Tái cơ cấu trồng trọt: Gia tăng giá trị, phát triển bền vững (20:27 22/06/2020)


HNP - Sau hơn một năm cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt, nền nông nghiệp của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Không chỉ chú trọng sản xuất lúa gạo, rau, hoa, cây cảnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững mà còn ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nâng cao năng suất, chất lượng

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, sau hơn một năm cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt (năm 2019 - 2020), năng suất hầu hết các cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng nông sản được cải thiện rõ rệt. Nổi bật là cơ cấu giống lúa phát triển theo hướng tăng diện tích lúa chất lượng và sử dụng trên 90% giống lúa ngắn ngày. Ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, diện tích sản xuất lúa chất lượng trên địa bàn thành phố tăng từ 54% năm 2019 lên 58% diện tích trong năm 2020. Đáng chú ý, thành phố đã duy trì được 200 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích 40.000ha canh tác, tương đương khoảng 80.000ha gieo trồng/năm, diện tích mỗi vùng từ 50ha trở lên, có vùng sản xuất lúa tập trung đạt trên 300ha. Mặc dù diện tích trồng cây ngô hằng năm giảm, nhưng năng suất tăng đáng kể. Năm 2015, năng suất ngô đạt 48,7 tạ/ha. Đến năm 2020, con số này được nâng lên 51,3 tạ/ha.

Năng suất, chất lượng trồng rau cũng được cải thiện đáng kể. Theo tính toán, năm 2020, diện tích trồng rau toàn thành phố là hơn 33.648ha, năng suất ước đạt 206 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 693.165 tấn. Cùng với đó, thành phố duy trì ổn định diện tích trồng rau an toàn 5.044ha, năng suất dự kiến đạt 70 tấn/ha/năm. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau an toàn cao hơn so với trồng rau thông thường 10-20%. Ngoài ra, thành phố duy trì 50ha trồng rau hữu, năng suất dự kiến đạt 50 tấn/ha/năm. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau hữu cơ cao hơn so với trồng rau thông thường 20-30%, giá trị đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm. Thành phố cũng đã hình thành các vùng sản xuất rau tập trung áp dụng Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) với diện tích 1.806ha, sản lượng đạt 379.260 tấn/năm tại các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ. Tại các vùng trồng rau của thành phố, hiện có 43ha nhà lưới, nhà màng, 15ha có ứng dụng một số khâu của công nghệ tưới tiết kiệm.

Theo ông Lê Xuân Trường, nhờ cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt, nhiều vùng trồng hoa cảnh, cây cảnh theo hướng hàng hóa tập trung năng suất, chất lượng ngày càng được mở rộng. Vụ Xuân 2020, diện tích trồng hoa, cây cảnh của thành phố là hơn 2.33ha, ước thực hiện cả năm là hơn 6.473ha. Đáng nói, diện tích trồng hoa chất lượng cao ước đạt trên 30% diện tích gồm các loại hoa hồng, ly, lan, cúc, đào, quất… cho hiệu quả sản xuất tăng hơn so với trồng hoa thông thường 25-30%. Diện tích trồng hoa cảnh, cây cảnh tập trung của thành phố là 1.800ha tại 47 vùng sản xuất với diện tích trung bình 10-20ha/vùng. Diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng trồng hoa hiện nay là 68,3ha.

Diện tích trồng cây ăn quả của thành phố cũng tăng đều qua các năm, đến năm 2020 là 21.880ha, tăng 6.154ha so với năm 2015. Sản lượng năm 2020 ước đạt 300.886 tấn, tăng 78.439 tấn so với năm 2015. Sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội khá đa dạng, mùa nào thức đó, trong đó có 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối sử dụng giống nuôi cấy mô, ổi Đông Dư… Bên cạnh các loại cây ăn quả đặc trưng, một số loại giống cây ăn quả mới đang được du nhập và phát triển như một số giống xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, một số giống táo, ổi không hạt, đu đủ ruột tím… bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao.

Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân khu vực ngoại thành chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2019, toàn thành phố đã thực hiện chuyển đổi được hơn 1.467ha. Năm 2020, ước diện tích chuyển đổi là hơn 4.117ha. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Không dừng lại ở đó, còn tạo điều kiện phát triển sản xuất ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu, cây ăn quả lâu năm cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5-6 lần so với trồng lúa cho các hộ sản xuất, nâng cao năng suất lao động và giá trị trên cùng diện tích canh tác; giảm diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững. Thông qua công tác chuyển đổi, trên địa bàn thành phố đã hình thành một số vùng chuyên canh tập trung, thuận lợi cho việc đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, khai thác tối đa nguồn lực từ đất, mang lại giá trị kinh tế cao, trung bình các mô hình chuyển đổi mang lại giá trị từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha. Đồng thời, khắc phục được tình trạng khó khăn về nước tưới đối với một số vùng vàn cao, vùng xen kẹt giữa các dự án đã được thu hồi và hạn chế thiệt hại do ngập úng gây ra trong mùa mưa bão đối với một số vùng trũng.

Từ những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung xây dựng lộ trình cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao. Mở rộng các vùng chuyên canh, các vành đai xanh, các tuyến nông nghiệp sinh thái, xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch. Ưu tiên cải tiến tổ chức sản xuất, gia tăng quy mô sản xuất nhóm sản phẩm chủ lực cấp thành phố gồm: Giống cây trồng (lúa, cây ăn quả đặc sản); phát triển trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, hoa, cây cảnh và lúa chất lượng cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững… Phấn đấu, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất trồng trọt 2-2,5%/năm.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t