Hà Nội: Siết chặt quản lý khoáng sản chưa khai thác (14:40 02/05/2018)


HNP - Nhằm quản lý chặt chẽ và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, TP Hà Nội đã ban hành phương án phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, làm ảnh hưởng đến môi trường. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Xác định rõ tránh nhiệm

Trên địa bàn thành phố có một số loại khoáng sản chính và có triển vọng khai thác là đá xây dựng, cát xây dựng, cát san lấp, sét gạch ngói, than bùn, puzolan. Đá xây dựng được phân bố dọc theo ranh giới phía Tây, tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình từ Núi Chẹ, Đá Chông huyện Ba Vì, qua Phú Mãn, Núi Voi huyện Quốc Oai đến Mỹ Đức và một vài mỏ nhỏ ở ranh giới xã Minh Phú, xã Nam Sơn huyện Sóc Sơn. Cát san lấp, cát xây dựng phân bố tại lưu vực sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Cà Lồ đi qua các quận, huyện như: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Sét gạch ngói phân bố chủ yếu ở các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. Than bùn được phân bố tập trung ở các huyện Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Puzolan phân bố tại xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây. Các khoáng sản còn lại không có triển vọng khai thác vì nằm trong khu vực cấm khai thác hoặc có hàm lượng thấp, phân bố không tập trung, trữ lượng nhỏ, điều kiện khai thác khó khăn. Ngoài ra, tại xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì có mỏ nước khoáng nóng, tuy có triển vọng khai thác trên thực tế nhưng chưa được điều tra, đánh giá.

Thực hiện Luật Khoáng sản 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với sở, ngành liên quan triển khai lập Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản TP Hà Nội đến năm 2020. Cụ thể, đã tham mưu thành phố khoanh định 86 mỏ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, trong đó: Quy hoạch khai thác, sử dụng 36 mỏ; quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng 50 mỏ.

Trước khi có phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, trên địa bàn thành phố có 38 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó: Các bộ, ngành trung ương cấp 4 giấy phép; UBND thành phố cấp 34 giấy phép. Từ thực trạng khoáng sản, UBND thành phố phê duyệt các khu vực cấm hoạt động khoáng sản gồm 25 khu vực cấm hoạt động với tổng diện tích cấm là 209,53km2.

Cùng với việc quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và sự giám sát của nhân dân, do vậy hoạt động khai thác khoáng sản của trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật, hạn chế các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Hằng năm, thông qua công tác kiểm tra của các sở, ngành chức năng và UBND quận, huyện, thị xã đối với hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản, đã kịp thời báo cáo UBND thành phố tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố; đôn đốc hướng dẫn các đơn vị chấp hành quy định của pháp luật có liên quan trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.

Tăng cường quản lý

Mặc dù các cơ quan chức năng thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, do nhu cầu vật liệu xây dựng trong xây dựng, phát triển mở rộng cơ sở hạ tầng, khu dân cư đô thị ngày càng tăng, thời gian gần đây hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra và chưa được giải quyết dứt điểm; có lúc, có nơi còn chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân do nhu cầu vật liệu xây dựng cho đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn thành phố là rất lớn, nguồn cung từ hoạt động khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát trái phép lòng sông trên địa bàn thành phố diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi chủ yếu thực hiện vào ban đêm, sau giờ hành chính, vào các ngày nghỉ, ngày lễ, tại các vị trí giáp ranh trên sông với tỉnh bạn. Lực lượng, phương tiện trang bị phục vụ cho công tác tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong công tác đấu tranh với các hành vi khai thác cát trái phép trên sông; chế tài xử lý đối với các đối tượng vi phạm còn thấp, chưa đủ sức mạnh răn đe; việc xử lý phương tiện tham gia hoạt động khai thác cát trái phép còn nhiều hạn chế. Lực lượng cán bộ tại cấp huyện và cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cả về số lượng và chuyên môn, do kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực như đất đai, môi trường và khoáng sản. Lực lượng Thanh tra chuyên ngành khoáng sản còn thiếu, nên chưa tăng cường được công tác thanh kiểm tra, chưa phát hiện kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, chưa ngăn chặn được kịp thời hoặc xử lý vi phạm chưa triệt để.

Để công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được chặt chẽ, thành phố đã quy rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan. Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Cung cấp các thông tin, tài liệu về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, quy hoạch khoáng sản, khu vực cấp phép hoạt động khoáng sản cho các đơn vị liên quan và các lực lượng chức năng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho các cơ quan quản lý cấp huyện, cấp xã và tổ chức, cá nhân đang hoạt động khoáng sản; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản cho các cơ quan, đơn vị liên quan. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, giải quyết các tranh chấp, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND thành phố xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định...

Về trách nhiệm của UBND cấp huyện, UBND cấp xã nếu để hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật từ và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng sản trái phép, thỏa thuận cho phép các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật phải xử lý, kỷ luật.

Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t