Phát triển sản xuất nông nghiệp ở Thạch Thất: Những mảnh ghép cuối cùng (15:03 15/02/2020)


HNP - Thời gian qua, huyện Thạch Thất có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhân rộng các mô hình nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết. Đây là những giải pháp cốt lõi trở thành những mảnh ghép cuối cùng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.

Hiệu quả rõ nét

Cũng giống nhiều địa phương của Hà Nội, trước đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Thạch Thất gặp không ít khăn do thiếu liên kết từ sản xuất đến khâu tiêu thụ, thiếu sức cạnh tranh. Nhưng nhờ định hướng của huyện và sự năng động của người dân, nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển hướng sang phát triển các mô hình nông nghiệp giá trị cao. Đơn cử mô hình chăn nuôi gà của đẻ trứng của hộ ông Kiều Văn Hiện (xã Đồng Trúc). Trước đây, gia đình ông chủ yếu chăn nuôi thủ công, quy mô nhỏ nên thường chịu rủi ro rất cao vì không được kiểm soát bệnh dịch, kỹ thuật chăn nuôi. Sau khi học tập kinh nghiệm, toàn bộ quy trình chăn nuôi được áp dụng khoa học công nghệ từ việc cho ăn đến xử lý môi trường, khử trùng đều được thực hiện bằng máy và chế phẩm vi sinh. Với quy mô 3 trang trại nuôi 3.600 con gà, trong đó, có 24.000 con gà đẻ trứng và 12.000 con gà hậu bị, gia đình ông Hiện có thu nhập 600-700 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi đà điểu của hộ gia đình anh Nguyễn Duy Liên, đội 5, xã Đại Đồng cũng được đánh giá cao. Với sự hỗ trợ của địa phương và nỗ lực của bản thân, ông Liên đã quyết tâm vượt khó thực hiện mô hình nuôi 70 con đà điểu trên diện tích khoảng 700m2. Theo ông Nguyễn Duy Liên, chăn nuôi đà điểu không khó, bởi loài vật nuôi này dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên, sức đề kháng cao, ít xảy ra dịch bệnh. Trung bình nuôi một con đà điểu trong vòng 1 năm là được xuất chuồng. Với giá bán trên thị trường như hiện nay, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Liên thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Hay như mô hình vườn - ao - chuồng của ông Phí Văn Thắng, ở xã Đại Đồng, cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi trong nông nghiệp của địa phương, ông Thắng đã chuyển đổi đất trồng lúa sang mô hình vườn - ao - chuồng trên diện tích 1,1ha nuôi cá, trồng cây và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trung bình, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Theo ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất, ngoài các mô hình nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao, trên địa bàn huyện Thạch Thất còn hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Đơn cử mô hình chăn chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình) với diện tích 60ha. Hiện, trang trại này có hơn 1.000 con lợn nái, mỗi năm, cung cấp cho thị trường hơn 10.000 con lợn giống, lợn thương phẩm, gần 350 tấn rau sạch các loại. Tại các xã như Hương Ngải, Đại Đồng, Tiến Xuân, Yên Bình, trên cơ sở phát triển sản xuất căn cứ vào quy hoạch cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh trồng rau, củ, quả hoa, ngô nếp hàng hóa, dưa chuột, ớt xuất khẩu. Huyện Thạch Thất cũng đã mở rộng diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ lên 56ha ở các xã Lại Thượng, Bình Yên, Kim Quan, Yên Trung, Cẩm Yên, Tiến Xuân...

Nâng cao giá trị, phát triển bền vững

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng chia sẻ: Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho nông dân, vì vậy, hơn 10 năm qua, huyện Thạch Thất tập trung cho phát triển nông nghiệp. Để làm tốt nhiệm vụ này, song song với hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, huyện tập trung đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất và ưu tiên để phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 121 mô hình trong sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng trăm héc ta; 05 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, huyện đã hình thành được 6 mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất gồm: Mô hình chuỗi lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 30ha ở các xã Chàng Sơn, Lại Thượng, Bình Phú, Phú Kim, Kim Quan; mô hình sản xuất thực phẩm 3F với diện tích 28,8ha tại xã Tiến Xuân; mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Hương Ngải diện tích 10ha, nuôi lợn Hương gồm lợn nái và lợn thương phẩm ở xã Bình Yên. Huyện Thạch Thất cũng đã thực hiện mô hình trồng rau an toàn và khoai tây vụ Xuân làm giống ở xã Hương Ngải, cho thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, trong sản xuất nông nghiệp, huyện Thạch Thất chú trọng chọn lọc các giống mới đưa vào sản xuất để nâng cao giá trị. Đến nay, 100% diện tích gieo cấy 2 vụ của huyện đều bằng giống lúa năng suất, chất lượng cao…

Kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 tại huyện Thạch Thất, ngày 7/2/2020, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực của địa phương. Theo đồng chí, hơn 10 năm qua, triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Thạch Thất được nâng lên rõ rệt. Các mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ của trên địa bàn huyện đã được thay thế bằng mô hình nông nghiệp giá trị, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, qua đó, đã giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Huyện Thạch Thất cần tiếp tục duy trì, phát huy, góp phần quan trọng trong xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới thời gian tới.

Có thể nói, kiên định với mục tiêu phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, giá trị cao, cộng với sự năng động của người dân, sự lãnh đạo chỉ đạo điều hành linh hoạt hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp chính là mảnh ghép cuối cùng để huyện Thạch Thất tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.


Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t