Thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2018-2021 (15:37 29/01/2018)


HNP - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2021.

Theo đó, 100% UBND các cấp từ quận, huyện, thị xã, đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh dại; 100% các cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y tại các địa phương trên địa bàn Thành phố thực hiện tổng hợp báo cáo bệnh dại đúng quy định; 100% cán bộ thú y từ Thành phố đến cơ sở được tập huấn về chuyên môn để nắm vững kiến thức, kỹ năng trong giám sát, xử lý dịch bệnh dại.

Trên 90% đàn chó, mèo trong diện tiêm phòng trên địa bàn Thành phố được tiêm phòng vắc xin dại; Trên 90% chủ nuôi chó, mèo được trang bị kiến thức hiểu biết và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống bệnh dại. Phấn đấu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại tại 12 quận, nơi tập trung đông dân cư, khách du lịch; Giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh; giảm số ca mắc và tử vong do bệnh dại trên người.

Đối với chủ vật nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi): Thực hiện đăng ký việc nuôi chó với UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã); xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường; chấp hành nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định. Chịu mọi chi phí trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó thả rông cắn người, chủ vật nuôi phải bồi thường cho người bị hại theo quy định.

UBND cấp xã lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (họ tên, địa chỉ chủ nuôi; số lượng chó nuôi; ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc-xin dại). Hàng năm, trước đợt tiêm phòng, tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng trên địa bàn.

Khuyến khích thí điểm việc đeo thẻ (vòng cổ có thẻ nhựa hoặc kim loại) cho chó, mèo đã được tiêm phòng dại ở các quận nội thành, các nơi tập trung đông dân cư, khách du lịch. Thực hiện tiêm phòng định kỳ vào tháng 3-4 hàng năm và tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho chó, mèo mới phát sinh hoặc đã hết miễn dịch bảo hộ.

Ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo tại các huyện, thị xã (trừ chó, mèo thương phẩm); Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vắc xin điều trị dự phòng cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hay tiêm vắc xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như cán bộ làm các công việc lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, tiêm vắc xin dại cho chó; Hỗ trợ công tác quản lý đàn chó; xét nghiệm bệnh dại; giám sát dịch bệnh; hướng dẫn việc tổ chức triển khai xây dựng vùng an toàn bệnh dại; tuyên truyền, tập huấn, đào tạo kỹ thuật tuyến Thành phố.

Ngân sách cấp huyện, xã đảm bảo kinh phí cho các hoạt động về tuyên truyền, tập huấn, quản lý đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng, tiêu độc khử trùng; xây dựng vùng an toàn dịch và các hoạt động liên quan đến công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn.


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t