Phòng, chống HIV/AIDS ở Hà Nội: Vẫn khó khăn, thách thức (14:43 05/01/2017)


HNP - Nhận thức rõ sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS, trong 5 năm qua, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đã tích cực thực thi giải pháp nhằm khống chế sự gia tăng của dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, thực hiện quá trình triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS đã bộc bộ một số khó khăn, thách thức, chưa bảo đảm tính bền vững.

Nam giới nhiễm HIV cao hơn phụ nữ

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên năm 1991, đến nay, trên địa bàn thành phố có 18.535 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó: Bệnh nhân AIDS còn sống 8.708 người; số tử vong tính từ đầu vụ dịch HIV/AIDS đến nay là 4.523 trường hợp. Số nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm trong các năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao. Dịch HIV/AIDS đã xảy ra ở 30 quận, huyện, thị xã và 548/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 93,8%). Tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS trên 100.000 dân là 249 người. Số người nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở một số quận nội thành, đứng đầu là các quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Tỷ lệ người lây nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng tăng cao, chiếm 26,94%. Điều này cho thấy, sự lan truyền HIV qua quan hệ tình dục khác giới đang gia tăng.

Người nhiễm HIV được phát hiện tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi 25 đến 49 tuổi và chiếm tỷ lệ cao 84,56%. Dịch tập trung chủ yếu ở 3 quần thể có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao gồm: Người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm. Phân tích tỷ lệ người nhiễm HIV theo các nhóm đối tượng cho thấy nhóm nghiện chích ma túy chiếm chủ yếu, với tỷ lệ trên 50%, tiếp đến là phụ nữ bán dâm và cuối cùng làm nhóm nam quan hệ tình dụng đồng giới. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dụng đồng giới có nguy cơ tăng dần qua các năm. Nguyên nhân do dùng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ tiêm chích khác gây lây truyền HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mại dâm đã có xu hướng giảm nhưng chưa đáng kể, cụ thể, năm 2012 giảm 22,5%, năm 2013 là 22%, năm 2014 là 17,5% và năm 2015 là 18%, nhưng vẫn đang chiếm tỷ lệ cao so với chỉ tiêu phải đạt được dưới 15%.

Nỗ lực phòng, chống đại dịch

Nhận thức rõ sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp quan trọng nhằm khống chế sự gia tăng của dịch HIV/AIDS. Đơn cử, trong công tác tuyên truyền, các hoạt động thông tin đã được chuyển tải thường xuyên liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai truyền thông trực tiếp cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: Nghiện chích ma túy, tiếp viên mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, phạm nhân trong trung tâm giáo dục lao động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, giảm tỷ lệ nhiễm HIV. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác giám sát và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su được triển khai ở 500 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt kết quả cao: Số bệnh nhân được điều trị trị ARV tăng dần theo các năm; 100% bệnh nhân lao nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc kháng HIV; 100% trẻ em nhiễm HIV/AIDS đủ tiêu chuẩn điều trị được tiếp cận với thuốc kháng HIV; trên 80% phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV. Trên 90% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng kịp thời lây truyền từ mẹ sang con. Đáng nói, kinh phí dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong 5 năm qua được trung ương, thành phố và các tổ chức, dự án quốc tế đặc biệt quan tâm góp phần làm giảm ca nhiễm mới.

Giải pháp đồng bộ

Tuy nhiên, thực tiễn 5 năm triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Hà Nội đã bộc lộ một số khó khăn, thách thức như: Một số đơn vị, địa phương chưa triển khai triệt để Chiến lược quốc gia, đặc biệt là chương trình hành động của Chiến lược; một số địa phương chưa huy động được cộng đồng, xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Kinh phí cho thông tin giáo dục và truyền thông phòng, chống HIV/AIDS còn thấp, chưa tương xứng, đầu tư thiếu tập trung cho trọng tâm, trọng điểm, còn dàn trải mang tính bình quân. Hệ thống các dịch vụ cung cấp thông tin, phương tiện và các chương trình can thiệp hỗ trợ cho việc thực hiện và duy trì hành vi chưa đồng bộ nên hiệu quả hoạt động truyền thông chưa cao. Nguồn nhân lực, trang thiết bị, nhân lực còn thiếu và hạn chế về năng lực xây dựng kế hoạch, tổ chức sự kiện, kỹ năng chuyên môn truyền thông; trang bị kỹ thuật chuyên dụng hầu như không có...

Thêm khó khăn nữa, kinh phí đầu tư tăng năng lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. Hiện nay, nhân lực tại tuyến thành phố có 53% cán bộ trình độ Đại học và trên Đại học. Nhân lực tuyến quận, huyện, thị xã có trên 30% cán bộ trình độ Đại học và sau Đại học. Do đó, cần có cơ chế chính sách cho các cán bộ làm công tác phòng, chống AIDS để thu hút cán bộ nhiệt tình, tham gia hoạt động HIV/AIDS. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại tuyến thành phố phục vụ công tác xét nghiệm HIV phần lớn đã đáp ứng theo yêu cầu quy định của Bộ Y tế. Tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm HIV... Cơ sở hạ tầng của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội đã xuống cấp, một số trang thiết bị văn phòng bị hỏng và hết thời gian sử dụng cần được nâng cấp mới đáp ứng nhu cầu công việc. 

Vấn đề đặt ra, cần phải có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, nếu không sẽ khó kiểm soát và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, để lại hậu quả nghiêm trọng, tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Để ngăn chặn dịch HIV trong thời gian tới, đồng thời, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, Hà Nội cần tập trung nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến, đầu tư kinh phí từ nguồn địa phương để duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ngay tại cộng đồng. Mặt khác, để tiếp tục đạt mục tiêu giảm ca mắc mới thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường truyền thông nhằm thay đổi hành vi tới người dân, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy cơ cao… Liên quan đến nhiệm vụ này, Bộ Y tế có chính sách riêng về đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ phòng, chống HIV/AIDS nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt cán bộ làm việc tại các tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn như hiện nay.


Đức Hiếu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t