Ứng dụng khoa học, công nghệ: Tạo vị thế cho nông nghiệp Thủ đô (14:18 16/04/2019)


HNP - Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Bằng bước đi, cách làm cụ thể, dấu ấn của khoa học công nghệ đã và đang thể hiện ngày càng rõ nét, thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ mới, hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn khu vực ngoại thành.

Dấu ấn công nghệ cao ngày càng rõ nét

Xác định khoa học công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nhất là tạo đột phá để mở rộng diện tích gieo trồng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai rất nhiều nội dung. Đơn cử, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức 52 lớp tập huấn với khoảng 3.640 lượt người tham dự; phối hợp với Hội Nông dân thành phố và các hiệp Hội khác tổ chức 1.193 lớp tập huấn với sự tham gia của 83.510 nông dân trên địa bàn thành phố về biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc sản xuất cây trồng, vật nuôi; giới thiệu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Tương tự, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội (nay là Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội) đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức 50 lớp tập huấn về kỹ thuật và chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi phát triển đàn gia súc với hơn 5.000 hội viên tham gia… Còn Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã phối hợp tổ chức 8 hội thảo tọa đàm về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo ATTP và vệ sinh môi trường nông thôn” tại 18 huyện, thị xã với khoảng 2.400 hội viên tham gia; đã tổ chức 4 hội thảo với nội dung “Tọa đàm đối thoại giữa nhà khoa học - nhà Nông và doanh nghiệp” tại 18 huyện, thị xã với khoảng 1.260 hội viên tham gia.

Thông qua tập huấn, hội nghị, hội thảo nêu trên đã hỗ trợ nông dân ngoại thành kiến thức, kỹ năng, thay đổi tập quán canh tác truyền thống chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn thành phố có 131 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, các địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Đông Anh 8 mô hình, Đan Phượng 8 mô hình và Phú Xuyên 8 mô hình,... Một số mô hình nổi bật như: Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoco Thanh Cao tại xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức); mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm); mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay...

Tạo sản phẩm có giá trị

Theo báo cáo của các huyện, thị xã, đến nay, toàn thành phố đã chuyển đổi được hơn 38.770ha sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, diện tích chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao hơn 15.707ha, cây ăn quả 6.975ha, rau an toàn 2.817ha. Riêng huyện Sóc Sơn, chuyển đổi được hơn 8.334ha, tiếp đến các huyện Ứng Hòa hơn 6.852ha, Ba Vì hơn 5.241ha, Thanh Oai hơn 3.267ha, Phú Xuyên 2.830,6ha, Quốc Oai hơn 2.746ha,... Đặc biệt, sau dồn điền đổi thửa, thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao gắn với việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất.

Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như: Vùng trồng lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch trồng lúa, cho giá trị thu nhập tăng thêm so với gieo cấy lúa truyền thống từ 25 đến 30%. Vùng trồng rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng,... cho giá trị thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng cây ăn quả ở các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì, Phúc Thọ cho thu nhập từ 0,5 đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Cũng nhờ tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, nhiều địa phương đã xây dựng được thương hiệu cho một số giống cây ăn quả gồm: Phật thủ, nhãn chín muộn, cam Canh ở huyện Hoài Đức, bưởi tôm vàng ở huyện Đan Phượng; vùng trồng hoa cảnh, cây cảnh ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất với giá trị thu nhập từ 0,5 đến 1 tỷ đồng trở lên/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở các huyện, thị xã Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ cho thu nhập từ 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản tại các huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế ngành Nông nghiệp Hà Nội nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung. Việc đưa những ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành Nông nghiệp Hà Nội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân trong tiến trình xây dựng NTM. Để tiếp tục phát huy thành tựu đạt được, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, triển khai các chương trình dự án quan trọng có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t