Giải quyết “bài toán” ô nhiễm làng nghề: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía (16:20 27/08/2020)


HNP - Báo cáo kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa công bố cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố vẫn chưa được cải thiện và chuyển biến rất chậm. Nguyên nhân gây ô nhiễm thì rất nhiều, vấn đề đặt ra, làm thế nào để giải quyết “bài toán” ô nhiễm môi trường làng nghề...

Chậm kéo giảm ô nhiễm

Thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT, ngày 14/10/2016, và các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường”, 2 năm qua (2019-2020), Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Công ty cổ phần Kỹ thuật và Phân tích môi trường (EATC) và UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại 235 làng nghề. Trong đó, đã tiến hành đánh giá, phân loại đối với 228/235 làng nghề, 6 làng nghề còn lại đã mai một nên không tiến hành lấy mẫu để phân loại và 1 làng nghề không được phê duyệt kinh phí thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, căn cứ tính chất các làng nghề, các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan chia thành 5 nhóm, trong đó, nhóm làng nghề nhuộm, thuộc da có 25 làng nghề; nhóm làng nghề thủ công, mỹ nghệ 155 làng nghề; nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm 19 làng nghề; nhóm làng nghề tái chế kim loại 1 làng nghề và 28 làng nghề khác.

Trên cơ sở kết quả lấy mẫu phân tích cho thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trong đó, về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm, 50 làng nghề không ô nhiễm. Riêng loại hình làng nghề thủ công mỹ nghệ có 65/228 làng nghề ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, 64/228 làng nghề ô nhiễm và 26/228 làng nghề không ô nhiễm. Đặc biệt, nhóm các làng nghề chẻ tăm, chế biến lâm sản… có 16/20 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2/20 làng nghề ô nhiễm và 2/20 làng nghề không ô nhiễm. Trong khi môi trường không khí ghi nhận không có ô nhiễm, thì môi trường đất có 6/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 1/228 làng nghề ô nhiễm và 177/228 làng nghề không ô nhiễm. Các làng nghề gây ô nhiễm môi trường đất chủ yếu là làng nghề dệt nhuộm, ươm tơ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề trên địa bàn thành phố vẫn chưa được cải thiện, chuyển biến chậm, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về nguyên nhân chủ quan, các hộ sản xuất nằm trong khu dân cư, việc thu gom và xử lý chất thải sản xuất rất khó khăn, hầu hết không có hệ thống thu gom xử lý rác thải, nước thải, khí thải. Đa số các làng nghề chỉ tập trung vào việc sản xuất kinh doanh, với đặc trưng là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thiết bị đơn giản, thủ công, hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế, việc đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức… Còn về nguyên nhân khách quan, do cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho hoạt động môi trường còn thiếu, chưa hấp dẫn thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải, khí thải hay sản xuất sạch ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Trong khi ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn thấp, sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế…

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Từ thực tiễn quản lý, ông Lê Tuấn Định cho rằng, để giải quyết “bài toán” ô nhiễm làng nghề đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cơ quan chức năng cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Nếu không quyết liệt giải quyết sớm, việc khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề sẽ càng khó khăn và tốn kém hơn. “Trên cơ sở kết quả rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tham mưu UBND thành phố xem xét, chỉ đạo, giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ cấp bách nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề thời gian tới”, ông Lê Tuấn Định chia sẻ.  

Đáng chú ý, căn cứ các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, nhất là kết quả đánh giá phân loại đối với 65 làng nghề đã thực hiện trong 2 năm (2017 và 2018) và 228 làng nghề thực hiện trong 2 năm (2019-2020), Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND thành phố giao Sở tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường trong những năm tiếp theo, định kỳ 2 năm/lần. Kết quả đánh giá phân loại là cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý môi trường làng nghề, đồng thời, là cơ sở để đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án về bảo vệ ô nhiễm môi trường làng nghề, chẳng hạn như lập dự án “Thí điểm đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo mô hình hợp tác công - tư”. Các giải pháp khác như: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành, trực tuyến phục vụ quản lý, phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề; triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động để phục vụ nhu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề… cũng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tính đếm để giải quyết ô nhiễm. Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường làng nghề, kịp thời xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự quan tâm của ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong vấn đề xử lý ô nhiễm tại các làng nghề thời gian quan là đáng ghi nhận. Song để thực hiện tốt nhiệm vụ này, phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương và bản thân người dân các làng nghề. Có như vậy mới kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t