Thanh Trì: Hiệu quả từ thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (07:16 25/10/2019)


HNP - Là huyện ngoại thành của Thành phố đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng Thanh Trì vẫn xác định phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi trong sản xuất là một hướng đi cần tập trung chú trọng. Trong những năm gần đây, huyện đã triển khai nhiều mô hình, bước đầu cho hiệu quả cao.

Tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2017-2021”, huyện Thanh Trì đã vận động nhân dân đưa giống lúa Thiên Ưu 8 và BT09 phục vụ sản xuất trong vùng sản xuất tập trung (trong đó, có 45ha máy cấy). Hỗ trợ HTX Vĩnh Ninh đầu tư dây chuyền sản xuất mạ khay, cấy máy, đã sản xuất được trên 20 nghìn khay mạ/vụ và phục vụ cấy máy trên 50ha/vụ, phát huy được hiệu quả sử dụng của máy móc đã đầu tư, chi phí sản xuất giảm 2 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống.

Thực hiện Đề án “Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của vùng sản xuất rau an toàn tập trung huyện Thanh Trì, giai đoạn 2016-2021”, toàn huyện đã gieo trồng 140ha rau an toàn, trong đó, 52ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Cải tạo nhà sơ chế vào hoạt động phục vụ nhân dân; từng bước thay đổi mô hình tổ chức sản xuất theo nhóm hộ trồng rau VietGap, rau hữu cơ…tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đảm bảo ATTP với HTX An Phát, Công ty Hưng Gia, Davicorp tại xã Yên Mỹ với sản lượng tiêu thụ ước đạt 1,5 tấn rau/ngày; duy trì và nhân rộng các điểm giới thiệu, tiêu thụ nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc trên địa bàn huyện…; đã hình thành một số mô hình mới, trong đó có mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Mỹ với diện tích 2.600m2, bình quân 1 năm sản xuất được 10-11 lứa rau, cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm, cao hơn trồng rau truyền thống khoảng 20 lần.

Bên cạnh đó, Cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Vạn Phúc hoạt động ổn định với công suất giết mổ bình quân 1.800 con/ngày đêm và là huyện đầu tiên của Thành phố xóa bỏ được các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư. Xây dựng mô hình liên kết chuỗi thịt lợn tại Công ty CP thực phẩm Song Đạt. Hỗ trợ Công ty chủ động nguồn nguyên liệu, Huyện Thanh Trì đã đầu tư hỗ trợ 327,500 triệu đồng xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGahp tại xã Đại Áng. Công ty đã ký hợp đồng liên kết và thực hiện tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của hộ chăn nuôi; lắp đặt hệ thống dây truyền pha lóc, sơ chế tự động thịt heo theo tiêu chuẩn châu Âu với công suất trên 70 tấn thịt lợn/ngày đêm, sản phẩm cung cấp nguồn thực phẩm tươi ngon, an toàn đến tay người tiêu dùng. Tổng doanh thu 1 năm ước đạt 200 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 80 lao động với mức lương ổn định từ 7 dến 15 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, huyện đã xây dựng thí điểm mô hình nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ “Sông trong ao”: Mô hình bắt đầu được triển khai xây dựng từ tháng 3/2018 với bể nuôi trên diện tích 15ha ao, lắp thiết bị máy sục khí, máy hút chất thải, hệ thống nước trắng, hệ thống xử lý nước thải và ôxy hóa, đưa vào sản xuất từ tháng 8/2018 và đến tháng 4/2019 bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng đạt 140 tấn cá thương phẩm; doanh thu đạt 3,2 tỷ đồng, mang lại việc làm cho khoảng 10 lao động. Cuối tháng 4.2019, thả lứa thứ 2, dự kiến, cuối năm 2019 sẽ cho thu hoạch, tổng sản lượng cá thu hoạch ước đạt 300 tấn cá thương phẩm, cao gấp 1,8 lần so với nuôi truyền thống trên cùng diện tích, doanh thu ước đạt 7 tỷ đồng. Mô hình đi vào hoạt động ổn định có thể tăng sản lượng lên 5-7 lần so với phương pháp nuôi truyền thống.

Mô hình trồng cây ăn quả tập trung xã Vạn Phúc: Trong 2 năm (2014-2015), đã vận động nhân dân chuyển đổi được 140ha hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung. Hàng năm, cung cấp cho thị trường trên 10.000 cây cam cảnh, quất cảnh vào dịp Tết Nguyên đán, cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha/năm (tương đương 10,8 triệu đồng/sào/năm), các diện tích bưởi năm 2017 bắt đầu cho thu hoạch với thu nhập đạt 280 triệu đồng/ha/năm (tương đương 10 triệu đồng/sào/năm) cao hơn từ 6-7 lần so với sản xuất ngô, 2-2,5 lần so với trồng dược liệu. Mô hình tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cung cấp cho nhân dân trong và ngoài huyện, giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động nông nghiệp của địa phương.


Hoàng Nam


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t