Mô hình PGS trên rau an toàn tại Hà Nội: Hướng đi của nông nghiệp hiện đại (11:49 01/05/2018)


HNP - Sản phẩm nông sản thiếu an toàn từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh, nhức nhối. Để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã triển khai chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm rau an toàn có sự giám sát của cộng đồng tự quản (PGS). Không những đem lại hiệu quả, phù hợp với thực trạng, xu thế sản xuất hiện nay của Hà Nội, đây còn là hướng đi của nền nông nghiệp hiện đại.

Mô hình trồng rau an toàn ở xã Tân Minh (huyện Thường Tín) cho hiệu quả kinh tế cao


Thay đổi tư duy sản xuất

Thành phố Hà Nội có 12.000ha canh tác rau, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, nhiều địa phương do lối canh tác cũ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho nên năng suất, chất lượng nông sản không cao. Chi phí giống cây, thuốc bảo vệ thực vật lớn, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để giải bài toán này, năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai 20 mô hình chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng PGS. Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, hệ thống bảo đảm cùng tham gia PGS (Participatory Guarantee system) là hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ. Hệ thống này dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan gồm: Người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác. Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng nhằm nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng đối với rau an toàn tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích hơn 1.138ha. Trong đó, 11 xã, phường có diện tích từ 50ha trở lên, 9 xã phường có diện tích dưới 50ha.

Qua tìm hiểu, mỗi điểm mô hình PGS, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội phân ra các nhóm, các tổ sản xuất rau an toàn tự quản. Trung bình từ 10 đến 30 hộ gia đình/nhóm. Riêng xã Hà Hồi (huyện Thường Tín) có 180 hộ gia đình/nhóm. Mỗi nhóm bầu ra một nhóm trưởng, từ các nhóm trưởng bầu ra 1 trưởng liên nhóm phụ trách chung. Các nhóm sản xuất rau an toàn tự quản bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hỗ trợ tích cực cho cán bộ kỹ thuật cũng như tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, chỉ đạo các hoạt động của mô hình nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho sản phẩm thu hoạch.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng khẳng định, việc hình thành 20 chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng PGS đã lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng trong tiêu dùng rau an toàn gắn liền với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đáng nói, số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng từ 112 doanh nghiệp lên 208 doanh nghiệp, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ 15 tấn/ngày tăng lên 42 tấn rau an toàn/ngày. Đơn cử, tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), mới đầu triển khai thực hiện có 5 doanh nghiệp đã tăng lên 10 doanh nghiệp, sản lượng từ 2 tấn đã tăng lên 10 tấn/ngày. Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan (huyện Thanh Trì), từ 5 doanh nghiệp đã tăng lên 14 doanh nghiệp, sản lượng từ 0,5 tấn tăng lên 2 tấn/ngày. Giá bán sản phẩm rau an toàn của 20 chuỗi cũng khá ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, tránh được hiện tượng “được mùa mất giá”. Giá trị sản xuất rau an toàn tại các vùng cao hơn từ 10 đến 20%.

Khuyến khích phát triển chuỗi liên kết

Khảo sát thực tế tại một số hợp tác xã cho thấy, hiệu quả từ triển khai chuỗi sản, chế biến, kinh doanh sản phẩm rau an toàn có sự giám sát của cộng đồng tự quản khá rõ rệt. Sản phẩm của 20 chuỗi được người tiêu dùng Thủ đô tin tưởng. Thu nhập của người sản xuất tăng lên nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS. Vai trò, trách nhiệm tự quản, kiểm tra chéo, kiểm soát đến hộ sản xuất tăng lên. Các doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng cung cấp cho đối tác, hạn chế rủi ro khi thị trường bến động về giá cả, kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, bước đầu thực hiện mô hình này đã bộc lộ một số khó khăn cần sớm được khắc phục. Theo ông Nguyễn Duy Hồng, hạn chế lớn nhất là thiếu các chính sách khuyến khích phát triển chuỗi, đặc biệt trong khâu hỗ trợ tiêu thụ, bảo quản sản phẩm, vận chuyển sản phẩm đông lạnh... nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia liên kết chuỗi. Chưa có quy định về thông tin tem, mã... đối với thực phẩm tươi sống bán lẻ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ dẫn đến cạnh tranh không công bằng và người tiêu dùng khó phân biệt.

Mặt khác, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện liên kết sản xuất; tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp. Việc ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cũng nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ, doanh nghiệp, hộ nông dân chưa thực sự gắn bó và thực hiện đúng cam kết đã ký. Còn thiếu doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, nên chưa đa dạng hóa được sản phẩm, chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó, giá cả các sản phẩm nông sản trên thị trường không ổn định, việc liên kết sản xuất chưa theo quy luật thị trường, còn tình trạng sản xuất ồ ạt chưa đúng quy hoạch dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”. Diện tích sản xuất trong các mô hình chuỗi nhỏ lẻ, manh mún, nên việc kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn...

Để khắc phục hạn chế nêu trên, ông Nguyễn Duy Hồng cho biết, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách khuyến khích phát triển chuỗi liên kết an toàn thực phẩm; ban hành qui định tạm thời về thông tin tem, mã... đối với thực phẩm tươi sống bán lẻ; đầu tư xây dựng chợ đẩu mối nông sản; chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm vi phạm.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t