Xuân Mậu Tuất: Tôn vinh văn hóa truyền thống (08:41 27/02/2018)


HNP - Dịp Tết Mậu Tuất năm nay, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống, trong đó phải kể đến Hội chữ Xuân Mậu Tuất tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Phố sách Xuân Mậu Tuất tại đường 19/12; Chương trình Tết Việt tại Hoàng Thành Thăng Long… Qua đó, những chuyến du xuân của nhân dân Thủ đô càng thêm ý nghĩa khi những phong tục, những giá trị văn hóa tốt đẹp được phát huy.

Đông đảo du khách tới Hội chữ Xuân
 
Xin chữ từ lâu đã là một phong tục đẹp của người Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều năm nay, Trung tâm Hoạt động văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ tại khu vực Hồ Văn, tạo không gian để nhân dân tham quan, thưởng lãm các giá trị văn hóa đồng thời để xin chữ đầu năm. Tại đây, Ban Tổ chức tiến hành triển lãm 34 tác phẩm thư pháp của những nhà thư pháp, nhà Hán Nôm học nổi tiếng. Các tác phẩm xoay quanh chủ đề "Tôn trọng hiền tài", nhằm khích lệ các thế hệ trẻ không ngừng nỗ lực học tập vươn lên kế thừa truyền thống của cha ông và từng bước nâng cao trình độ của người viết thư pháp cũng như trình độ thưởng thức thư pháp của công chúng Thủ đô. 63 người viết thư pháp chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ tại đây được tuyển chọn kỹ càng. Sau một thời gian mai một, phong tục xin chữ đầu năm mới hồi sinh và Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm đến yêu thích của người dân. Phần lớn mọi người đến đây xin các chữ: "Phúc", "Lộc", "Đức", "Tài"... Anh Nguyễn Văn Ba (phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho biết: "Tôi không biết chữ Hán nhưng đến đây xin chữ "Trí" về treo trong nhà. Tôi muốn nhắc nhở các cháu học hành để trở thành người có trí tuệ". Điểm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày này càng ý nghĩa hơn, khi đây là trường đại học đầu tiên của nước ta, là nơi ghi dấu quan niệm "hiền tài là nguyên khí quốc gia" của các bậc tiền nhân. 
 
Mặc dù là hoạt động thường niên, nhưng mỗi năm, Ban Tổ chức Hội chữ đầu xuân lại có những đổi mới để đáp ứng nhu cầu nhân dân. Ngoài triển lãm, cho chữ, không gian hồ Văn còn giới thiệu không gian thi cử xưa, tổ chức các gian trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống như tranh dân gian, sơn mài, gốm sứ... Gian hàng giới thiệu tranh Kim Hoàng thu hút khá đông khách tham quan. Theo đại diện Dự án khôi phục tranh Kim Hoàng, tính đến hết mùng 5 Tết, đã bán được hơn 100 đôi tranh khuyển nghê, chưa kể các loại tranh khác. Điểm đáng chú ý tại Hội chữ Xuân năm nay, Ban Tổ chức đã tổ chức thả hoa đăng diễn ra vào các buổi tối, từ ngày 21 đến hết 25/2. Theo phong tục xưa, thả hoa đăng đầu năm thể hiện mong ước về một năm an khang, thịnh vượng, mưa thuận, gió hòa.
 
Du khách tại Phố sách Xuân Mậu Tuất
 
Ngoài Hội chữ Xuân, năm nay, Thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức Phố Sách xuân Mậu Tuất, từ 18 đến 25/2, tại phố 19-12, nơi được tổ chức thành Phố Sách cố định của Hà Nội. Ngoài các gian hàng của các đơn vị hoạt động thường xuyên tại Phố Sách, Phố Sách xuân năm nay còn có thêm một số đơn vị xuất bản tham gia trưng bày, giới thiệu sách tới bạn đọc các thể loại sách phong phú, đa dạng: Sách thiếu nhi, sách văn học, sách kinh tế, khoa học kỹ thuật, sách ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số... Ngay từ mùng 3 Tết, không khí Phố Sách đã hết sức sôi nổi. Sang ngày mùng 4 Tết, chương trình “Đầu năm nói chuyện Tết: Trò chuyện về văn hóa tập tục của người Việt” của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã thu hút rất đông đảo độc giả. Qua chương trình, độc giả được hiểu thêm nguồn gốc những tập tục đẹp của người Việt, từ đó, nâng cao ý thức giữ gìn. Nhiều độc giả sau khi tham gia cuộc trò chuyện đã tìm mua những cuốn sách giới thiệu về nét đẹp phong tục văn hóa của người Việt. Những chương trình như "Ô chữ xuân" giới thiệu về Tết cổ truyền Việt Nam dưới hình thức tổ chức trò chơi đoán ô chữ; "Chào xuân Mậu Tuất - Âm hưởng Tết dân gian" thu hút đông đảo độc giả.
 
Múa rồng tại Hoàng Thành Thăng Long
 
Những năm gần đây, Thành phố Hà Nội luôn ưu tiên tạo dựng các không gian văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống để phục vụ nhu cầu đón Tết, vui xuân của nhân dân. Chỉ vài năm trước, di tích Hoàng thành Thăng Long còn là địa chỉ khá xa lạ thì nay, với lợi thế không gian rộng, có nhiều hạng mục kiến trúc cổ quan trọng, lại có nhiều hoạt động hướng về nguồn cội nên Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm đến quen thuộc với người dân. Ngoài các hoạt động trưng bày giới thiệu Tết truyền thống, biểu diễn nghệ thuật, khu vực quảng trường Đoan Môn được trang trí cây nêu, tổ chức nhiều trò chơi dân gian... trong đó, nổi bật như trò đánh đu nên rất đông khách tham quan đã thử trải nghiệm. Năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng mở cửa một phần những hố khai quật khảo cổ Hoàng thành. Đây là dịp tốt để giới thiệu về những giá trị những cung điện, đền đài cổ xưa nay chỉ còn là phế tích. Chị Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn, thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, điều đáng mừng là dịp Tết Nguyên đán năm nay, lượng khách đến Hoàng thành Thăng Long tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 
 
Trong không gian ngày càng chật hẹp của cuộc sống đô thị, việc tạo dựng những không gian văn hóa đậm dấu ấn truyền thống của Thành phố đã góp phần giúp người dân Thủ đô có thêm điểm đón Tết, vui xuân trong những ngày đầu năm mới.

Nghi Dung


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t