Nữ tiến sĩ “mê nông dân” (10:31 07/09/2010)


HNP - Chị xắn quần ra ruộng trồng lạc để nhắc nhở chị em làm cỏ. Chị nhìn từng gốc lạc, gốc đậu tương để tìm dấu hiệu bệnh. Chị giản dị đến mức không ai ngờ đây là nữ giám đốc tài năng của Trung tâm Nghiên cứu phát triển đậu, đỗ - Viện Cây lương thực và cây thực phẩm.

Mặc ấm cho lạc
Tiến sĩ Nguyễn Thị Chinh bắt đầu về công tác tại Viện khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam từ năm 1977, ngay sau khi tốt nghiệp Tổng hợp Sinh tại Rumani. Lúc đầu, chị nghiên cứu về giống lúa chịu phèn, nhưng sau đó chị trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đậu đỗ thuộc Viện nghiên cứu phát triển đậu, đỗ. Hỏi chị về những công trình đã nghiên cứu, chị chỉ cười. Có lẽ, nhiều quá chị không nhớ nổi. Từ những đề tài cấp viện như “Chọn tạo giống đậu, đỗ”, “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật thâm canh đậu, đỗ”, “Nghiên cứu tạo chọn tạo giống lạc, đậu tương và biện pháp kỹ thuật đạt năng suất và hiệu quả cao” nhưng có lẽ, công trình làm nên tên tuổi của chị là “Nghiên cứu kỹ thuật trồng lạc và che phủ nylon cho lạc”. Từ một lần được tận mắt quan sát kỹ thuật che phủ nylon cho lạc của Trung Quốc, chị nghĩ: “Họ làm được thì mình nhất định cũng làm được”. Sau khi thảo luận trình bày kế hoạch, cũng phải rất kiên quyết để thuyết phục mọi người trong viện đồng ý với một đề tài hoàn toàn mới ở Việt Nam, chị chính thức bắt tay vào thực hiện công trình từ năm 1996.
Trong ký ức của chị, những ngày đầu khi chuyển giao kỹ thuật trồng lạc phủ nylon thực sự khó khăn. Bởi người dân còn bán tín bán nghi. Cứ chiều chị ra che phủ nylon thì đêm đến người dân lại tháo ra. Có người còn nói với chị: “Từ bao đời nay, chưa thấy ai lại mặc áo tang cho lạc”. Nhưng đam mê và kiên trì của chị không vì thế mà giảm đi. Giờ đây, những vùng trồng lạc Tuyên Quang, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An… kín những tấm nylon che phủ. Công trình của chị lúc đầu áp dụng cho vụ lạc xuân. Người nông dân ở nước ta trồng vụ lạc xuân thường gặp thời tiết rét đầu mùa và thiếu nước nên năng suất không cao. Nhờ che phủ nylon, nhiệt độ trong đất tăng, khả năng giữ ấm cho đất cũng tốt hơn, sạch cỏ dại, phân bón không bị rửa trôi và năng suất chín rất cao, thời gian sinh trưởng được rút ngắn lại. Vì vậy, người nông dân được vụ mùa cũng nhiều hơn. Công trình của chị góp phần đưa năng suất lạc tăng tối thiểu là 30%, tăng tối đa là 80% trên nhiều cánh đồng. Từ vụ lạc xuân, chị mở rộng ứng dụng sang vụ thu- đông các tỉnh phía Bắc. Chị vẫn nói đây là công trình tâm đắc nhất của mình. Bởi vụ lạc thu- đông ở nước ta theo truyền thống rất ít hiệu quả, công trình của chị đã góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ của nông dân miền Bắc, giúp tăng thu nhập cho nông dân từ bán giống. Ước tính mỗi năm sản xuất 20.000ha với năng suất bình quân 20 tạ/ha, giá bán giống cao hơn lạc thương phẩm là 5000 đồng/kg thì đã mang lại lợi nhuận cho người sản xuất là 200 tỷ/năm. Chị cũng là tác giả của hai giống lạc LO5 và L23, đồng tác giả của giống lạc LO2, L12, L14, L18, MD9. Giống lạc L23 được Hội đồng khoa học và Công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử tháng 3/2008.
Anh Trần Văn Tú, trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Chiêm hóa (Tuyên Quang) cho biết: “Từ năm 2004, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ hơn với Trung tâm Nghiên cứu phát triển đậu đỗ, đặc biệt là có sự giúp đỡ của chị Chinh, hỗ trợ chúng tôi giống lạc và đậu tương mới, có áp dụng kỹ thuật phủ nylon cho lạc. Trước năm 2004, khi sử dụng giống cũ, năng suất chỉ đạt 20-22 tạ/ha. Sau đó chị Chinh về làm việc, chúng tôi áp dụng giống mới như L14, L26 và năng suất cao hơn hẳn. Năm 2007 đã đạt 31 tạ/ha”. Anh Tú cũng cho biết thêm: 100% vùng trồng lạc tại địa phương sử dụng giống của Trung tâm nghiên cứu phát triển đậu, đỗ và che phủ nylon hoàn toàn.

