Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 04/7/2015 đến ngày 10/7/2015) (10:59 16/07/2015)



Những nội dung trọng tâm
1. Thời sự, chính trị

Ngày 08/7, kỳ họp thứ 13 HĐND TP khóa XIV đã chính thức bế mạc sau hơn 2 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Qua các báo cáo, thảo luận, HĐND Thành phố thống nhất nhận định 6 tháng đầu năm 2015, kinh tế xã hội TP Hà Nội đã đạt được kết quả toàn diện trên các mặt. Bên cạnh kết quả đạt được, HĐND Thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, các lĩnh vực của Thành phố và thảo luận, đóng góp nhiều giải pháp quan trọng, tích cực, giúp Thành phố điều hành tốt hơn trong 6 tháng cuối năm. Tại kỳ họp, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về, “Một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020". Xem xét việc thành lập Sở Du lịch và kiện toàn Sở Văn hóa Thể thao. Quyết định đặt tên và điều chỉnh độ dài cho 22 đường, phố trong đó có nhiều tuyến đường mang tên các vị danh nhân tiêu biểu, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, trân trọng của nhân dân Thủ đô. HĐND cũng đã cân nhắc một cách thận trọng và quyết định bãi nhiệm đại biểu HĐND Thành phố đối với bà Châu Thị Thu Nga, tổ đại biểu huyện Phúc Thọ. Cũng tại kỳ họp HĐND TP đã thực hiện giám sát trực tiếp qua hình thức chất vấn UBND Thành phố và các sở, ngành liên quan về những vấn đề nổi cộm, bức xúc, được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Việc lựa chọn vấn đề phù hợp đã thu hút được nhiều ý kiến tham gia. Những ý kiến của đại biểu đều là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân và kết luận chất vấn sẽ được tái chất vấn tại kỳ họp sau trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện kết luận. Ngay sau kỳ họp, UBND TP và các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã sẽ có kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND để đảm bảo tính khả thi và thực hiện nghiêm túc lời hứa trước cử tri. Tuần qua, báo chí đăng tải nhiều thông tin liên quan đến  kỳ họp thứ 13 HĐND Thành phố: HĐND TP Hà Nội thực hiện chất vấn 3 nhóm vấn đề (Kinh tế đô thị, 07/7). Bà Châu Thị Thu Nga bị bãi nhiệm đại biểu HĐND TP Hà Nội (Công an nhân dân, 6/7), Đặt tên và điều chỉnh độ dài 22 đường, phố trên địa bàn Hà Nội (An ninh Thủ đô, 6/7), Hà Nội lập Sở Du lịch: Đưa Thủ đô trở thành điểm đến có đẳng cấp trong khu vực (An ninh Thủ đô 8/7). Diện mạo Thủ đô thay đổi ngày càng hiện đại (An ninh thủ đô 8/7).

Thông tin Đại hội Đảng các cấp tiến tới ĐH đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI, ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: Ngày 7-7, Thành ủy Hà Nội cho biết, đã có 2.903/2.913 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) thuộc Đảng bộ TP Hà Nội hoàn thành đại hội, đạt 99,7%. Ở khối quận, huyện, thị xã, số chi, đảng bộ đã tổ chức đại hội là 1.808/1.811, đạt 99,8%; khối các đảng bộ trực thuộc Thành ủy là 1.095/1.102, đạt tỷ lệ 99,4%. 54/60 đảng bộ quận, huyện và đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã hoàn thành đại hội cấp cơ sở. Đây là kết quả rất tích cực, thành quả của công tác chỉ đạo bài bản, khoa học và sát sao từ Thành ủy đến các cấp ủy Đảng. Ba đại hội điểm cấp trên cơ sở (Đảng bộ huyện Thạch Thất, Đảng bộ quận Long Biên và Đảng bộ CATP) đã thành công tốt đẹp. 100% đảng bộ cấp trên cơ sở còn lại đã hoàn thành chuẩn bị văn kiện đại hội và hầu hết các đảng bộ đã chuẩn bị xong về nhân sự, đang tập trung chuẩn bị chu đáo mọi mặt để tổ chức đại hội thành công. 99,7% các chi, đảng bộ cơ sở đã hoàn thành tổ chức Đại hội (Hà Nội mới, 08/7). 

