Huyện Thanh Oai: Tích cực, chủ động, quyết liệt dập dịch sốt xuất huyết (17:33 26/08/2017)


HNP - Là một trong những quận, huyện của thành phố đang báo động đỏ về dịch sốt xuất huyết, huyện Thanh Oai đã và đang quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp để dập dịch. Đến thời điểm này, toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở đã vào cuộc, từng hộ gia đình đã hiểu và cùng với chính quyền chung tay phòng chống dịch.

Bà Lê Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, tính đến ngày 20/8, huyện có 649 ca sốt xuất huyết, 58 ổ dịch tập trung ở toàn bộ các xã, thị trấn, 162 bệnh nhân, 17/58 ổ dịch đang hoạt động, số ca sốt xuất huyết tăng cao so với năm 2016. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, huyện đã tăng cường chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh từ huyện tới cơ sở, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch, công tác vệ sinh phòng dịch. Huyện đã tổ chức phun hóa chất diện rộng tại các xã có dịch lớn, ra quân vệ sinh môi trường và tiến hành thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy. Đặc biệt, huyện chỉ đạo tăng cường tuyên truyền trực tiếp tới tận hộ gia đình, tổ chức giám sát ca bệnh hàng ngày tại các cơ sở y tế, chỉ đạo 21 trạm giám sát thường xuyên tại cộng đồng dân cư.

Đối với một số xã trọng điểm về dịch, chính quyền đã huy động các đoàn thể cùng vào cuộc, thành lập các tổ xung kích, tổ giám sát đến từng nhà dân tuyên truyền và diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi. Bí thư Đảng ủy xã Dân Hòa Nguyễn Huy Sỹ cho biết: Xã có số người mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất huyện, ngày 10/6 bắt đầu có ca bệnh, có 1 ổ dịch, đến nay, số người mắc điều trị tại cơ sở y tế là 80 ca, ngoài ra còn điều trị tại nhà, rải ở tất cả các thôn, chiều hướng diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, xã đã thành lập 42 tổ xung kích, đảng ủy có nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị trong xã vào cuộc phòng chống, thôn tổ chức hội nghị quân dân chính để triển khai dập dịch. Hàng tuần, đều ra quân vệ sinh môi trường với mỗi đợt ra quân trên 200 người tham gia, đã triển khai phun thuốc diện rộng. Lãnh đạo xã cũng trực tiếp đến từng hộ gia đình tuyên truyền, động viên nhân dân chủ động phòng dịch.

Tại xã Bích Hòa, Chủ tịch UBND xã Bùi Tiến Dũng cho biết: Xã có nhiều khu, cụm công nghiệp nên phải đồng thời thực hiện tuyên truyền đối với doanh nghiệp và nhân dân. Đảng ủy và chính quyền xã xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là hàng đầu, thực hiện bất kể ngày đêm, vào cuộc từ hệ thống chính trị tới nhân dân. Hàng tuần, lãnh đạo xã đến tận các tổ xung kích để quán triệt thường xuyên tinh thần dập dịch. Hiện, dịch đã có chiều hướng giảm trên địa bàn xã, tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo xã là không được chủ quan, thường xuyên theo dõi thông tin để cập nhật, có biện pháp giải quyết. Đối với các hộ dân có bệnh nhân, chỉ đạo cơ sở y tế phun thuốc dập dịch kịp thời, cùng với đó chỉ đạo đài truyền thanh thường xuyên phát trên loa, ít nhất mỗi ngày 9 lần phát trên loa về phòng dịch.

Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai, năm 2016, Bệnh viện điều trị gần 400 ca sốt xuất huyết, nhưng năm nay tăng mạnh, chỉ đầu tháng 8 đã có trên 200 ca bệnh. Bệnh viện đã khẩn trương triển khai các phương án, chia làm 3 khu vực,  huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên để thu dung và điều trị. Tuần trước số lượng ca bệnh vào đã giảm, nhưng sau đợt mưa vừa qua thì bệnh nhân lại tăng đột biến, diễn biến hết sức phức tạp. Bệnh viện đã chuẩn bị thêm phòng điều trị, hiện vẫn đang làm chủ được tình hình điều trị bệnh.

Trước sự tích cực của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, thành phố đã có những ghi nhận, tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng chỉ ra rằng, dù đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhưng hiệu quả dập dịch còn chưa cao, phun thuốc chưa triệt để, chưa toàn diện. Tổ xung kích cũng đã được thành lập, nhưng mới hoạt động được 50%, mới chỉ mang tính phong trào. Tại khu vực công cộng cũng chưa được triển khai toàn diện. Nếu không có biện pháp quyết liệt thì xu hướng dịch có chiều hướng tăng. Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu xã là đơn vị chủ lực, tổ xung kích, giám sát kiểm tra thường xuyên, nâng cao vai trò của tổ, kiểm tra một tuần một lần tại khu vực tổ phụ trách. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cả với học sinh để tự về nhà diệt bọ gậy tại nhà mình, báo cáo kết quả với cô giáo, qua đó tuyên truyền với cả những thành viên trong gia đình cùng chủ động phòng chống, mỗi học sinh hãy là chiến sĩ diệt bọ gậy tại nhà và xung quanh nơi ở.

Để công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh, huyện Thanh Oai cần có kế hoạch chi tiết, bố trí nhân lực, vật lực cụ thể, rà soát kỹ, làm đến đâu gọn đến đó. Huy động sự vào cuộc của đoàn viên thanh niên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, cho cát vào những lọ hoa, đĩa trên mộ nghĩa trang, rắc vôi bột vào những chỗ ẩm…

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch trên địa bàn huyện Thanh Oai, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng dịch tại một số nơi trên địa bàn huyện. Chủ tịch HĐND TP yêu cầu huyện phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ bằng văn bản giấy tờ mà trực tiếp, có hiệu quả, đưa ra tiêu chí dứt khoát phải dập dịch, đối với những nơi có ổ dịch mới phải tìm hiểu ngay nguyên nhân để dập dịch, khống chế ổ cũ, phải làm toàn diện. Hàng tuần, huyện và xã phải giao ban để nắm chắc diễn biến, huy động vai trò của toàn thể nhân dân, các đoàn thể. Như vậy, huyện mới tiến tới dập tắt toàn bộ dịch trên địa bàn, cùng với thành phố xóa dịch, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t