Dấu ấn ngành Thông tin và Truyền thông Hà Nội trong cuộc chiến với dịch Covid-19 (12:37 05/02/2022)


HNP - Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe của nhân dân, song, Thành phố Hà Nội luôn chủ động, kiên trì và bình tĩnh trong mọi tình huống nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đặc biệt, trên “mặt trận” thông tin và truyền thông, Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp đóng vai trò then chốt cho công tác phòng chống dịch, để lại dấu ấn rõ nét.  

Phóng viên báo chí có mặt tại hiện trường, đưa thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 tới các độc giả


Huy động tất cả các kênh thông tin, tuyên truyền
 
Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bám sát thực tiễn và chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch. 
 
Theo đó, Sở TT&TT thường xuyên cập nhật, cung cấp các văn bản chỉ đạo - điều hành, thông tin về chủ trương, chính sách và các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương và Thành phố cho các cơ quan báo chí dưới nhiều hình thức như: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội; Cổng thông tin điện tử các Sở, ban, ngành, quận, huyện; email công vụ,... 
 
Đồng thời, duy trì các nhóm phóng viên chuyên trách TP Hà Nội thông qua mạng xã hội zalo, facebook... Từ đó, tổ chức hướng dẫn và cung cấp thông tin 24/7 cho báo chí tuyên truyền về các hoạt động của Thành phố nói chung và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng, đảm bảo kịp thời. Từ 27/4/2021 đến 25/01/2022, trên báo chí đã có 156.000 tin, bài tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố.
 
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương, qua rà soát báo chí, cơ quan đã kịp thời phát hiện, xử lý và cải chính đối với các cơ quan báo chí, truyền thông đăng tải thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, rút tít gây hoang mang dư luận. Đồng thời, phối hợp các cơ quan báo chí chủ động xây dựng các tuyến tin, bài đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, kích động; phản bác những thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố.
 
Ngoài ra, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, 579 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn đã thực hiện 167.400 buổi phát thanh với hơn 6,4 triệu phút phát thanh; trung bình hằng ngày mỗi đài cơ sở phát 5 buổi và 195 phút. 
 
Tận dụng tối đa ưu thế mạng xã hội
 
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mạng xã hội được xem là "cây cầu" kết nối giữa mọi người, đặc biệt khi các tỉnh, thành đang triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mạng xã hội đã có những đóng góp không nhỏ, cùng với nhiều phương tiện thông tin đại chúng trở thành kênh khá hữu hiệu trong việc phòng, chống dịch.
 
Tận dụng tối đa ưu thế của mạng xã hội, từ 27/4/2021 đến 25/01/2022, Sở TT&TT Hà Nội đã gửi tổng số 367 bản tin với 1.773 tin, bài, tương ứng với hơn 802.504.700 lượt tài khoản người dùng Zalo; đăng 1.712 tin, bài lên tài khoản "Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội" trên mạng xã hội Lotus nhằm thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh, công tác phòng chống dịch của các lực lượng chức năng. 
 
Tài khoản mạng xã hội Zalo Sở Thông tin và Truyền Thông TP Hà Nội cập nhật nhiều thông tin thiết thực về tình hình dịch bệnh
 
Các thông tin liên quan đến vắc xin cũng liên tục được cập nhật giúp người dân có hình dung đầy đủ hơn về dịch bệnh, tin tưởng đồng thuận với các giải pháp phòng dịch của Thành phố. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, các văn bản chính thống do Thành phố ban hành được nhiều người chia sẻ qua mạng xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời đã trở thành công cụ đắc lực, một kênh truyền thông hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19.
 
Sở TT&TT Hà Nội cũng đã phối hợp các doanh nghiệp sở hữu trang thông tin điện tử tổng hợp có lượng bạn đọc lớn để lan tỏa thông tin với khoảng 4.800 tin, bài về công tác phòng chống dịch Covid-19, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Từ ngày 27/4 đến nay, Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội đã đăng tải 272 văn bản, 187 video, 1.778 tin, 123 bài, 2.849 ảnh, 538 câu hỏi về thực hiện Chỉ thị, Công điện và các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố.
 
Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, trong năm 2021, có thể thấy tình trạng tin giả, tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch giảm đáng kể, “không còn đất sống”, hoặc chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Có được kết quả đó, phần quan trọng là do cơ quan liên quan đã nhanh chóng, kịp thời cung cấp thông tin chính thống cũng như cơ quan chức năng đã kiểm tra, “mạnh tay” xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, khuyến cáo người dân không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung và các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Thành phố nói riêng.
 
Áp dụng triệt để “lá chắn thép” công nghệ
 
Trao đổi về việc ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cũng cho biết: Thời gian qua, cùng với các biện pháp về y tế, quản lý hành chính, thông tin tuyên truyền thì việc triển khai các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin cũng là một trong những biện pháp rất quan trọng, đóng vai trò then chốt phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch của Thành phố. 
 
“Hiện nay, Hà Nội đã triển khai xuyên suốt tất cả các nền tảng của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện, trong đó, có 3 nền tảng chính, là: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19…” - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội nhấn mạnh.
 
Sự tham gia hướng dẫn của Đoàn thanh niên đã giúp người dân Hà Nội dần hình thành thói quen quét QR code
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, vừa qua, Sở TT&TT Hà Nội cũng đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an để triển khai hệ thống quản lý công dân vùng dịch qua hệ thống kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia. Phần mềm này được tích hợp qua hệ thống camera tại các điểm chốt ra, vào Thành phố, và tại điểm chốt của các quận, huyện được gắn camera và quét mã QR khi đi qua.
 
Ngoài ra, Thành phố đã phát triển và đưa vào sử dụng thêm các phần mềm phục vụ điều phối, phân luồng, chuyển bệnh nhân Covid-19; phần mềm quản lý đối tượng tiếp xúc gần (f1) thực hiện cách ly y tế tại nhà; phần mềm quản lý F0 và F1 tại nhà. TP Hà Nội cũng đã xây dựng hệ thống camera giám sát tại các khu cách ly để quản lý tốt hơn; phối hợp với VOV Giao thông giám sát qua hệ thống camera phát hiện những tuyến phố, tuyến đường đông người và phương tiện để khuyến cáo các quận, huyện có giải pháp điều tiết phù hợp, tránh tình trạng tập trung đông người trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
 
Bên cạnh đó, “Thành phố cũng đang triển khai hệ thống Tổng đài 1022 để tiếp nhận những kiến nghị của công dân. Đây là những giải pháp cốt lõi trong phòng chống dịch Covid-19 của Thủ đô, giúp công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. TP Hà Nội đã cơ bản ứng dụng toàn diện những giải pháp công nghệ để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19”- đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ.
 
Bộ phận trực Tổng đài 1022 Hà Nội
 
Có thể nói, với sự nỗ lực của ngành TT&TT, công tác ứng dụng CNTT và thông tin, tuyên truyền thời gian qua đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính phủ, Thành phố, đồng thời, tự giác, chấp hành, ủng hộ các quy định, chính sách về phòng, chống dịch.
 
Thời gian tới, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Hà Nội tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Bộ Y tế về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Chủ động xây dựng, cập nhật, triển khai các kịch bản phòng, chống dịch bệnh tương ứng với các cấp độ dịch và thường xuyên đánh giá, tuyên truyền kịp thời để người dân và doanh nghiệp chuyển đổi trạng thái các hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp.
 
Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 với phương châm “5K + vắc xin + thuốc điều trị + công nghệ”; quán triệt thông điệp “Mỗi người dân là một chiến sỹ phòng chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng”.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t