Ngày 9-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cùng các ĐBQH trong tổ ĐBQH ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2 TP Hà Nội đã có các buổi tiếp xúc cử tri hai quận Hai Bà Trưng, Đống Đa để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của chính quyền, các cấp ngành của Thành phố nói chung, hai quận nói riêng trong thời gian qua trên mọi mặt công tác, đặc biệt đã cố gắng giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trên địa bàn, các vấn đề bức xúc dân sinh, những ý kiến kiến nghị của cử tri. Nhờ đó mà qua các buổi tiếp xúc cử tri gần đây của ĐBQH, số cử tri đặt câu hỏi chất vấn về các vấn đề bức xúc đã ngày càng giảm. Nỗ lực giải quyết ngay các vấn đề bức xúc dân sinh (An ninh thủ đô, 9/7)
Ngày 9/7, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Ban chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của TP đã nghe liên ngành báo cáo sơ bộ dự kiến các hoạt động văn hóa nghệ thuật và phương án trang trí trong dịp này. Theo đó, trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trên địa bàn TP sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trình diễn âm thanh, ánh sáng tại khu vực Quảng trường Nhà hát Lớn, tượng đài Lý Thái Tổ, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, giải đua xe đạp xung quanh hồ Hoàn Kiếm, triển lãm thành tựu kinh tế, xã hội 70 năm, bắn pháo hoa tại 5 điểm. Đặc biệt, lần đầu tiên sẽ có lễ hội âm nhạc “Hà Nội mùa thu năm 2015” diễn ra tại 50 điểm. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Quốc khánh 2/9 (Kinh tế đô thị, 09/7). 

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Cục Thuế Hà Nội vừa công bố thêm danh sách đợt 3 gồm 106 đơn vị và dự án nợ thuế, trong đó có 96 doanh nghiệp (DN) nợ, tổng số tiền thuế tính đến ngày 31/5 là 1.202 tỷ đồng và 10 dự án nợ tiền sử dụng đất tính đến ngày 31/6 là hơn 406 tỷ đồng. Đáng chú ý trong danh sách 96 DN, ngoài một số DN kinh doanh xây dựng, bất động sản còn có nhiều DN hoạt động lĩnh vực thời trang, viễn thông, thương mại. Tính đến nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã công bố 189 DN nợ thuế lớn và 46 dự án còn nợ tiền sử dụng đất. Hiện, Cục Thuế Hà Nội đang tiếp tục rà soát các DN nợ thuế để thực hiện công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công ty thời trang Nem cũng nợ thuế (Hải quan Online, 09/7). Hà Nội công bố thêm 50 doanh nghiệp nợ thuế (Cổng TTĐT Chính phủ, 8/7).

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 4.126 vụ, xử lý 4.064 vụ vi phạm hàng lậu, hàng giả (đạt 87,5% so với cùng kỳ năm 2014) với tổng số thu 71,3 tỷ đồng (đạt 130%). Vi phạm chủ yếu ở các lĩnh vực như: Thuốc lá, rượu, hàng may mặc, hàng gia dụng, đồ điện, điện tử...Trong 6 tháng cuối năm, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra, ngăn chặn buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi. Đồng thời, chú trọng vào mặt hàng tiêu dùng, các loại hàng hóa có giá trị cao. Hà Nội xử lý hơn 4.000 vụ buôn lậu, hàng giả (Giao thông, 06/7). 

Ngày 9/7, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (HUPI) đã tổ chức hội thảo báo cáo cuối kỳ chương trình chia sẻ tri thức “Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội, đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” (dự án KSP). Mục đích của dự án KSP là đề xuất những chiến lược để chỉnh trang và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đưa ra phương hướng quy hoạch và quản lý cảnh quan của khu vực triển khai dự án cũng như đề xuất triển khai các dự án cụ thể tiếp theo nhằm hướng tới sự phát triển cân bằng, phù hợp với mục tiêu quy hoạch chung của TP Hà Nội. Quy hoạch sông Hồng: Bài toán tái thiết và phát triển mới (Kinh tế &đô thị, 10/7).

