phương trên cơ sở cùng phát triển, nhất là các lĩnh vực, tiêu thụ thực phẩm, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, kiểm soát phòng chống dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm phát triển trang trại chăn nuôi tập trung; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; cũng như các vấn đề phát hiện và xử lý vi phạm Luật Đê điều, phòng chống lụt bão. Ngoài sự nỗ lực của Ngành Nông nghiệp, các tỉnh, thành phố cần có sự hợp tác tích cực và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin giúp Hà Nội có thêm những cách làm hiệu quả.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t