Ông già 10 năm trông coi di tích (16:16 22/12/2009)


HNP - Lăng đá Quận Vân được Bộ Văn hoá thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) cấp Bằng công nhận Di tích văn hoá vào đầu năm 2004, nằm hướng mặt về phía đông nam trên cánh đồng thôn Nỏ Bạn (Vân Tảo, Thường Tín). Giữa tiết trời oi nồng tháng 7, cái nắng dường như chỉ lênh đênh được trên đỉnh đầu người khi du khách đặt chân tới đây. Ấy là bởi nhiều năm qua, cụ ông Trương Văn Tuân (thôn Nỏ Bạn), người đảm nhận công tác trông coi khu di tích đã lo vun vén, trồng trọt, chăm bón nhiều loại cây xanh bao quanh, tạo bóng mát và cảnh quan đẹp mắt cho khu lăng đá độc đáo này.

Nói đây là khu di tích độc đáo là bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, khu lăng mộ này là nơi yên nghỉ cuối cùng của Vân Quận công Đỗ Bá Phẩm, nhân vật có thật trong lịch sử, một đại thần sống vào cuối đời Lê - Trịnh, người sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở làng Vân La (Vân Tảo, Thường Tín). Sinh thời, ông là một người thông minh, tài giỏi xuất chúng, tình nguyện làm hoạn quan dù đã có vợ, con để vào cung hầu hạ chúa Trịnh Cương. Trong thời gian ở phủ, ông được chúa Trịnh Cương giao cho việc dạy dỗ thế tử Trịnh Giang. Có thời kỳ ông nhận nhiệm vụ tham gia phái đoàn cùng các ông Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãn, Trương Nhiêu… làm khuyến nông sứ, đi tuần hành các trấn, được đánh giá là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp thời đó. Ông cũng là người có tài trong việc điều binh, khiển tướng. Khi còn giữ chức Vân Quận công, được giao trọng trách mang quân đi trấn ải phía Nam, đã thắng trận giòn giã. Để kỷ niệm chiến thắng oanh liệt đó, ông có nguyện vọng được xây dựng khu lăng mộ cho mình và được chúa Trịnh chấp thuận. Khu lăng mộ của Quận công Đỗ Bá Phẩm có diện tích khoảng 2 sào, do chính ông thiết kế chia làm 3 phần khác nhau với loại nguyên liệu duy nhất được sử dụng là các khối đá lớn. Mọi vật dụng thờ cúng, tượng người và vật canh mộ đều được chế tạo một cách rất tinh xảo từ các khối đá trên, tạo nên nét độc đáo cho khu lăng mộ. Trải qua mấy trăm năm bị chôn vùi dưới lớp đất, cát do trận lũ võ đê Xâm Thuỵ, khu di tích vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ giàu có của nó.
Sau gần 300 năm ngủ vùi dưới lớp đất cát của trận lũ vỡ đê, toàn bộ diện tích khu lăng mộ Quận Vân được đánh thức vào năm 1982 như một sự tình cờ. Nhận biết giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật vô giá của khu lăng, thôn Nỏ Bạn đã tổ chức cử người có khả năng, phù hợp với công việc trông coi di tích, chủ yếu là các cụ cao tuổi trong thôn. Cụ ông Trương Văn Tuân (76 tuổi) là người thứ 3 tình nguyện nhận công việc coi lăng Quận Vân kể từ khi khu di tích này được phát hiện và ông là người có thâm niên nhất trong “nghề” coi lăng ở làng Nỏ Bạn. Điều này được bắt nguồn từ những câu chuyện thơ ấu của ông.
Những câu chuyện lịch sử hư, thực đã mang lại cho cậu bé Tuân làng Nỏ Bạn một tuổi thơ đầy ắp những điều kỳ diệu. Được ông nội kể cho nghe về ngôi mộ cổ bí ẩn nằm sâu dưới lòng đất, ông mơ ước có một ngày mình có thể được nhìn tận mắt những khối lượng đá nổi danh đó. Ước mơ tưởng viển vông đó của ông không ngờ lại trở thành hiện thực khi tuổi đã về già, có đủ cháu, chắt, nội, ngoại. Biết thôn đang thiếu người trông coi di tích, ông xung phong nhận nhiệm vụ này và chỉ làm bằng lòng nhiệt tình và sự ngưỡng mộ giá trị lịch sử, văn hoá của khu