Trước thông tin xoá bỏ chợ đầu mối Long Biên được đăng tải trên các kênh truyền thông,  ngày 9/7, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội cho biết: theo quy hoạch của Thành phố Hà Nội và chủ trương phát triển mạng lưới chợ của Sở Công Thương Hà Nội, không hề có kế hoạch xoá bỏ chợ Long Biên và chợ phía Nam Hà Nội, hay còn gọi là chợ Đền Lừ. Cả hai chợ này vẫn có tên trong danh mục chợ của Hà Nội. Hà Nội bức xúc Bộ Công Thương: Không xóa chợ Long Biên. (Vietnamnet, 9/7).

Giai đoạn 2011-2015, thành phố Hà Nội triển khai 22 dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đến nay mới có 7 công trình hoàn thành, cơ bản hoàn thành 3 công trình; 7 công trình đang triển khai đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, 5 công trình còn lại vẫn chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, UBND TP Hà Nội yêu cầu đối với các dự án, công trình đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng, các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư khẩn trương rà soát lại kế hoạch bố trí vốn, bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án, công trình theo đúng tiến độ đề ra; đồng thời bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình và an toàn lao động. Hà Nội: Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm (Vietnamplus, 8/7).

Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, đến tháng 7/2015, Công ty đã đưa vào sử dụng gần 1.300 bộ ghi chỉ số công tơ điện bằng camera kết hợp máy tính bảng tại tất cả các Công ty Điện lực trực thuộc. Bộ ghi chỉ số giúp công nhân của EVN Hà Nội chỉ cần đứng dưới đất là ghi được số điện, thay vì phải trèo leo như trước đây. Do đó, giúp cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và hiệu quả làm việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động. EVN Hà Nội dùng 1.300 “gậy tự sướng” ghi số điện ( Giao thông, 8/7).

Ngày 8/7, UBND quận Hoàn Kiếm đã sơ kết 6 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Để thực hiện công tác này, 6 tháng qua, quận đã phát 38 tin, bài để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh 18 phường; in và căng treo 591 pano, áp phích, khẩu hiệu; tổ chức 42 buổi tuyên truyền lưu động; ký cam kết với các hộ kinh doanh đúng quy định... Chỉ đạo Công an quận và UBND các phường tập trung xóa 91/91 tụ điểm phức tạp về trật tự đô thị, trật tự ATGT, nhất là tại khu vực trước cửa 6 bệnh viện trên địa bàn và quảng trường ga Hà Nội; kiểm tra xử lý 6.970 trường hợp vi phạm, phạt hành chính hơn 6 tỷ đồng, tạm giữ 7 ô tô, 41 xe máy... Hoàn Kiếm xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự đô thị (Kinh tế đô thị, 09/7). 
 
Thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị 2015, từ đầu năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng quận Cầu Giấy cũng đã kiểm tra, xử lý gần 3.200 trường hợp vi phạm TTĐT, thu nộp ngân sách hơn 3,2 tỷ đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu bị xử lý là kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và dừng đỗ phương tiện sai quy định. Hàng nghìn mái che, biển quảng cáo sai quy định, bục bệ cản trở giao thông, gây mất mỹ quan đã bị tháo dỡ. Đảm bảo TTGT-ĐT tại quận Cầu Giấy, Hà Nội: Giải pháp "sâu", hiệu quả bền vững (An ninh Thủ đô, 09/7).
Thời gian gần đây, nhiều khu chung cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội dù mới đi vào hoạt động chưa được bao lâu nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Chung cư số 93 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) lan can hoen gỉ, tường nhà ẩm mốc, mối ăn hết cánh cửa ra vào; Chung cư số 96 Định Công (quận Thanh Xuân), bể nước chung 8 năm mới được thau rửa đúng 1 lần, đá ốp chân tường rơi hết, một thang máy hỏng 6 tháng nay vẫn chưa được sửa chữa; Hàng quán vây kín xung quanh chung cư tại phố Trần Bình (quận Nam Từ Liêm); Vỉa hè, lòng đường được "trưng dụng" trái phép thành nơi bán hàng tại khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy)…Nhiều khu chung cư mới ở Hà Nội bị biến thành “khu ổ chuột” (Vietnamnet, 6/7)

