Tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động (09:04 19/06/2024)


HNP – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Công văn số 1935/UBND-KGVX ngày 18/6/2024 về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố.

Ảnh minh họa


Theo đó, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ cũng như đảm bảo quyền được làm việc an toàn của người lao động, đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, xã hội, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn Thủ đô, UBND Thành phố đề nghị các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các 2 quận, huyện, thị xã, các Tổng Công ty, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tập trung triển khai một số nội dung như sau: 
 
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về ATVSLĐ. Thông báo công khai vi phạm của các đơn vị để xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người trên các phương tiện thông tin để các tổ chức, cá nhân nhận thức về việc phải tuân thủ pháp luật ATVSLĐ. 
 
Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; việc quản lý, sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; các ngành nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động như: nồi hơi, thiết bị áp lực, thang máy, thiết bị nâng, các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động…; các đơn vị doanh nghiệp hoạt động huấn luyện ATVSLĐ; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; đánh giá, chứng nhận sản phẩm hàng hóa nhóm 2; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về ATVSLĐ.
 
Kịp thời điều tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về ATVSLĐ; kiến nghị cơ quan công an khởi tố hình sự đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động chết người, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng vi phạm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định. 
 
2. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về ATVSLĐ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và các hoạt động tư vấn đối với các doanh nghiệp để thúc đẩy cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm ngăn chặn, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật đối với doanh nghiệp hoạt động quan trắc môi trường lao động; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. 
 
3. Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên thanh, kiểm tra đảm bảo thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về ATVSLĐ, đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm, kiên quyết đình chỉ thi công các công trình xây dựng không đảm bảo an toàn cho người lao động và các khu vực lân cận; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn lao động đối với các đơn vị thi công thực hiện không đúng theo hướng dẫn.
 
Tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong ngành xây dựng như cần trục tháp, vận thăng lồng, hệ thống cốp pha… trong các công trường xây dựng, đặc biệt các công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông. 
 
Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý công tác xây dựng trên địa bàn; kiên quyết tạm đình chỉ các công trình xây dựng nhà tư nhân, nhà dân sát đường giao thông không đảm bảo biện pháp thi công, biện pháp an toàn; đặc biệt các tòa nhà, khu chung cư cao tầng, khu tái định cư có sử dụng các loại thang máy tiếp tục triển khai quản lý theo hướng dẫn quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng về quản lý, sử dụng nhà chung cư. 
 
4. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý, giám sát an toàn lao động trong các công trình giao thông, các công trình thi công cầu, hầm giao thông trọng điểm; đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực đang thi công. Yêu cầu các đơn vị rà soát khu vực đang thi công phải có các biện pháp, phương án cụ thể đảm bảo an toàn như rào chắn, cảnh báo khu vực nguy hiểm, các hố sâu, hố ga trong mùa mưa bão... đảm bảo an toàn cho người lao động và người dân tham gia giao thông; kiên quyết xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm hành lang an toàn giao thông và ATVSLĐ theo quy định. Tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực giao thông vận tải như các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động lắp đặt, sử dụng trên các phương tiện giao thông vận tải... 
 
5. Sở Công thương chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra đảm bảo an toàn các cơ sở kinh doanh xăng dầu, kho tàng hóa chất nguy hiểm, các cơ sở kinh doanh sang chiết nạp gas, cửa hàng kinh doanh gas, đặc biệt các cơ sở quản lý vật liệu nổ công nghiệp; an toàn sử dụng điện trong mùa nắng nóng nhằm đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động, người dân và các cơ sở liền kề. Tăng cường quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù công nghiệp đặc biệt các thiết bị Nồi hơi, thiết bị áp lực đặc thù công nghiệp. 
 
