Hà Nội: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới (17:23 16/07/2021)


HNP - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác này đã có chuyển biến rõ nét, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Các lực lượng chức năng kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn Thành phố


Nhiều kết quả tích cực
 
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 08-CT/TW, Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành các chỉ thị, chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết và kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện đến cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền được thực hiện chủ động với nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, lồng ghép nội dung trong các hội nghị phổ biến Luật An toàn thực phẩm (ATTP) và các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP; tăng cường các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài; tăng thời lượng phát sóng trên đài truyền thanh các quận, huyện, xã, phường, thị trấn; sử dụng panô, áp phích, khẩu hiệu ở nơi công cộng để tuyên truyền về vệ sinh ATTP...
 
Ngoài ra, các cấp, các ngành còn tổ chức nhiều hội thi, các mô hình truyền thông, giáo dục kiến thức về vệ sinh ATTP. Do vậy, kiến thức, thực hành về ATTP của các cán bộ, hội viên, các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên. Năm 2020, kết quả khảo sát kiến thức, thực hành về ATTP cho thấy nhóm người quản lý đạt 92,5% (năm 2010 là 85,3%), người sản xuất kinh doanh đạt 88,6% (năm 2010 là 60%), người tiêu dùng đạt 80,3%, (năm 2010 là 56,2%).
 
Bộ máy quản lý, nhân lực làm công tác vệ sinh ATTP cũng được tăng cường, với tổng số 12.360 người (trong đó, có khoảng 250 chuyên trách và 12.110 kiêm nhiệm). Hệ trống trang thiết bị phục vụ công tác quản lý vệ sinh ATTP cũng được Thành phố quan tâm đầu tư. Hiện nay, Thành phố được trang bị 5 xe kiểm nghiệm nhanh ATTP lưu động. Từ năm 2016-2020, ngân sách Trung ương và Thành phố đầu tư về ATTP trong Chương trình đảm bảo ATTP với định mức 8000 đồng/người dân, thông qua đó đã mua đầy đủ 07 loại test xét nghiệm nhanh ATTP thông dụng phục vụ cho kiểm tra, giám sát ATTP để trang bị cho 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn (bao gồm test kiểm tra nhanh phẩm màu kiềm, test xét nghiệm hàn the, test xét nghiệm Formandelhit, test xét nghiệm độ ôi khét dầu mỡ, test xét nghiệm dấm, test xét nghiệm Methanol, Lugol 1%)...
 
Các sở, ngành Thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình, đề án đảm bảo vệ sinh ATTP. Tiêu biểu như ngành Công thương đã triển khai Đề án “Nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường”; Đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”, đến nay đã có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn. Ngành Y tế triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại 100% phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố, lựa chọn và nhân rộng 30 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã. Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất nông sản an toàn, xây dựng chuỗi liên kết với các tỉnh, thành phố trong việc cung ứng thực phẩm sạch, đảm bảo ATTP cho Hà Nội, đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển 141 chuỗi liên kết An toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố.
 
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và kiểm nghiệm ATTP được chú trọng, tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Qua kiểm tra đã kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời, tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATTP. 
 
Từ năm 2011 đến nay, lực lượng thanh tra, kiểm tra vệ sinh ATTP trên địa bàn Thành phố đã tiến hành kiểm tra, xử lý 1.310.503 cơ sở (vụ), phát hiện 222.209 cơ sở (vụ) vi phạm, xử lý 119.228 cơ sở (vụ), phạt tiền 48.252 cơ sở với tổng số tiền phạt 218.043 tỷ đồng, hủy thực phẩm không đảm bảo chất lượng với giá trị khoảng 110.777 tỷ đồng của 3.581 cơ sở; đình chỉ hoạt động của 726 cơ sở. Đặc biệt, đã chuyển cơ quan Công an xử lý, khởi tố 46 đối tượng, trong đó khởi tố 01 vụ với 02 bị can có hành vi sản xuất kinh doanh mỳ chính giả (nhãn hiệu Ajinomoto) ngày 29/01/2018 tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Riêng năm 2019 khởi tố 03 vụ với 05 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng; năm 2020, khởi tố 04 vụ án điển hình với 07 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, chất cấm...
 
Phấn đấu 95% cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận
 
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực trên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tạo được sự chuyển biến toàn diện về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người dân về tầm quan trọng và tác dụng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với đời sống của cộng đồng xã hội. Một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo ATTP. Ngoài ra, việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm ATTP tuy có chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao. Tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, là mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân...
 
Trong giai đoạn tới, thành phố Hà Nội xác định tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 08 và Kết luận 11 của Ban Bí thư; triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 “về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiến thức, hiểu biết của người dân và thực hành về ATTP. 
 
Thành phố cũng tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về ATTP. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP; phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, chủ động xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; kiểm soát tốt ATTP, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
 
Mục tiêu cụ thể: 100% Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng kiến thức về ATTP; 100% cán bộ làm công tác ATTP cấp Thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cập nhật kiến thức về quản lý, chuyên môn kỹ thuật về ATTP; 92,5% người quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 82,5% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có kiến thức thực hành đúng về an toàn thực phẩm.
 
Thành phố cũng đặt mục tiêu 100% vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn được điều tra, xử lý kịp thời. Khống chế tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tính dưới 06 ca/100.000 dân. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thuộc diện cấp giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt 95%; cấp quận, huyện, thị xã quản lý thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt 81%; 80% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm toàn Thành phố, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được kiểm tra, giám sát định kỳ.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t