“Tôi đi nhiều lắm!”
Mặc dù đã chính thức làm công tác quản lý từ năm 1997 khi làm phó giám đốc trung tâm và từ năm 2004 đến nay là giám đốc trung tâm nhưng chị vẫn không mấy khi ngồi văn phòng. Chị cười: “Anh chị em trong cơ quan cứ đùa bảo tôi là biên chế ở trên đường. Vì tôi đi nhiều lắm”. Vừa đảm nhiệm công tác quản lý vừa đến các tỉnh làm dự án, chuyền giao công nghệ, chị đã đặt chân lên khắp các tỉnh phía Bắc. Gần đây nhất, chị đang giúp tỉnh Yên Bái đưa giống mới sản xuất. Mỗi lần đi tỉnh, có bao nhiêu chuyện làm chị nhớ. Năm 2006, chị cùng đoàn về Quan Sơn, Thanh Hóa, xe đi được nửa đường thì cả đoàn phải xuống lội bộ. Đây là vùng mà trước đây người ta trồng toàn thuốc phiện, vì vậy chị càng quyết tâm vào để giao giống mới. Chị kể, lội bộ hay đi vào cùng gập ghềnh đá sỏi là chuyện bình thường. Gặp cơn mưa bão, cán bộ nông nghiệp phải ào ào ra ruộng mà “lo” cho cây. Làm nghề này,  phải không sợ bẩn. Bùn, đất là những thứ mà chị và đồng nghiệp thường xuyên tiếp xúc. Cán bộ nông nghiệp phải là người nông dân thực thụ thì mới hiểu bà con, mới giúp bà con nông dân canh tác tốt.
Trong lễ trao giải “Tài năng sáng tạo nữ” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức thứ 11/2008 khi được hỏi về thành quả của mình, chị khẳng định “Thành công, đó là sự đóng góp của toàn thể cán bộ, công nhân viên trung tâm, nhưng trước hết là thành quả, là đóng góp của những người nông dân”.
Chị Trần Thị Trường, người cùng làm việc với chị Chinh 8 năm nói về giám đốc của mình: “Chị Chinh vẹn toàn trong công việc và thoáng về quản lý, lại rất tâm huyết với nghề”.
Chị Nguyễn Thị Chinh cũng tự nhận mình là người rất mê nông dân, đi nhiều nơi, trực tiếp làm việc với nhiều người trên đồng ruộng, chị cũng được bà con ở đó rất yêu quý. Anh Lê Xuân Lâm, chủ nhiệm HTX Hoằng Đạo (hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn còn nhớ lần đầu cùng chị Chinh cộng tác: “Chị Chinh cương quyết, chỉ đạo rõ ràng và dứt khoát lắm. Lúc đầu mới làm việc thấy chị có vẻ nghiêm khắc nên tôi cũng thấy e dè nhưng sau đó thấy chị rất thoải mái. Trước đây, chúng tôi cũng áp dụng kỹ thuật trồng lạc phủ nylon nhưng chưa hiệu quả lắm. Khi chị Chinh về trực tiếp làm việc tại địa phương, có mở lớp tập huấn cho bà con lúc đầu nhiều người chưa theo đâu. Nhưng vụ thu – đông chỗ chúng tôi mưa nhiều lắm, không che phủ không trồng nổi lạc. Vì thế, áp dụng cách này năng suất cao hơn. Giờ cả 100% diện tích đất trồng lạc đều phủ nylon”. Thành công về năng suất nhưng chị cũng đang băn khoăn về việc nếu xử lý không tốt, nylon sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, chị cũng đang đề nghị Viện Hóa nghiên cứu và làm màng phủ tự tan. Một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc đã làm màng tự tan bằng bột sắn như vậy sẽ giảm nguy cơ gây hại cho môi trường.
Tôi vẫn nhớ ấn tượng đầu tiên khi gặp chị tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển đậu, đỗ. Chị bảo: “Chị có gì đâu mà em viết!”. Thì tôi sẽ không viết về một nữ giám đốc gắn bó cả đời với cây lương thực và nhận đủ các danh hiệu của Tổng Liên đoàn Lao động, của Bộ NN&PTNT, của Hội liên hiệp phụ nữ…Tôi viết về người phụ nữ mê nông dân, mê những vùng đất  nghèo khó và làm vùng đất ấy giàu lên.
 


Phan Thủy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t