Hà Nội sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão (16:44 05/05/2023)


HNP - Theo nhận định, tình hình thời tiết, thiên tai năm 2023 nhiều khả năng xảy ra những yếu tố bất thường, cực đoan. Thực hiện phương châm  “Phòng ngừa chủ động - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, trong đó, lấy phòng là chính, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã kịp thời tham mưu UBND Thành phố tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023. Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Duy Du đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Duy Du


- Mùa mưa bão đã cận kề, ông có thể khái quát về hiện trạng công trình đê điều phòng, chống lũ trên địa bàn thành phố?
 
- Hà Nội có gần 627km đê từ cấp V đến cấp đặc biệt và hơn 144km đê bao, đê bối, đê chuyên dùng chưa được phân cấp. Nhờ được Bộ NN&PTNT và Thành phố quan tâm đầu tư, nên các tuyến đê từ cấp III đến cấp Đặc biệt của Hà Nội hiện nay đều bảo đảm cao trình chống lũ thiết kế. Tuy nhiên, do nhiều tuyến đê khô, nhiều năm chưa trải qua thử thách với lũ, chứa đựng nhiều ẩn họa khó lường. Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa mưa lũ năm 2023, chúng tôi phát hiện trên các tuyến đê hiện còn 146 vị trí với tổng chiều dài khoảng 31,6km cần phải theo dõi mạch đùn, mạch sủi; 38 vị trí với tổng chiều dài gần 197km đê có khả năng xuất hiện tổ mối; 45 vị trí với tổng chiều dài 29,8km đê sát sông, có diễn biến sạt lở cần phải theo dõi và đầu tư xây dựng công trình. Trên các tuyến đê có 37 cống dưới đê bị hư hỏng cần phải sửa chữa, hơn 30km kè bảo vệ đê sông đang có diễn biến sạt lở, cần sửa chữa...
 
Ngoài ra, tại các tuyến đê của Hà Nội vẫn còn 5 trọng điểm cần xây dựng phương án bảo vệ trong mùa mưa bão năm 2023. Đó là khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu nằm trên tuyến đê tả Đuống (huyện Đông Anh); cống Liên Mạc nằm trên tuyến đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm); cống Cẩm Đình nằm trên đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ); khu vực đê, kè, cống Tân Hưng - Cẩm Hà, Hiệu Chân nằm trên đê hữu sông Cầu (huyện Sóc Sơn); khu vực kè Liên Trì trên đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn xã Liên Hà (huyện Đan Phượng). Trên các tuyến đê: Hữu Đà, hữu Hồng, tả Hồng, hữu Đuống, tả Đuống của thành phố còn 16 điểm xung yếu.
 
Ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp các địa phương diễn tập công tác hộ đê năm 2022
 
- Chưa bao giờ thiên tai cực đoan, khó lường như hiện nay, để chủ động trong công tác hộ đê, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai những nhiệm vụ gì, thưa ông?
 
- Qua theo dõi chúng tôi nhận thấy, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết có nhiều yếu tố bất thường, cực đoan. Các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra với cường độ lớn, không theo quy luật. Năm 2022, Hà Nội đã chịu ảnh hưởng của 13 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng gây ngập lụt nhiều khu vực, đặc biệt là thiệt hại do ảnh hưởng của lũ rừng ngang, lốc, sét, sạt lở đất. Năm 2023, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các loại hình thiên tai như: Báo, áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ nửa cuối tháng 6, khả năng cao xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, sét, mưa đá trong những tháng chuyển mùa. Do đó, công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão được thành phố đặc biệt quan tâm.
 
Quán triệt nguyên tắc cơ bản trong công tác phòng, chống thiên tai: “Phòng ngừa chủ động - Ứng phó kịp thời - Khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, trong đó lấy phòng, tránh là chính, chúng tôi đã tham mưu thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động theo dõi các loại hình thiên tai để có biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
 
Chúng tôi cũng chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê. Đồng thời xác định, xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, điểm xung yếu, trình UBND Thành phố phê duyệt, chỉ đạo làm cơ sở để chuẩn bị và sẵn sàng tổ chức triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra...
 
- Thưa ông, mối quan tâm hàng đầu khi bước vào mùa mưa bão đó là việc tu bổ, duy tu bảo dưỡng công trình đê điều và gấp rút thi công các công trình chống lũ?
 
- Đúng vậy! Như đã nói ở trên, chúng tôi đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện cống yếu, cống bị hư hỏng để sửa chữa, hoành triệt tạm thời hoặc hoành triệt vĩnh viễn các cống không bảo đảm an toàn. Đối với các cống xung yếu có phương án bảo vệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao cụ thể trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ động chuẩn bị đủ các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” và tổ chức thực hiện. Việc sử dụng cống dưới đê trong mùa mưa lũ phải chấp hành nghiêm quy trình đóng, mở. Những cống chưa có quy trình vận hành, các đơn vị được giao trực tiếp quản lý khẩn trương lập quy trình vận hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 15/6.
 
Đối với những cống dưới đê đã xảy ra sự cố, hư hỏng trước đây, cống mới xây dựng nhưng chưa được vận hành trong điều kiện có lũ có hoặc cống đang thi công, phải xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra. Chúng tôi cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến các cống lớn, đáy cống thấp như: Cống Liên Mạc, cống Long Tửu, cống Yên Sở…
 
Song song đó, chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu thi công khắc phục sự cố, hư hỏng công trình đê điều xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt quan tâm xử lý và tập trung nguồn lực để hoàn thành xử lý các sự cố đê điều đã xảy ra trong các mùa mưa lũ, bão trước đây… Đồng thời, chỉ đạo lập phương án bố phòng hộ đê, bảo vệ trọng điểm, xung yếu trong mùa mưa lũ, bão năm 2023.
 
Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du kiểm tra xử lý vi phạm đê điều ở Tây Hồ
 
- Thưa ông, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, công tác chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong mùa mưa lũ, bão năm nay thực hiện như thế nào?
 
- Căn cứ chỉ thị của Bộ NN&PTNT, chúng tôi đã chủ động tham mưu thành phố ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023; Công văn số 1093/UBND-TKN về tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023. Theo đó, các sở, ban, ngành của thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa đến an toàn đê; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm, điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời, phối hợp, hiệp đồng với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án, kế hoạch được phê duyệt…
 
Bên cạnh đó, căn cứ phương án hộ đê, thường xuyên rà soát phương án đã lập, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho sát thực tế; chỉ đạo chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến đê, bảo đảm về số lượng và chất lượng cũng như tính kịp thời, không bị động khi có tình huống xảy ra. Ngoài vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa bàn, các địa phương cần có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân để trong trường hợp có sự cố xảy ra.
 
Một nhiệm vụ quan trọng nữa không thể không nhắc tới đó là tổ chức tốt diễn tập phương án hộ đê, tập huấn cho các lực lượng tham gia công tác hộ đê (lực lượng xung kích, lực lượng tuần tra canh gác đê…), đặc biệt là lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn. Làm tốt những việc trên kết hợp với thực hiện nghiêm chế độ tuần tra canh gác bảo vệ đê để phát hiện và xử lý kịp thời sự cố ngay từ giờ đầu bảo đảm an toàn cho đê, kè, cống, tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ bảo vệ vững vàng các công trình đê điều trong mùa mưa lũ, bão.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t