Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị (06:55 15/04/2017)


HNP - Sáng 14/4, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, do đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn, đã làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Xây dựng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị từ năm 2011 - 2016 trên địa bàn Thành phố.  

Toàn cảnh buổi làm việc


Theo báo cáo của Sở QHKT Hà Nội, trong giai đoạn 2011 - 2016, đã có 26/35 đồ án quy hoạch phân khu và 31/33 đồ án quy hoạch chung được phê duyệt (84% số đồ án toàn Thành phố); 07 đồ án đã hoàn thành thẩm định, đang trong quá trình xem xét để phê duyệt; 04 đồ án đang thực hiện; Phê duyệt hơn 500 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị hai bên tuyến đường, chỉ giới đường đỏ; Một số đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng đã hoàn thành: Khu trung tâm Tây Hồ Tây; Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài; Nhà máy nước mặt sông Hồng; Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Thận Hà Nội; Khu trụ sở các Tổng công ty, Khu điều trị bệnh phong và Bệnh viện nhiệt đới Hà Nội; Dự án Trung tâm triển lãm Quốc tế - Quốc gia..
 
Cùng với đó, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện việc lập 05 đồ án Quy hoạch chuyên ngành HTKT theo nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Quy hoạch cấp nước, Quy hoạch thoát nước, Quy hoạch nghĩa trang, Quy hoạch xử lý chất thải rắn, Quy hoạch, giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch chung không gian ngầm đô thi trung tâm; Quy hoạch hệ thống gara ngầm trên địa bàn Thành phố đang được nghiên cứu xây dựng.
 
Cũng theo Sở QHKT, hiện, trong khu vực nội đô lịch sử của TP hiện có khoảng 308 công trình cao tầng hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công; có khoảng 205 dự án công trình và tổ hợp công trình đang xem xét theo các quy hoạch. Về hạ tầng giao thông đường bộ, Hà Nội hiện có 243 dự án, đến nay, đã triển khai 105 dự án (đã hoàn thành 78 dự án, đang triển khai 138 dự án). Hiện, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn Hà Nội là 91,16ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị, đáp ứng 8-10% nhu cầu đỗ xe. Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã phê duyệt 88 dự án xây dựng bến, bãi đỗ xe tĩnh, đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 20 bến, bãi đỗ xe; tiếp tục triển khai 16 bến bãi đỗ xe, còn lại 52 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho đầu tư còn hạn chế, khó khăn, đồng thời, diện tích đất dành cho giao thông còn thấp, mới đạt 8,65% đất xây dựng đô thị. 
 
Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, do công tác quản lý chưa chặt chẽ nên còn xuất hiện nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng. Việc xử lý của cơ quan chức năng chưa kiên quyết, chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ. Tình trạng khiếu kiện liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đô thị vẫn xảy ra ở nhiều nơi. 
 
Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngọ Duy Hiểu, cử tri ghi nhận lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch chưa cao, điều chỉnh nhiều, thậm chí tràn lan, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng xã hội và kỹ thuật không tương thích với việc phát triển nhà ở. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị Sở Xây dựng và Sở QHKT phối hợp tốt, tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch của thành phố, bảo đảm tính hiện đại, hệ thống, tầm nhìn, bền vững…
 
* Tiếp tục chương trình giám sát, chiều 14/4, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã làm việc với Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội về dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.
 
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Tuyến đường Vành đai 1 là trục giao thông chính nối khu vực Đông - Tây. Đây là một trong những tuyến đường có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn. Hiện nay, tuyến đường này đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn lại đoạn từ Hoàng Cầu đến nút Voi Phục nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Việc triển khai Dự án nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, khớp nối hoàn thiện các đường vành đai là phù hợp với chủ trương của Thành ủy, HĐND - UBND Thành phố và phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; phù hợp quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. 
 
Tại buổi làm việc, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội kiến nghị các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ căn cứ tờ trình của UBND Thành phố, xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
 
Đồng thời, kiến nghị UBND Thành phố cho phép tập trung nguồn lực (về vốn, tái định cư, GPMB) thực hiện trước phạm vi 2 cầu vượt Láng Hạ - Giảng Võ và Nguyễn Chí Thanh để khởi công trong quý I/2018. Đồng thời, Ban cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, các Ngành, địa phương tuyên truyền, ủng hộ dự án, cùng với cử tri giám sát cộng đồng để dự án đảm bảo trình tự xây dựng, hiệu quả đầu tư.
 
Nhấn mạnh vai trò của tuyến đường sau khi được hoàn thành sẽ góp phần vào giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn, Đoàn giám sát đề nghị Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện những dự án trước đây thuộc tuyến đường Vành đai 1 như: tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận, tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết các công trình siêu mỏng siêu méo, tạo cảnh quan xung quanh…;  tăng cường phối hợp với các sở, ngành để tham mưu cho Thành phố về các thủ tục thực hiện dự án, phấn đấu đưa công trình hoàn thành đảm bảo về tiến độ, chất lượng đề ra.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t