Ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi: Không được lơ là, chủ quan (04:43 05/05/2019)


HNP - Mặc dù người chăn nuôi và các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác ngăn chặn sự lây lan nhưng tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người chăn nuôi không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống bệnh dịch này.

Nguy cơ lây lan nhanh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 27/4 đến 1/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại 1.821 hộ ở 301 thôn thuộc 23 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 27.582 con lợn. Như vậy, lũy kế đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 3.559 hộ ở 665 thôn, tổ dân phố tại 240 xã, phường thuộc 24 quận, huyện (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thạch Thất, Thanh Trì, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm); làm mắc bệnh, tiêu hủy 53.136 con lợn. Duy nhất có phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) dịch bệnh đã qua hơn 60 ngày nhưng không phát sinh lợn mắc bệnh. Nhưng ở một số xã, phường đã qua 30 ngày lại tiếp tục phát sinh lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi như: Phú Thị (huyện Gia Lâm), Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai),…

Đáng ngại, bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng lây lan nhanh, phạm vi rộng, quy mô chăn nuôi lớn và có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn. Từ ngày 22/4 đến 1/5/2019, dịch bệnh phát sinh mới tại 2.034 hộ ở 326 thôn, 99 xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 31.829 con lợn. Một số địa phương dịch bệnh phát sinh mạnh, làm mắc bệnh tiêu hủy số lượng lợn nhiều, như: Sóc Sơn: 16.737 con, Quốc Oai: 6.177 con, Đông Anh: 5.396 con, Thạch Thất: 3.998 con, Phú Xuyên: 3.765 con,...

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sở dĩ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh là do quy mô chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhỏ lẻ, tận dụng trong khu dân cư chiếm tỷ lệ cao, khoảng 60; cùng với đó là việc điều kiện vệ sinh, an toàn sinh học tại các hộ chăn nuôi này chưa tốt. Bên cạnh đó, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, tận dụng còn chiếm tỷ lệ cao và khó kiểm soát. Việc quản lý mua bán, vận chuyển lợn còn gặp nhiều khó khăn. Người, phương tiện vận chuyển ra, vào trại chưa áp dụng đầy đủ quy trình vệ sinh phòng bệnh và an toàn sinh học; đặc biệt, lực lượng trực tiếp tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về vệ sinh phòng bệnh. Việc sử dụng thức ăn tận dụng, dư thừa từ nhà hàng, bếp ăn tập thể, khách sạn còn phổ biến đối với nhiều hộ chăn nuôi nhỏ, tận dụng. Vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn chưa qua xử lý chín bằng nhiệt,…

Mặt khác, thành phố tiếp giáp với nhiều tỉnh, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm cả về đường không, đường bộ, đường thủy nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm rất cao. Trong khi đó, một số nơi chính quyền địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ việc chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn; chưa kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Việc xử lý, diệt động vật trung gian truyền bệnh gặp rất nhiều khó khăn, chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng chiếm tỷ lệ cao cũng gây nên việc lây nhiễm bệnh từ hộ này sang hộ chăn nuôi khác là rất lớn.

Chủ động ngăn chặn, xử lý

Có thể nói, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các sở, ngành, nhất là ý thức trách nhiệm của người dân trên địa bàn thành phố trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua là rất tích cực. Sở NN&PTNT đã chủ động, phối hợp cùng các sở ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức có hiệu quả, đúng yêu cầu kỹ thuật các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường tại nơi xảy ra ổ dịch bệnh châu Phi và nơi nguy cơ cao. Đồng thời, Sở đã phối hợp cùng các sở, ngành và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đảm bảo đồng bộ, kịp thời. Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, cả nước để kịp thời cung cấp thông tin nâng cao năng lực hệ thống ngành, hướng dẫn người chăn nuôi. Thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh với các tỉnh trên địa bàn cả nước, đặc biệt chú trọng 24 tỉnh phía Bắc đã ký cam kết cùng Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, ngoài việc tiếp tục làm tốt các nội dung công việc nêu trên, Sở NN&PTNT tiếp tục làm tròn nhiệm vụ được giao, như thực hiện tốt việc kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, chốt kiểm dịch động vật liên ngành, Tổ kiểm dịch động vật lưu động kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn; test nhanh bệnh dịch tả lợn châu Phi để chủ động kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các ổ dịch, cơ sở giết mổ, nơi nguy cơ cao. Ông Nguyễn Huy Đăng lưu ý, đối với các địa phương quan tâm, chỉ đạo và đầu tư kinh phí phục vụ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các ổ dịch ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính đều phải được triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch không kể ngày, đêm; toàn bộ số lợn của hộ chăn nuôi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch đã được tiêu hủy. Công tác hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi được giải quyết kịp thời theo chỉ đạo của UBND thành phố. Các vùng dịch bệnh đều được bố trí kịp thời người, phương tiện tham gia chống dịch; các chốt kiểm dịch tạm thời được lập và trang bị phương tiện phục vụ hoạt động đầy đủ.

Trong nhiều giải pháp đã được ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai hiệu quả, ông Nguyễn Huy Đăng lưu ý, chính quyền các địa phương tăng cường chỉ đạo các ban, ngành và UBND cấp xã quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Quản lý chặt chẽ khu vực tiêu hủy động vật mắc bệnh, hạn chế bố trí quá nhiều địa điểm tiêu hủy gây ảnh hưởng môi trường và xử lý mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi…


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t