Phấn đấu đến năm 2023 có 2 huyện phát triển thành quận (14:41 02/06/2022)


HNP - Sáng 2/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 05 huyện thành quận của thành phố Hà Nội. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 05 huyện thành quận; Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; các Phó Chủ tịch UBND TP: Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện liên quan của Thành phố.  

Quang cảnh hội nghị


 Xem xét điều chỉnh giãn tiến độ hoàn thành Đề án 05 huyện thành quận
 
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện các Đề án đầu tư, xây dựng 05 huyện thành quận cho biết, đối với kết quả thực hiện các tiêu chí: sau khi rà soát, đánh giá và thống nhất với các sở chuyên ngành, kết quả có 04 huyện (Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng) thực hiện các tiêu chí vẫn giữ nguyên so với thời điểm Ban Chỉ đạo của Thành phố họp tháng 12/2021. Riêng huyện Đông Anh sau khi rà soát và tích cực thực hiện đạt tăng thêm 05 tiêu chí so với thời điểm Ban Chỉ đạo của Thành phố họp tháng 12/2021.
 
Cụ thể, đối với các tiêu chí huyện thành quận (27 tiêu chí): Huyện Đan Phượng đạt 21/27 tiêu chí, 06 tiêu chí chưa đạt; Huyện Đông Anh đạt 26/27 tiêu chí, 01 tiêu chí chưa đạt (Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật), tăng thêm 05 tiêu chí so với thời điểm báo cáo cuối năm 2021 (21/27 tiêu chí); Huyện Gia Lâm đạt 25/27 tiêu chí, 02 tiêu chí chưa đạt; Huyện Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí, 05 tiêu chí chưa đạt; Huyện Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí, 03 tiêu chí chưa đạt. 
 
Đối với các tiêu chí xã thành phường (15 tiêu chí): Huyện Gia Lâm đạt 09/15 tiêu chí, còn 06 tiêu chí chưa đạt (20/22 xã, thị trấn chưa đạt); Huyện Thanh Trì đạt 10/15 tiêu chí, còn 05 tiêu chí chưa đạt (16/16 xã, thị trấn chưa đạt); Huyện Đan Phượng đạt 06/15 tiêu chí, còn 09 tiêu chí chưa đạt (16/16 xã, thị trấn chưa đạt); Huyện Đông Anh đạt 13/15 tiêu chí, còn 02 tiêu chí chưa đạt (10/24 xã, thị trấn chưa đạt); Huyện Hoài Đức đạt 7/15 tiêu chí, còn 08 tiêu chí chưa đạt (19/20 xã chưa đạt).
 
Trên cơ sở tình hình thực hiện Đề án đến hết năm 2021, trong thời gian tới, các huyện đã xây dựng và đề xuất lộ trình hoàn thành Đề án. Cụ thể: Huyện Đông Anh phấn đấu hoàn thành năm 2022; Huyện Gia Lâm và huyện Hoài Đức phấn đấu hoàn thành năm 2023; Huyện Thanh Trì phấn đấu hoàn thành năm 2024 và Huyện Đan Phượng phấn đấu hoàn thành năm 2025. Các huyện đã xây dựng các giải pháp cụ thể để thực hiện hoàn thành các tiêu chí còn lại.
 
Theo báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí Đề án đến hết năm 2021 của các huyện và đánh giá của các sở, ngành cho thấy khối lượng công việc để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt là rất lớn. Một số tiêu chí trong Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ nêu ra mà chưa hướng dẫn cách tính rõ ràng, cụ thể; một số tiêu chí của ngành Thống kê quy định cho tiêu chí huyện Thành quận song đối chiếu theo quy định chuyên ngành không được quy định cho cấp huyện, xã do đó không có cơ sở tính toán, đánh giá.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị
 
Hiện nay, UBND Thành phố đã có Văn bản  đồng ý chủ trương giao nhiệm vụ cho huyện Đông Anh và Gia Lâm lập Đề án thành lập quận và các xã thành phường, tuy nhiên, Huyện Đông Anh đánh giá còn 01 tiêu chí chưa đạt là Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, song để hoàn thành tiêu chí này, phải đầu tư hệ thống thu gom dẫn nước thải trên địa bàn huyện về Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long, hiện nay dự án này chưa được đầu tư. Huyện đang đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng các trạm xử lý cục bộ tại thôn Thiết Úng, Vân Hà,... nguồn vốn để thực hiện bao gồm cả ngân sách và XHH, do đó. việc triển khai thực hiện khá khó khăn, Sở Xây dựng đang tích cực phối hợp với Huyện để triển khai thực hiện nên việc hoàn thành tiêu chí này theo dự kiến của huyện trong năm 2022 là không khả thi. Ngoài ra, hiện nay, tiêu chí Mật độ đường giao thông đô thị. Huyện Đông Anh đánh giá đạt 11,5km/km2, tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải có ý kiến đến nay huyện đạt 9,8km/km2.
 