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý an toàn lao động trong các công trình xây dựng nông nghiệp nông thôn, các công trình cải tạo các tuyến đê, nạo vét bờ sông, suối; đảm bảo an toàn tại các khu vực đang thi công. Yêu cầu các đơn vị rà soát khu vực đang thi công phải có các biện pháp đảm bảo an toàn như rào chắn, cảnh báo khu vực nguy hiểm, các hố sâu, hố ga, taluy trong mùa mưa bão...; kiên quyết xử lý các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm hành lang an toàn đê điều, kênh mương trong mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho người lao động và người dân tham giao thông và khu vực liền kề.Tăng cường quản lý các máy, thiết bị, vật tự, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, công trình thủy lợi, đê điều...
 
7. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân đối với công tác ATVSLĐ. 
 
8. Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan thường xuyên, tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đối với các đơn vị, doanh nghiệp có nguy cơ cháy, nổ; phổ biến, hướng dẫn công tác thoát nạn đối với người dân đang sinh sống tại các tòa nhà, khu chung cư cao tầng, khu tái định cư, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà trọ lồng ghép với các buổi tuyên truyền, phổ biến về Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn hiện hành. 
 
9. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Ban quản lý khu công nghệ Cao Hòa Lạc tăng cường công tác tuyên truyền phố biến chính sách pháp luật ATVSLĐ, an toàn giao thông; kiểm tra, phối hợp kiểm tra chuyên đề, đột xuất về an toàn lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều nguy cơ gây mất an toàn, đặc biệt là các công trình xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà xưởng trên địa bàn quản lý.
 
10. Liên đoàn Lao động Thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn và người lao động. 
 
Phối hợp với cơ quan Nhà nước tổ chức phong trào thi đua về ATVSLĐ; tổ chức phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ; tổ chức và hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên. Chỉ đạo công đoàn các cấp và cơ sở xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và phối hợp với người sử dụng xây dựng Kế hoạch ATVSLĐ hằng năm và giám sát việc thực hiện theo quy định.
 
11. Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã Thành phố tiếp tục quán triệt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác ATVSLĐ. Thường xuyên hướng dẫn các Hội viên, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai, tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động, các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia an toàn điện, sử dụng gas; định kỳ kiểm định kỹ thuật an toàn các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; hướng dẫn các đơn vị thường xuyên rà soát, xây dựng và tuân 6 thủ đầy đủ biện pháp, phương án làm việc an toàn; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; bố trí người làm công tác ATVSLĐ; huấn luyện ATVSLĐ theo quy định. 
 
12. Các cơ quan Báo, Đài của Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác ATVSLĐ; công khai các vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng và những gương điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm hay, bài học quý giá về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố. 
 
13. UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Công điện của Thủ tướng về công tác ATVSLĐ. Yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thường xuyên triển khai, tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động, các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia an toàn trong thi công xây dựng, điện, hóa chất, y tế lao động, trong quản lý sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
 
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật ATVSLĐ; Kiểm tra, phối hợp kiểm tra chuyên đề, đột xuất về an toàn lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều nguy cơ gây mất an toàn, đặc biệt là các công trình xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà dân trên địa bàn, các đơn vị sử dụng nhiều máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn lao động. Rà soát việc cấp phép, quản lý, vận hành các công trình vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi tầu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo, các cơ sở sản xuất nước đá sạch sử dụng hệ thống lạnh, cơ sở sử dụng nồi hơi, thiết bị áp lực..., các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định.
 
14. Các Tổng Công ty và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố rà soát, hoàn thiện hồ sơ quản lý về công tác ATVSLĐ; Thành lập, kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới An toàn vệ sinh viên; Tổ chức tự kiểm tra công tác ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; thực hiện kiểm định, khai báo các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; thường xuyên quan tâm đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy, thiết bị, cải thiện điều kiện lao động và có biện pháp xử lý kịp thời các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn lao động; thường xuyên đánh giá rủi ro về ATVSLĐ; rà soát các nội quy, quy trình vận hành xử lý sự cố nguy cơ mất an toàn lao động để phổ biến cho người lao động; Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định,…

Trần Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t