lăng. Suốt thời gian dài làm người quản lăng cho thôn, dù không được hưởng một đồng trợ cấp, chưa ngày nào ông Tuân sao nhãng công việc của mình. Lúc thì lo đèn nhang sớm tối, khi thì lại lúi húi dọn dẹp, lau chùi. Nhận việc quản lăng khu di tích này vẫn còn rất hoang vu, có nhiều khối tượng bị đổ vỡ, sứt mẻ, ông xin phép địa phương, gọi thợ sửa chữa, dựng, đắp lại bệ ngai bị lật, vỡ, xây bể cảnh, hòn non bộ, trồng mới nhiều cây xanh để tạo lại cảnh quan cho khu di tích. Số tiền chi phí cho công việc này đều do ông bỏ ra. Qua bàn tay chăm sóc, vun vén của ông, dần dà, khu lăng mộ Quận Vân đã khoác lên mình một diện mạo mới - xanh tươi và ấm cúng hơn. Trong khuôn viên khu di tích giờ có tới hơn 20 loại cây cảnh khác nhau từ những cây nhỏ bé như sanh, si, ngâu… đến những loại cây cao lớn là xoài, trúc, đa tai tượng… đều xanh tốt. Mấy năm trước, ông Tuân cũng tự tay dòng đường điện chiếu sáng ra tận khu di tích, để tối tối, các cụ già trong làng có thể ra đánh cờ, uống nước, chuyện trò. Ông cũng xin nghỉ tham gia Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi thôn để có thời gian tập trung hơn vào công việc mình đảm nhận này. Ông tâm sự: “Tôi chỉ mong muốn tuổi già của mình còn có ích với xóm làng, với bà con, được mọi người hiểu và ghi nhận. Các con tôi về sau cũng hiểu được ý nguyện của tôi. Đấy mới là những điều khiến tôi vui nhất khi nhận công việc coi lăng”.
Hơn 10 năm trời tẩn mẩn vun vén cho khu di tích, ông già coi lăng thôn Nỏ Bạn chỉ có một nguyện vọng là có được một nơi để du khách trú chân khi tới thăm khu di tích. Vì là khu lăng mộ nằm lộ thiên giữa đồng làng không mái che mưa, nắng,không ít lần ông thấy rất lúng túng chẳng biết mời khách tới viếng lăng ngồi đâu. Không muốn đề xuất với địa phương lại chẳng làm sao có đủ tiền dựng mái che, ông xoay ra kiếm nguyên liệu, tự tay đắp bàn uống nước, thấy ai chỉ cho nơi này, nơi kia có cối đá hỏng, chân cột đình cũ, ông dều bỏ công tìm đến xin về. Thế rồi ông cũng có được bộ bàn ghế bằng đá nhỏ nhắn đặt cạnh hòn non bộ. Chỉ còn mang bộ ấm chén của nhà ra lăng là ông đã có thể mời khách chén trà nóng, nói dăm lời cảm ơn cho đỡ áy náy trong lòng.
Công việc hàng ngày của một người quản lăng không vất vả, nặng nhọc gì, song lúc nào ông cụ coi lăng cũng thấy lo lắng không yên, đặc biệt là những năm đầu mới nhận làm. Là bởi những trẻ nhỏ trong làng chăn trâu, thả diều thường tinh ngịch lấy trộm hoa, quả thờ cúng trên ban thờ mỗi khi ông và khách đặt lên. Việc chúng nghịch ngợm trèo lên mình voi, ngựa đá trong lăng cũng khiến ông lo lắng, buồn bực không ít. Sau mấy lần bọn trẻ lấy đồ thờ, ông nghĩ cách gọi chúng lại, chẳng những không mắng mỏ lại còn cho quả ăn, rồi ông nhẹ nhàng khuyên nhủ chúng, kể cho chúng nghe về lịch sử khu lăng đá, nhiệm vụ phải bảo vệ, tôn kính ra sao.
Ngoài những lúc bận bịu với việc quản lăng, giúp cháu con việc nhà, ông già coi lăng Trương Văn Tuân cũng làm thơ. Những bài thơ ông viết hầu hết đều có nội dung ca ngợi khu lăng, kể sử bằng thơ, rồi cảm ơn du khách đã có lòng tới viếng thăm người Anh hùng của làng, nôm na nhưng rất thật lòng. Cứ chiều đến trên cánh đồng thôn Nỏ Bạn, người ta lại thấy hình ảnh ông cụ Tuân làng mình đang lúi húi dọn dẹp, gần đó vài đứa trẻ chăn trâu đang chơi đùa, thả diều. Tiếng sáo diều và tiếng trẻ cười như quyện vào nhau, vang xa hơn khiến lòng ông già coi lăng như trẻ lại.
 


Thanh Thủy


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t