Trong khi đó, Huyện Gia Lâm còn 02 tiêu chí: Cân đối thu, chi ngân sách và Cơ sở y tế cấp đô thị, trong khi để hoàn thành tiêu chí Cơ sở y tế cấp đô thị, Huyện phải thực hiện hoàn thành dự án Bệnh viện Đa khoa Huyện. Hiện nay, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của Thành phố song còn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (đã được UBND Thành phố giao huyện lập đề xuất chủ trương đầu tư). Huyện đang lập đề xuất chủ trương đầu tư để trình HĐND Thành phố phê duyệt theo quy định. Ngoài ra, Bệnh viện Vinmec Ocean Park tại khu đô thị Gia Lâm hiện chưa được khởi công. Theo ý kiến của sở chuyên ngành, dự kiến đến năm 2025, huyện mới đạt tiêu chí này. 
 
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, cả 05 huyện đều đã xây dựng lộ trình và dự kiến thời gian hoàn thành (từ 2022 đến 2025), tuy nhiên, việc hoàn thành Đề án của 05 huyện đến năm 2025 là khó khả thi. Trên cơ sở tình hình thực hiện Đề án của các huyện, đánh giá của các sở chuyên ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đến năm 2025 sẽ có 02 huyện sẽ có khả năng hoàn thành Đề án là huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm; 03 huyện còn lại: Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng, số lượng tiêu chí chưa hoàn thành còn nhiều (từ 03 đến 06 tiêu chí), việc hoàn thành Đề án đến năm 2025 sẽ khó khả thi. 
 
Từ thực tế trên, Sở KH&ĐT đề xuất Ban Chỉ đạo Thành phố xem xét, điều chỉnh lộ trình thực hiện đề án của 05 huyện như sau: Huyện Đông Anh và Huyện Gia Lâm sẽ hoàn thành 2022-2025; 03 huyện còn lại rà soát, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét điều chỉnh giãn tiến độ hoàn thành Đề án.
 
Phấn đấu đến năm 2023 có 2 huyện phát triển thành quận
 
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, hiện nay căn cứ pháp lý để quyết tâm thực hiện lộ trình xây dựng 5 huyện thành quận là rất chắc chắn. Bởi, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP xác định rõ từ năm 2025 phấn đấu 5 huyện trở thành quận. Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành 2 Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 06 và Nghị quyết 15 dành riêng cho Hà Nội. Tới đây, Bộ Chính trị cho phép Hà Nội báo cáo Chính phủ, Quốc hội để triển khai một số chính sách lớn và đây là cơ sở pháp lý để TP quyết tâm làm.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đánh giá cao việc 5 huyện và các sở, ngành đã rất cố gắng, chủ động rà soát lại các tiêu chí để triển khai. Ban Chỉ đạo rất quyết tâm để báo cáo với Thường trực, Ban Thường vụ, HĐND TP trong phân cấp nhiệm vụ thực hiện. Một số địa phương cũng chủ động làm việc với các Bộ để ra được định hình cho việc triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Nhấn mạnh một số khó khăn trong quá trình thực hiện như (Nhóm tiêu chí; quy hoạch; cơ chế chính sách; thủ tục triển khai), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, thời gian tới, từng đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục làm việc với từng huyện, sở để có lộ trình và tới đây báo cáo với Thường vụ quyết tâm phấn đấu đến năm 2023 để hai huyện đi trước (Đông Anh, Gia Lâm) lên quận. Ngoài ra, tính toán lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính sau khi các huyện lên quận. Tiếp tục rà soát lại các chính sách còn lại để thực hiện việc phân cấp cho các địa phương…
 
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị
 
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ tập hợp lại các ý kiến xác đáng tại hội nghị và sẽ ban hành thông báo kết luận cuộc họp để làm căn cứ cho các đơn vị tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển 5 huyện lên quận trong thời gian tiếp theo. Chủ tịch UBND TP cũng đánh giá và ghi nhận tinh thần vào cuộc của các đơn vị, từ tháng 1/2022 đến nay, các sở, ngành và 5 huyện đã có quyết tâm chính trị rất lớn, vào cuộc quyết liệt theo thẩm quyền phân công để có kết quả chuyển biến tích cực. Điển hình như huyện Đông Anh sau khi rà soát và tích cực thực hiện đã tăng thêm 5 tiêu chí so với thời điểm Ban chỉ đạo họp vào tháng 12/2021, các sở, ngành đã tích cực gỡ khó cho các huyện.
 
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, việc phát triển từ huyện lên quận là việc khó và phức tạp, vì vậy, cần gắn với trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa của các huyện và các sở, ngành. Căn cứ phân công nhiệm vụ đã có, Chủ tịch UBND TP nêu những khó khăn đều đã được xác định và đã có giải pháp. Trên cơ sở đó, các sở, ngành và 5 huyện cần rà soát lại các nhiệm vụ cùng với giải pháp và báo cáo Ban chỉ đạo, trong tháng 6/2022. Đối với các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND TP, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ cụ thể tới các Phó Chủ tịch phụ trách theo thẩm quyền và các sở, ngành tiếp tục phối hợp để tháo gỡ.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t