Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2019: Quy tụ đặc sản của 63 tỉnh thành trong cả nước (15:23 20/11/2019)


HNP - Tiếp nối thành công từ Hội chợ đặc sản vùng miền năm 2018 và các năm trước, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (Trung tâm HPA) chủ trì tổ chức Hội chợ Đặc sản vùng miềm năm 2019 và xây dựng phương hướng trong những năm tiếp theo. Theo đó, Hội chợ năm 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 20-24/11/2019, tại Quảng trường Trung tâm Thương mại Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) với sự tham gia của 63 tỉnh, thành trong cả nước.


Hội chợ  Đặc sản vùng miền năm 2018 thu hút hơn 90.000 lượt khách tham
 
Năm 2018, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam đã thu hút hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp của 56 tỉnh, thành phố trong cả nước (trong đó có: 44 tỉnh, thành phố trực tiếp tổ chức khu gian hàng đặc sản của địa phương tại Hội chợ) quảng bá, giới thiệu các đặc sản địa phương. Ngoài ra, còn có Đại sứ quán một số nước (Bulgaria, Indonesia, Sri-lanka, Slovakia, Parkistan), tỉnh Oita (Nhật Bản) tham dự quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm thủ công của các nước.
 
Hội chợ “Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2018” đã được các tỉnh, thành phố trong cả nước đánh giá cao mục đích ý nghĩa và hiệu quả trong việc hỗ trợ các địa phương quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản tại thị trường Hà Nội, cũng như kết nối với các nhà phân phối, doanh nghiệp sản xuất, chế biến tạo thành chuỗi liên kết giá trị. Các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng, du khách đánh giá sự kiện là địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp phân phối lớn trong cả nước tìm kiếm nguồn hàng cung cấp vào hệ thống; người tiêu dùng, du khách được mua đúng các đặc sản vùng miền Việt Nam. Qua thăm dò ý kiến, hơn 90% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các tỉnh, thành mong muốn tiếp tục được tham gia sự kiện trong các năm tiếp theo.
 
Trong 5 ngày diễn ra, sự kiện đã thu hút hơn 90.000 lượt khách tham, mua sắm (tăng gấp đôi so năm 2017). Ngoài khách hàng là các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng Thủ đô, Hội chợ năm 2018 đã thu hút đông đảo các đoàn khách du lịch trong ngoài nước đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa qua sản phẩm, hoạt động trình diễn ẩm thực, nghệ thuật của các vùng miền Việt Nam. Qua giao dịch tại Hội chợ, doanh thu bán hàng của các đơn vị đạt gần 70 tỷ đồng. Có 55 hợp đồng đại lý, 350 biên bản ghi nhớ, hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm được ký kết với tổng trị giá khoảng 200 tỷ đồng.
 
Đánh giá về Hội chợ Đặc sản vùng miền năm 2018, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng Hội chợ đã đổi mới sáng tạo, nâng dần về chất lượng, tăng trưởng về quy mô, trở thành Ngày hội - sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước và người tiêu dùng Thủ đô đón nhận; là cầu nối giao thương cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chế biến trong nước với các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, người tiêu dùng. Qua đó, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam tiếp tục được khẳng định là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh, những ngày Hội chợ là những ngày hội đặc sản của cả nước tập trung về Thủ đô, là dịp để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, du lịch đặc trưng của mỗi vùng đất tới du khách trong nước và quốc tế...
 
Tổ chức Hội chợ đặc sản vùng miền năm 2019 hướng đến năm 2022
 
Tiếp nối những thành công từ Hội chợ Đặc sản vùng miền năm 2018 và các năm trước đây, năm nay, UBND TP Hà Nội tiếp tục giao Trung tâm HPA tổ chức Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2019 với mục tiêu hỗ trợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các vùng miền; các sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý; thủy hải sản chế biến, nông sản thực phẩm chế biến, đồ uống, sản phẩm gia vị, trái cây, bánh kẹo, chè, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng... đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa.
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả sự kiện, công tác tổ chức đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, Ban tổ chức đặc biệt quan tâm, lựa chọn các sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm... khuyến khích doanh nghiệp phát triển, giới thiệu những sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp. Đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho sự hiện diện bài bản tại Hội chợ thông qua việc phát triển sản phẩm, nhãn mác, bao bì sản phẩm; thiết kế gian hàng ấn tượng, cử những cán bộ có năng lực, trình độ, chuyên nghiệp tham gia, coi trọng công tác quảng bá sản phẩm tại Hội chợ. Ngoài ra, trong khuôn khổ hội chợ sẽ diễn ra giao thương, kết nối, tư vấn doanh nghiệp; Trình diễn sản phẩm, quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch như Lễ hội thưởng trà, Lễ hội đặc sản miền Trung - Tây Nguyên; Trình diễn ẩm thực Hà Nội; Biểu diễn nghệ thuật các vùng, miền...
 
Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đưa sản phẩm đặc sản để giới thiệu tại Hội chợ ĐSVM năm 2018
 
Phó Giám đốc Trung tâm HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Việt Nam là một đất nước nông nghiệp có rất nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền. Các sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn đang được xuất khẩu mạnh mẽ sang thị trường quốc tế; trong đó, nhiều mặt hàng đã và đang có vị trí dẫn đầu như: hạt điều, cà phê, cacao, tiêu... Tuy nhiên, dù tiềm năng của đặc sản vùng miền Việt Nam rất lớn nhưng thời gian qua, việc phát huy lợi thế này cũng còn nhiều hạn chế do sự nhận thức chưa đầy đủ về tiềm năng phát triển của đặc sản vùng miền; thiếu tính liên kết mang tính hệ thống trong việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm, thiếu sự đa dạng trong thiết kế và phát triển sản phẩm và đặc biệt là thiếu sự liên kết để xây dựng hệ thống phân phối tại thị trường trong nước cũng như quốc tế…
 
Phó Giám đốc Trung tâm HPA Nguyễn Thị Mai Anh tin rằng Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam sẽ góp phần giải quyết các hạn chế nêu trên. Trong các năm tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức Hội chợ, tăng cường các hoạt động giao thương, liên kết nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối, tăng cường quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền… Với chiến lược thay đổi cùng sự thực hiện đồng bộ các mục tiêu nêu trên, Hà Nội kỳ vọng đến 2022, sẽ có khoảng 700 gian hàng với sự tham gia của 300 doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước và hơn 2.000 nhà nhập khẩu cùng 200.000 lượt khách Việt Nam đến Hội chợ tham quan và giao dịch.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t