Hãi hùng, đáng sợ, nguy hiểm… đó là những cảm nhận khi đi qua một số cây cầu dân sinh trên sông Đáy - địa bàn Hà Nội. Người dân vẫn phải nộp 3.000đ cho xe máy, 2.000đ với xe đạp để nhận lấy một lượt qua cầu đầy hiểm nguy, bất trắc. Theo tìm hiểu, một số cây cầu dân sinh qua sông Đáy trên địa phận huyện Mỹ Đức, Thanh Oai (Hà Nội) đã có tuổi đời 30, 40 năm. Những cây cầu này chủ yếu là loại cầu phao hoặc cầu sắt được thiết kế hết sức tạm bợ với vài ván gỗ, thanh sắt cùng mấy cái thuyền đỡ bên dưới. Những cây cầu "tử thần" ở... Hà Nội (Lao động, 04/7).

3. Văn hóa, y tế và giáo dục

Trang web du lịch nổi tiếng Travel + Leisure mới đây vừa công bố danh sách các thành phố du lịch tốt nhất khu vực và trên thế giới năm 2015. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Việt Nam vinh dự có mặt trong top 10 thành phố du lịch tốt nhất Châu Á thuộc danh sách này. 2 thành phố của Việt Nam lọt top 10 thành phố du lịch tốt nhất Châu Á (An ninh tiền tệ, 08/7). 

Di tích chùa Phúc Lâm, xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia từ năm 2004 nơi đây lưu dấu tích của Thánh Tổ Thiền Sư Nguyễn Đạo Hạnh, dân gian vẫn gọi là Đức Phật Tổ nhưng gần chục năm nay đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Trước tình trạng sập xệ của di tích này, đại diện chính quyền xã cho biết: chỉ có thể tham gia làm mái che tạm thời chống đỡ mưa nắng cho di tích, còn lại, phải chờ các bước trùng tu theo đúng quy trình của Luật Di Sản. Hà Nội: Di tích quốc gia “chống nạng” chờ đổ sập (Dân trí, 9/7)

UBND TP Hà Nội vừa ban hành  Quyết định số 3114/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển, kỳ tuyển dụng công chức năm 2015. Theo đó, có 32 người được tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển trên tổng số 63 người đủ điều kiện dự sát hạch. Đây đều là các cá nhân xuất sắc, là thủ khoa hoặc sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các trường đại học trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều thủ khoa đã được nhận bằng khen của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, được ghi danh sổ vàng tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Hà Nội tuyển đặc cách 32 công chức là các thủ khoa, sinh viên xuất sắc  (Vietnamplus, Hà Nội mới, 9/7)

Từ nay đến ngày 15/7, các trường mầm non, tiểu học, THCS ở Hà Nội thực hiện công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2015-2016. Năm học này, phương thức tuyển sinh áp dụng chung là xét tuyển. Sau ngày 15/7, trường nào chưa tuyển đủ chỉ tiêu sẽ được tuyển bổ sung, thời gian nhận hồ sơ bổ sung từ ngày 17-19/7. Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị giáo dục tiếp tục rà soát chính xác số trẻ ở từng độ tuổi trên địa bàn, phân tuyến và giao chỉ tiêu hợp lý, bên cạnh đó cũng cần  tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tuyển sinh của các trường mầm non, tiểu học và THCS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về công tác tuyển sinh. Hà Nội đảm bảo 100% học sinh hoàn thành tiểu học được vào lớp 6 (VOV, 9/7).


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t