Lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật Trợ giúp pháp lý (21:01 07/04/2017)


HNP - Chiều 7/4, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan Trung ương về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật Trợ giúp pháp lý. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu chủ trì hội nghị


Tại hội nghị, đại biểu cơ bản thống nhất với Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được sửa đổi theo hướng toàn diện, bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường, quy định thêm một số thiệt hại được bồi thường. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo, để các nội dung luật đi vào đời sống. Trong đó phần lớn các đại biểu tán thành với nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sai sau cùng sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.
 
Theo đó xác định rõ trách nhiệm bồi thường của các cơ quan căn cứ vào giai đoạn tiến hành tố tụng được quy định trong pháp luật về tố tụng, có như vậy mới đề cao trách nhiệm của mỗi cơ quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình chứ không như Luật Bồi thường nhà nước 2009 quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường là tòa án đã tuyên bản án.
 
Về kinh phí bồi thường và lập dự toán kinh phí bồi thường, một số đại biểu cho rằng việc giao Bộ Tài chính, Sở Tài chính lập dự toán là tạo điều kiện cho việc giải quyết bồi thường được nhanh chóng, thuận tiện, thống nhất đầu mối ở trung ương và cấp tỉnh, tránh tình trạng tất cả các cơ quan đều phải lập dự toán kinh phí bồi thường.
 
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, còn một số nội dung chưa phù hợp thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh như: xem xét điều chỉnh thời gian xác minh thiệt hại; xem xét điều chỉnh mức bồi thường thiệt hại cho hợp lý; Vấn đề bồi thường oan sai cần có sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và cơ quan kiểm sát thay vì quy định việc bồi thường do cơ quan kiểm sát chịu trách nhiệm thực hiện.
 
Các đại biểu đóng góp cho hai dự thảo luật

* Đóng góp dự thảo luật trợ giúp pháp lý năm 2006, một số đại biểu góp ý: Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thông thoáng để huy động các tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện trợ giúp pháp lý, thu hút mọi nguồn lực hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý, không nên bó hẹp ở quy định chỉ có luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo lần này cần được bổ sung thêm nhiều trường hợp như: người bị buộc tội dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo… đồng thời, có liệt kê rõ ràng đối với đối tượng có khó khăn về tài chính để tránh bị lạm dụng hoặc bỏ sót khi thực hiện trợ giúp pháp lý.
 
Cũng liên quan đến nội dung đối tượng trong Luật Trợ giúp pháp lý, một số đại biểu nêu: dự thảo luật cần phải sửa đổi để bảo đảm khả năng tiếp cận các dịch vụ pháp lý của nhóm đối tượng phụ nữ, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó bổ sung nhóm đối tượng như nạn nhân mua bán người theo quy định của Luật phòng chống mua bán người, người khuyết tật theo quy định của Luật người khuyết tật… bổ sung thêm đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ là nạn nhân của vụ việc hôn nhân có yếu tố nước ngoài...
 
Kết thúc hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến góp ý tại Hội nghị. Đồng chí khẳng định đây sẽ là những ý kiến hữu ích cho việc tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV năm 2017.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t