Phát triển chuỗi tiêu thụ rau, thịt an toàn đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng Thủ đô (15:10 25/01/2018)


HNP - Nhằm đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ nông sản an toàn cũng như phát triển nông nghiệp của Hà Nội môt cách bền vững, gần 3 năm qua, cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội được Bộ NN&PTNT chọn là nơi thí điểm đề án phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn. Qua 3 năm thực hiện, đến nay, chương trình đã thu lại được nhiều kết quả khả quan.

Người tiêu dùng thủ đô được sử dụng nguồn thực phẩm sạch an toàn từ các tỉnh thành khác


Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban điều phối chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, với đầu mối là Sở NN&PTNT Hà Nội, đơn vị đã tích cực tham mưu, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chương trình phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và có sự phối hợp với 21 tỉnh, thành trong cả nước có sản phẩm về Hà Nội. 
 
Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong chương trình bao gồm các đối tượng là rau củ quả các loại, thịt lợn, thịt gà và các mặt hàng nông sản thực phẩm khác. Để có thể tham gia trong chuỗi cung ứng thực phẩm vào Hà Nội, các sản phẩm nông sản của 21 tỉnh, thành phố sẽ phải có chứng nhận đủ điều kiện an toàn, chứng nhận thú y của Bộ NN&PTNT hoặc các chứng nhận về sản xuất và quản lý chất lượng như VietGap, HACCP... 
 
Với sự tham mưu từ Bộ NN&PTNT cùng các cục như Cục chăn nuôi, Cục trồng trọt và Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, chương trình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vào TP Hà Nội cùng với 21 tỉnh, thành trong Ban điều phối, trong 3 năm qua đã xây dựng được 377 chuỗi, trong đó 182 chuỗi đã được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Riêng thành phố Hà Nội đã phát triển và duy trì 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm với 30 chuỗi có nguồn gốc động vật, 35 chuỗi nguồn gốc trồng trọt, trong đó, có 10 chuỗi rau, thịt đã có 7 cơ sở mở 13 điểm bán được xác nhận sản phẩm an toàn.
 
Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng, thành phố Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh triển khai mô hình quản lý ATTP theo chuỗi gồm: chuỗi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Sơn La với hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, siêu thị Fivimart; chuỗi thịt gà Dabaco Bắc Ninh, chuỗi thịt lợn Hòa Bình, chuỗi rau Đà Lạt…
 
Đơn cử như tại Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, thực hiện chuỗi liên kết doanh nghiệp này kết nối với 40 Hợp tác xã tại 6 tỉnh phía Bắc. Mỗi năm, đơn vị này cung ứng ra thị trường Hà Nội 24.000 tấn với 40 chủng loại gạo đặc sản như: gạo Séng Cù, Tú Lệ, tám thơm Điện Biên... 
 
Doanh nghiệp đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý như các Sở NN&PTNT các tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng NLS và thuỷ sản. Ngoài ra với sự chung tay hỗ trợ từ các nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp và sự vào cuộc từ các HTX, nông dân của các vùng doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất. Đây là một trong những hình thức liên kết đem đến hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, doanh nghiệp và đặc biệt bảo vệ được nguồn đặc sản vùng miền cũng như môi trường.
 
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, các chuỗi sản xuất vẫn còn ít, sản lượng rau thịt cung cấp vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ vẫn chưa nhiều. Vấn đề giám sát ATTP, truy xuất rõ nguồn gốc tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống còn hạn chế. Theo Thứ trưởng, năm 2018, Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần nhân rộng những kết quả đã đạt được, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về ATTP. Ưu tiên quản lý chợ đầu mối, chợ truyền thống để người tiêu dùng yên tâm, chuẩn bị tốt thực phẩm an toàn cho dịp Tết Nguyên đán. 
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu: Ngoài việc thực hiện liên kết chuỗi với các tỉnh, thành để cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội, cần làm mạnh hơn khâu quảng bá sản phẩm. Ngoài liên kết “4 nhà” cần liên kết nhiều hơn với truyền thông để đẩy mạnh khâu giới thiệu, tuyên truyền sản phẩm đến với người tiêu dùng.
 
Trong những năm qua Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức đoàn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và đón tiếp các đoàn công tác của các tỉnh, thành phố đến làm việc, tham quan học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối sản xuất, tiêu thụ với các tỉnh: Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Lào Cai, Hưng Yên, Thanh Hóa đến thăm quan mô hình giết mổ lợn tập trung bán công nghiệp ở Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), mô hình giết mổ gia cầm tập trung bán công nghiệp ở Yên Thường (Gia Lâm), giết mổ lợn công nghiệp Vinh Anh (Thường Tín), thăm các kênh phân phối hàng hóa lớn của Hà Nội . 
 
Thông qua các buổi làm việc với đoàn công tác các tỉnh, Sở đã giới thiệu và nắm bắt được tiềm năng cơ hội hợp tác của Hà Nội và các tỉnh, thành phố về sản phẩm, cơ sở sản xuất tiêu biểu nhu cầu hợp tác. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Hà Nội gặp gỡ giao lưu với các cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố, giới thiệu hệ thống phân phối nông sản tại Hà Nội, các tiêu chí yêu cầu về kỹ thuật đối với các nông sản thực phẩm khi tiêu thụ tại Hà Nội, qua đó, hàng chục các biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp được ký kết.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t