Thành phố Hà Nội thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt trên 92 nghìn tỉ đồng (15:48 28/04/2021)


HNP - Chiều 28/4, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ trì Hội nghị giao ban UBND Thành phố thường kỳ tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2021. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã. 

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị


Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố tham dự và báo cáo tại điểm cầu Thành phố.
 
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước tháng 04/2021, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 4 tháng đầu năm là 92.117 tỷ đồng, đạt 39,1% dự toán Trung ương giao (đạt 36,7% dự toán Thành phố giao). Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 17.610 tỷ đồng, đạt 16,2% dự toán, bằng 92,3% so với cùng kỳ.
 
Nhờ tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố trong tháng 4 có sự phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,6% so với tháng 3 và tăng 22,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, IIP tăng 11,1% so với 4 tháng năm 2020.
 
Xuất, nhập khẩu hàng hóa phục hồi mạnh so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.348 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 3 và tăng 25,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 04 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.732 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 3.023 triệu USD, tăng 3,7% so với tháng 3 và tăng 38,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 10.749 triệu USD, tăng 20,8% (cùng kỳ giảm 9,5%).
 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 đạt 50,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng 3 và tăng 50,4% so với tháng 4/2020. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 198,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với 4 tháng năm 2020 (cùng kỳ giảm 6,3%).
 
Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 4 đạt 11.741 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 51,2% so với tháng 4/2020 (cùng kỳ giảm 25,5%). Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu đạt 44.885 tỷ đồng, tăng 17,6% so với 4 tháng năm 2020.
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 0,26% so với tháng 3, tăng 1,26% so với tháng 12/2020 và tăng 2,29% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. 
 
Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn báo cáo tại hội nghị
 
Ngành du lịch có sự khởi sắc. Thành phố đã phối hợp tổ chức hội nghị "Công bố các sản phẩm kích cầu du lịch nội địa năm 2021", đây là hoạt động trong khuôn khổ "Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực năm 2021". Khách quốc tế đến Hà Nội tháng 4 ước tính đạt 21 nghìn lượt khách, tăng 17,1% so với tháng 3 và gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt 72 nghìn lượt khách, giảm 89,2% so với cùng kỳ năm trước. Khách trong nước đến Hà Nội ước tính đạt 620 nghìn lượt khách, tăng 2,5% so với tháng trước và gấp 23,7 lần so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 4 tháng đầu năm, khách trong nước đến Hà Nội đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
 
Thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm đạt 223,9 triệu USD, trong đó: Cấp mới 117 dự án, số vốn 70,5 triệu USD; điều chỉnh 43 dự án với vốn tăng thêm 83,7 triệu USD; chấp thuận 179 hồ sơ góp vốn mua cổ phần trong doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 69,7 triệu USD. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 3.802 tỷ đồng với 28 dự án, trong đó 07 dự án mới với số vốn 462 tỷ đồng, 21 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, số vốn 3.340 tỷ đồng. 
 
Ước trong 4 tháng đầu năm 2021, Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 8.540 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 95.150 tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiệp và giảm 19% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020), thực hiện thủ tục giải thể cho 1.160 doanh nghiệp (tăng 44% so với cùng kỳ), 6.210 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 22% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 4.864 doanh nghiệp (tăng 106% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 311.085 doanh nghiệp.
 
Theo công bố của VCCI ngày 15/4/2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Hà Nội đạt 66,93 điểm (giảm 1,87 điểm so với năm trước), duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố (không thay đổi xếp hạng so với năm 2018 và 2019), tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012, là năm thứ 3 liên tiếp, Hà Nội trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. 
 
Trong tháng 5, Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động số 14/CTr-UBND ngày 19/01/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
 
Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế. Triển khai các văn bản thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, xây dựng kế hoạch triển khai 10 chương trình công tác của Thành ủy. Tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để hoàn thiện Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
 
Triển khai tốt công tác Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn trong tháng 5. Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Tăng cường theo dõi nắm bắt sát sao tình hình địa bàn, dư luận xã hội; đảm bảo tốt an ninh khu vực. Chỉ đạo liên ngành xây dựng các cơ chế phối hợp chặt chẽ để ứng phó với các tình huống phức tạp phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19.
 
Cùng với đó, Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành chi ngân sách hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ cấp bách cũng như thường xuyên. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư, chỉ đạo tập trung cải thiện 5 chỉ số thành phần PCI giảm hạng.
 
Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo cung ứng hàng hóa; Đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phòng, chống dịch bệnh giao mùa. 

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t