Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (15:15 17/08/2024)


HNP - Sáng 17/8, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội… các vấn đề quan trọng khác trên địa bàn và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quang cảnh buổi làm việc


Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội; các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố, các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu Trung ương tham dự buổi làm việc
 
Báo cáo một số kết quả nổi bật 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Kinh tế Thành phố tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán. Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD. 
 
Đáng chú ý, một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (Hồ sơ sức khỏe điện tử, Cấp lý lịch tư pháp…)
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và các đại biểu Hà Nội tham dự buổi làm việc
 
Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực xã hội, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững; đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường.
 
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai... Đảm bảo các cân đối lớn, duy trì tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng nhằm tạo động lực tăng trưởng mới; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội.
 
Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, các cầu vượt sông, các nút giao thông cửa ngõ…Hoàn thành hạ tầng thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu trong chỉ đạo điều hành. Đưa vào vận hành chính thức: Trung tâm dữ liệu lớn; Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng… từng bước cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.
 
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc
 
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ Thành phố thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn vào các khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các dự án công nghệ cao, các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
 
Xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị. Có các cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện, các cơ sở ô nhiễm theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô. Đặc biệt, đối với các cơ sở giáo dục đại học di dời đến khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai, tạo tiền đề để phát triển thành phố phía Tây trở thành trung tâm khoa học và công nghệ, giáo dục đại học của Thủ đô và cả nước. Cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị thông minh tại một số khu đô thị. 
 
Về các tuyến đường sắt đô thị, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét ban hành các cơ chế, chính sách “đặc thù”, “đột phá” để phân cấp, phân quyền chủ động cho thành phố Hà Nội. 
 
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho Hà Nội tập trung phát triển trục sông Hồng là trục không gian chủ đạo của Thủ đô, để không gian sông Hồng trở thành “biểu tượng phát triển mới của Thủ đô” theo Kết luận 80 của Bộ Chính trị. 
 
Về đô thị đặc biệt: Luật Thủ đô quy định Hà Nội là đô thị đặc biệt, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội triển khai ngay các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển Thành phố phía Bắc vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố phía Tây vùng Hòa Lạc, Xuân Mai. 
 
"Thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, để cùng chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại," xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước", Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Vương Vân


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t