Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ TP Hà Nội trong phòng, chống dịch Covid-19 (19:37 01/02/2021)


HNP - Chiều 01/02, Bộ Y tế đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; Ngô Văn Quý, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc


Hà Nội quyết liệt hơn trong công tác xét nghiệm
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính từ ngày 27/01 đến ngày 01/02, Hà Nội ghi nhận 19 ca mắc mới ngoài cộng đồng. Trong đó, có 14 ca mắc mới tại cộng đồng đã được Bộ Y tế công bố, 5 ca chưa được công bố. Đến nay, đã xác định được 72 trường hợp F1 là người Hà Nội liên quan tới các ca dương tính của các tỉnh khác. 72/72 trường hợp F1 đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, kết quả, 3/27 mẫu dương tính, 69/72 mẫu âm tính lần 1. 
 
Lũy tích từ ngày 27/01, đã xác minh được 431 trường hợp F1, tất cả đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, 17/431 mẫu dương tính lần 1, 368/431 mẫu âm tính lần 1, 46/431 mẫu chưa có kết quả. Ngoài số F1 như trên, đã điều tra được 2.508 trường hợp F2, các trường hợp này đều được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà theo đúng quy định. 
 
Đối với các trường hợp đi, đến và trở về từ các vùng dịch, tổng số người về từ TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương từ 01/01 và người về từ các khu vực ổ dịch tại Quảng Ninh từ 05/01 là 15.769 người. 14.652 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, đạt 93%; 5.400 đã có kết quả xét nghiệm (4 mẫu dương tính); công tác rà soát, lấy mẫu xét nghiệm vẫn đang tiếp tục. Đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 3.200 nhân viên y tế phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cho kết quả âm tính.
 
Với đề xuất của Hà Nội đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 40.000 mẫu xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đã giao 12 đơn vị phối hợp hỗ trợ Hà Nội là: Đại học Y, Đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 103, Bệnh viện 108, Viện Y học dân tộc...
 
Đồng thời, đại diện các đơn vị cũng cam kết hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm cho các trường hợp theo yêu cầu. Đại học Y Hà Nội cam kết hỗ trợ xét nghiệm 5.000 mẫu cho Hà Nội, sẵn sàng hỗ trợ chuyên gia khi Hà Nội cần. Bệnh viện Bạch Mai cho biết hỗ trợ Hà Nội 2.000 mẫu xét nghiệm. 
 
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng tinh thần là phải nhanh hơn, quyết liệt hơn trong công tác xét nghiệm. Vì vậy, ngay sau buổi họp này, UBND thành phố sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng ngay Chỉ thị để tăng cường tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn. Thành phố cũng đã triển khai 5 đoàn kiểm tra, do các đồng chí Thường trực Thành ủy làm Trưởng đoàn, với tinh thần "Rà từng ngõ, gõ từng nhà" trong công tác chống dịch; yêu cầu sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy, chính quyền cùng phòng, chống dịch.
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá cao Bộ Y tế đã cử 12 đơn vị phối hợp với Hà Nội hỗ trợ xét nghiệm trên 40.000 mẫu cho Thành phố. Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh mong muốn tiếp tục có sự hỗ trợ của các chuyên gia của các đơn vị của Bộ Y tế để truy vết các trường hợp mắc bệnh. Tiếp thu các ý kiến của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thành phố sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm, tăng cường đầu tư năng lực điều trị để nhanh nhất, kiểm soát được tình hình dịch bệnh, quyết liệt phối hợp với Bộ Y tế trong công tác xét nghiệm.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc
 
Bộ Y tế cùng Hà Nội sẽ phòng chống dịch thành công và giữ cho Thủ đô bình yên
 
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Bộ Y tế rất quan tâm và quan ngại với tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội". Vì vậy, Bộ Y tế muốn làm việc với Hà Nội trên quan điểm bảo vệ Thủ đô để người dân hưởng Tết an lành.
 
Bộ trưởng phân tích, dịch bệnh tại Hà Nội đợt này phức tạp hơn và khác hẳn đợt dịch tại Đà Nẵng trước đây do tốc độ lây nhiễm cao. Biến chủng từ Anh không chỉ có khả năng lây nhiễm cao mà còn lây lan nhanh và biến chuyển nặng. Thứ hai là chu kỳ lây nhiễm trước đây chỉ từ 4-5 ngày nhưng hiện nay, chu kỳ lây nhiễm chỉ từ 1-2 ngày. Thứ 3 là thời gian khởi phát rất nhanh, khả năng nhân lên của virus cao. Chỉ trong 4 ngày, từ ngày 27/01, nhưng đã lên chu kỳ lây nhiễm thứ 4. Thêm vào đó, trước đây là lây nhiễm là từ người này sang người khác, còn hiện tại đã lây theo đường không khí, hệ số lây nhiễm cũng rất cao. 
 
"Trong quá trình phân tích dịch tễ, có yếu tố nguy cơ cao nên chúng ta phải có hành động quyết liệt", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng nếu không quyết liệt thì tốc độ lây lan còn nhanh hơn nữa. Vì vậy, khuyến cáo với Hà Nội là phải thay đổi phương thức để đối phó với đợt dịch này. Đồng thời, phải nâng cao một mức trong đối phó với dịch Covid-19 so với trước đây.
 
Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội phải vừa truy vết vừa khoanh vùng, lấy mẫu triệt để các trường hợp tiếp xúc. Phong tỏa các khu vực có ca bệnh và chỉ dỡ dần phong tỏa sau khi có kết quả âm tính. Các quận, huyện, thị xã chưa có ca bệnh hay trường hợp tiếp xúc vẫn cần áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg và 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ ở mức độ thấp. 
 
Đồng chí Bộ trưởng cho rằng, với đợt dịch lần này, Hà Nội phải thay đổi chiến thuật, theo đó, cần coi tất cả các F1 là trường hợp nghi nhiễm. Truy vết đồng thời cả trường hợp F1 và trường hợp F2; Bộ trưởng nhấn mạnh: "Cách ly tại nhà nghiêm ngặt với các trường hợp F2 mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh". Ra khuyến cáo mạnh mẽ với người dân như: bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng; hạn chế tụ tập ở nơi đông người; đóng cửa các điểm vui chơi giải trí; hạn chế người đi, đến Hà Nội…
 
Xây dựng các tổ, đội lấy mẫu xét nghiệm; huy động thêm lực lượng sinh viên các trường Y. "Bộ Y tế sẽ tập huấn cho đội ngũ lẫy mẫu xét nghiệm", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định. Riêng với các quận, huyện, cần huy động cả lực lượng tại chỗ lẫn lực lượng tăng cường; rà soát, sàng lọc với một số khu vực đặc biệt như các Bệnh viện và các đối tượng nghi ngờ. Bộ Y tế cũng cam kết sẽ hỗ trợ Hà Nội, cử chuyên gia phối hợp trong công tác điều phối và vận chuyển mẫu xét nghiệm.
 
Đối với Trung ương, sẽ huy động tất các các đơn vị làm công tác xét nghiệm có công suất xét nghiệm cao như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… hỗ trợ Hà Nội. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ nhận điều trị toàn bộ bệnh nhân Covid-19 của Hà Nội. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội khởi động ngay Bệnh viện dã chiến sẵn sàng triển khai khi cần thiết. Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Bộ Y tế cùng Hà Nội sẽ phòng chống dịch thành công và giữ cho Thủ đô yên lành". 

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t