Giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề người dân Thủ đô quan tâm về quy hoạch, đô thị, dân sinh (14:24 09/08/2023)


HNP - Tại Hội nghị tiếp xúc đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố năm 2023, đã có nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan đến các vấn đề lớn của Thủ đô, các nội dung liên quan đến đời sống dân sinh trên địa bàn Thành phố.  

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân trả lời tại buổi tiếp xúc, đối thoại


Cụ thể, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn công tác Tôn giáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Bạch Thành Định đề nghị thông tin thêm về tình hình triển khai, công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư dự án đường Vành đai 4 và đề nghị đồng chí Bí thư chỉ đạo Thành phố khẩn trương hoàn thành đường Vành đai 1, 2, 3 để tạo sự đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông của Thành phố.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo kiến nghị Thành ủy tiếp tục có các giải pháp cụ thể hơn, tăng cường kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp liên quan đến công tác giám sát, phản biện xã hội. 
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm Phạm Chi Linh hỏi về các bước lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. trong đó, đề nghị Thành phố thông tin rõ hơn về tiến độ triển khai lập Quy hoạch và khi nào Hà Nội có quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng…
 
Trưởng Ban Tổ chức, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu về công tác giám sát, phản biện xã hội, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy đã tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 18/01/2023 về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
 
Qua việc theo dõi, đôn đốc của Ban Dân vận Thành ủy, đến nay, các địa phương, đơn vị đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Trong đó, Ban Dân vận Thành ủy cũng đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị đưa nội dung thực hiện Kế hoạch số 125-KH/TU vào chương trình công tác năm, có kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết việc thực hiện định kỳ 6 tháng, hằng năm gắn với công tác thi đua, đánh giá.
 
Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 125 của Thành ủy chỉ đạo đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội thời gian qua. Từ đó, hệ thống giải pháp tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi, như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, trong đó quy định rõ hơn nữa về quy trình, trách nhiệm, xử lý vi phạm và kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Phát huy hơn nữa vai trò, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; trong đó, MTTQ việt Nam giữ vai trò chủ trì trong giám sát, phản biện xã hội, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương, đơn vị đang triển khai, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân…
 
“Tăng cường giám sát, phản biện xã hội là giải pháp quan trọng để huy động trí tuệ, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện giám sát, phản biện xã hội không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền mà còn là hoạt động hỗ trợ cấp ủy, chính quyền xây dựng và thực hiện các chính sách chất lượng, hiệu quả, hợp lòng dân. Địa phương, đơn vị nào nhận thức đầy đủ, quan tâm, làm tốt công tác này thì kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị nhất định sẽ khởi sắc” - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.
 
Còn Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo khẳng định sẽ bố trí đủ biên chế theo vị trí việc làm của MTTQ; nhưng tinh thần là không tăng biên chế mà tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Về tăng lương cán bộ, công chức, viên chức, đồng chí cho biết, phải thực hiện theo lộ trình của Trung ương. Ngoài ra, hiện nay, Thành phố đang triển khai xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trong đó sẽ có đề xuất cơ chế đặc thù tiền lương. Đồng chí Vũ Đức Bảo cũng đề nghị MTTQ quan tâm thực hiện tốt việc tiết kiệm chi thường xuyên để có điều kiện tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
 
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh đã thông tin về định hướng chung, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội. Về định hướng chung, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ được tập trung cho một số vấn đề: xác định yếu tố văn hiến, văn minh, hiện đại cho Thủ đô. Về tiến độ, sẽ tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan và các tổ chức, cá nhân, các bộ ngành trong khoảng tháng 9 và nửa đầu tháng 10/2023; sẽ báo cáo Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ dự kiến 12/2023 và theo tiến độ này, trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền, sẽ kết hợp cùng điều chỉnh Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp 9,10/2023.
 
Về Quy hoạch sông Hồng, là trục cảnh quan của Hà Nội. Về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông. Về khớp nối của sông Hồng trong quy hoạch chung, cùng với 4 trục, trục cảnh quan sông Hồng sẽ là cảnh quan chính, mang yếu tố quyết định cho vấn đề cảnh quan, giao thông cũng như phát triển đô thị của 2 bên sông trong thời gian tới. Dự kiến, cùng với tiến độ phê duyệt giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Thành phố sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông và trong quá trình triển khai sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và đặc biệt cần sự tham gia, phối hợp của MTTQ Việt Nam Thành phố và các cấp. Ý kiến của MTTQ các cấp, đây là ý kiến gần như là quan trọng nhất trong vấn đề xác lập ý tưởng, định hướng trong thời gian tới trình duyệt hồ sơ và báo cáo các cấp có thẩm quyền
 
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo về các dự án “treo”, chậm triển khai trên địa bàn và các tranh chấp tại các nhà chung cư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 712 dự án chậm triển khai. Nguyên nhân do quy hoạch, năng lực nhà đầu tư; khi sáp nhập địa giới hành chính phải điều chỉnh quy hoạch… Thành ủy, UBND, HĐND Thành phố đã chỉ đạo rà soát, xử lý dự án chậm triển khai trên địa bàn.
 
Tại kỳ họp HĐND tháng 7/2023, UBND Thành phố đã có báo cáo và đến nay, đã xử lý đưa ra khỏi danh sách 419 dự án chậm triển khai. Hiện, còn 293 dự án cần xử lý trong thời gian tới. Mục tiêu đến hết tháng 11/2023, cơ bản giải quyết xong 293 dự án.
 
Đến hết tháng 11/2023, nếu nhà đầu tư không thực hiện hoặc cố tình chây ì sẽ kiên quyết hủy bỏ, thu hồi giấy phép đầu tư. Thời gian tới, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tăng cường giám sát dự án đầu tư, xử lý dự án chậm muộn và khớp nối hạ tầng, công trình hạ tầng xã hội…để các dự án khi triển khai phát huy được hiệu quả. Đồng thời, đưa ra quy trình để kịp thời phát hiện dự án chậm triển khai để có giải pháp xử lý ngay.
 
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại
 
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, hiện Thành phố có 1.135 toà chung cư đã đưa vào sử dụng và có 132 chung cư xây dựng trước thời điểm Luật Xây dựng nhà ở năm 2005. Đến nay,đã có 820 toà đã thành lập được Ban Quản trị. 
 
Trong quá trình thực hiện, Thành ủy, UBND Thành phố đã quan tâm chỉ đạo việc quản lý, vận hành các nhà chung cư trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý, vận hành vẫn còn khó khăn, bất cập. Đây là những vấn đề liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng chủ đầu tư có vi phạm; chưa thực hiện công tác nghiệm thu PCCC đã đưa người dân vào ở gây khó khăn cho quản lý, vận hành, gây xung đột lợi ích, chậm bàn giao quỹ bảo trì...Những vấn đề này tại một số chung cư và địa phương chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, nên đã xảy ra tranh chấp tại một số chung cư thời gian qua.
 
Thời gian tới, Thành phố chỉ đạo thực hiện 4 giải pháp: Tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan rà soát vấn đề bất cập trong Luật nhà ở, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn để góp ý, bổ sung trong quá trình điều chỉnh Luật nhà ở. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương để nắm bắt, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh từ cơ sở trong công tác quản lý, vận hành. Các Sở chuyên ngành thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Chủ đầu tư, Ban Quản trị, chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Chủ đầu tư, Ban Quản trị thực hiện nghiêm quy định liên quan quản lý về trật tự xây dựng, vận hành…

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t