Gắn phát triển nông nghiệp với du lịch ở Ba Vì (07:00 25/07/2017)


HNP - Huyện Ba Vì có tổng diện tích đất tự nhiên 42.450ha, địa hình phân thành 3 vùng (Vùng núi, vùng đồi gò và vùng đồng bằng ven sông). Trong đó, tổng diện tích đất nông nghiệp 29.183ha, đất lâm nghiệp 10.693ha, còn lại là diện tích nuôi trồng thủy sản 1.900ha. Điều kiện tự nhiên, xã hội rất thuận lợi cho Ba Vì Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Huyện Ba Vì tập trung phát triển cây chè chất lượng cao


Phát huy thế mạnh

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, sau khi có chủ trương khóa 100 (năm 1981), đặc biệt là khoán 10 (năm 1988), nông dân huyện Ba Vì được chia ruộng đất, chủ động sản xuất, cải tạo đồng ruộng. Mặt khác, được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như: Hồ Suối Hai dung tích 46,8 triệu mét khối nước, hệ thống thủy lợi Trung Hà lấy nước từ sông Đà tưới cho cho đồng ruộng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp Ba Vì phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình. Đến nay, diện tích gieo cấy mỗi vụ của huyện đạt 6.800ha, cả năm đạt gần 14.000ha, năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha, sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt trên 100.000 tấn; diện tích cây màu 6.900ha; hệ số sử dụng đất đạt 2,5 lần... Sản xuất nông nghiệp của huyện đã được quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa tạo được hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng lúa hàng hóa ở xã Cổ Đô, Đồng Thái; khoai lang ở xã Đồng Thái; ngô ở xã Thuần Mỹ, Sơn Đà, Cẩm Lĩnh; cây ăn quả ở các xã đồi gò; vùng sản xuất rau an toàn ở các xã Chu Minh, Minh Châu, thị trấn Tây Đằng; thanh long ruột đỏ và dứa ở xã Vật Lại, Cẩm Lĩnh.

Điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp của Ba Vì là diện tích trồng cây chè ngày càng được mở rộng và trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Qua rà soát, diện tích cây chè của huyện 1.830ha, năng suất chè búp tươi đạt 1,5 triệu tấn/ha, chất lượng được nâng cao. Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện không ngừng được đầu tư phát triển. Trong đó, thế mạnh là đàn bò với 42.500 con, đàn bò sữa 8.100 con (chiếm 65% tổng đàn toàn thành phố), sản lượng sữa đạt 30.000 tấn, doanh thu đạt 390 tỷ đồng/năm; đàn bò BBB có 4.500 con; đàn lợn hướng nạc 225.000 con; gia cầm 2,8 triệu con. Vùng nuôi trồng thủy sản của Ba Vì được đầu tư, quy hoạch theo đặc điểm của từng địa phương với tổng diện tích 1.900ha, sản lượng trung bình đạt gần 8.000 tấn/năm. Toàn huyện có 318 mô hình kinh tế trang trại, nông trại cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động tại khu vực nông thôn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện đã khẳng định được thương hiệu như: Sữa Ba Vì, chè Ba Vì, khoang lang Đồng Thái... được người tiêu dùng tin tưởng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Hướng tới phát triển bền vững

Với lợi thế diện tích đất lâm nghiệp lớn, chiếm gần 50% diện tích rừng và đất lâm nghiệp của thành phố. Trong đó có Vườn quốc gia Ba Vì với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, được coi là lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội cùng với các danh lam thắng cảnh như: Ao Vua, Khoang Xanh, Đầm Long, Thiên Sơn, Suối Ngà... hằng năm thu hút hơn 2,5 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội ổn định, bền vững cho nhân dân huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết thêm, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện Ba Vì có 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 9 đến 13 tiêu chí. Năm 2017 huyện phấn đấu 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới là Phú Sơn, Thái Hòa và Ba Trại... Đáng nói, thông qua xây dựng nông thôn mới, 100% số thôn, xã trên địa bàn huyện đã có điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt; các đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm được nâng cấp bê tông kiên cố; nhiều xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trường học; các công trình nhà văn hóa ở nhiều xã được đầu tư khang trang; tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý hợp vệ sinh đạt hơn 90%...

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng cho biết: định hướng phát triển nông nghiệp của Ba Vì đến năm 2020 là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung chuyên canh quy mô lớn, bền vững, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch. Phát triển nông nghiệp gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân, thu hẹp chênh lệch giữa khu vực nông thôn với thành thị...

Ông Hà Xuân Hưng nhấn mạnh: phát huy những kết quả đạt được, huyện Ba Vì sẽ nỗ lực cố gắng, quyết tâm khai tác có hiệu quả tiềm năng, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, xây dựng huyện Ba Vì trở thành vành đai xanh, phát triển bền vững của Thủ đô.


Anh Quý


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t