Giám sát về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa tại huyện Mê Linh (08:21 23/08/2017)


HNP - Ngày 22/8, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã làm việc tại huyện Mê Linh về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

Đoàn khảo sát tại chùa Quỳnh Lâm


Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có 161 di tích, trong đó, có 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia Đặc biệt; 25 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 48 di tích xếp hạng cấp Thành phố; 86 di tích chưa được xếp hạng; 02 địa điểm được UBND thành phố ban hành Quyết định gắn biển lưu niệm di tích cách mạng kháng chiến (Đền thờ Hai Bà Trưng - xã Mê Linh và Nhà máy In Tiến Bộ - xã Tráng Việt).
 
Thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, huyện Mê Linh đã xây dựng Đề án quy hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa cách mạng trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 1 sẽ trùng tu, tôn tạo những di tích đã được xếp hạng; trong giai đoạn 2016-2020, đã triển khai thực hiện tu bổ, tôn tạo một số di tích. 
 
Tổng kinh phí giai đoạn 2012-2020 là 382,908 tỷ đồng trong đó nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước khoảng 114 tỷ đồng (khoảng 30%); nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn vốn khác khoảng hơn 286 tỷ đồng. Giai đoạn 1 về cơ bản, nguồn kinh phí Nhà nước đã đáp ứng được yêu cầu của Đề án trùng tu, tôn tạo. Giai đoạn 2 từ 2016-2020 đang đi vào hoạt động, với nguồn kinh phí Nhà nước cung cấp cho việc trùng tu, tôn tạo của cả giai đoạn 2 cho các di tích là 37,379 tỷ đồng.
 
Công tác XHH đã được quan tâm, từ 2012 đến nay, huyện đã huy động được hơn 60 tỷ đồng để trùng tu, tu bổ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Nhiều di tích được tu bổ, xây dựng bằng nguồn XHH như Chùa Xa Mạc; đền, đình Thạch Đà; Chùa Vạn Phúc; Chùa Đại Bi… 
 
Để tiếp tục làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo, phát huy di tích, huyện Mê Linh đề nghị Thành phố ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, khuyến khích đối với những người trực tiếp trông coi di tích và ban hành hướng dẫn cụ thể quy trình bổ sung các hiện vật, đồ thờ tự công đức vào di tích. Đồng thời, bổ sung kinh phí thực hiện tu bổ, tôn tạo đối với các di tích đã xuống cấp trên địa bàn huyện Mê Linh nhằm phát huy giá trị các di tích kết hợp phát triển du lịch huyện Mê Linh giai đoạn 2016-2020.
 
Đề nghị Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mê Linh để xây dựng tour du lịch văn hóa tâm linh đến Đền Hai Bà Trưng và các di tích liên quan. Đối với Sở Văn hóa và Thể thao cần đưa hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội Đền Hai Bà Trưng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia trong kế hoạch năm 2018 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
 
Đồng chí Trần Thế Cương phát biểu kết luận buổi giám sát
 
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Trần Thế Cương ghi nhận huyện Mê Linh đã có nhiều quan tâm trong việc thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, huyện cần tiếp tục thực hiện tốt Luật Di sản Văn hóa. Chú ý quản lý việc đưa các vật thể lạ vào chùa. Xây dựng kế hoạch quyên góp, ủng hộ, XHH việc tu bổ, tôn tạo các di tích. Đối với các lễ hội, cần nghiêm túc xử lý các hiện tượng mê tín, dị đoan, chơi cua cá, buôn bán đồ ăn trái quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân cùng bảo vệ di tích; tăng cường tập huấn cho những người làm công tác quản lý di tích để góp phần gìn giữ, thổi hồn vào di tích. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc lập hồ sơ đề nghị TP công nhận các di tích còn lại.
 
* Cùng ngày, đoàn đã đi khảo sát việc trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm, xã Đại Thịnh. Đoàn ghi nhận sự vào cuộc, tạo điều kiện trùng tu chùa của các cấp chính quyền. Đồng thời, yêu cầu huyện nghiên cứu, xem xét việc XHH các công trình như Nhà thờ Mẫu, Cổng Tam quan… đối với chùa Quỳnh Lâm.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t