Nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công đón nhận danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội (11:27 30/09/2024)


HNP - Sáng 29/9, Đảng ủy - UBND - Ủy ban MTTQ phường Định Công, quận Hoàng Mai đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công”. Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm dự buổi Lễ.  

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm trao Bằng công nhận nghề truyền thống Hà Nội nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công


Duy trì, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống kim hoàn, đậu bạc Định Công

Phường Định Công, quận Hoàng Mai là vùng đất cổ, có 06 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc Gia, với nhiều nghề thủ công, mỹ nghệ: Thôn Hạ, thôn Trại có nghề làm giày da, đan gối mây. Thôn Thượng có nghề truyền thống Đậu Bạc từng nổi tiếng khắp đất kinh kỳ.
 
Tương truyền, vào thời Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI) có ba anh em người làng: Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa, cha mẹ mất sớm. Khi quân Lương kéo đến xâm lược, 3 anh em phải chạy loạn ra nước ngoài lưu lạc và đều học được nghề làm đồ trang sức bằng vàng bạc. Hòa bình trở lại, ba anh em trở về gặp lại nhau, vui mừng mở chung hiệu lấy tên là “Kim Hoàn”. Những sản phẩm vàng bạc do ba anh em làm ra đều rất tinh xảo với những hoa văn, họa tiết trang trí đầy tỉ mỉ, gây nức tiếng gần xa. Sau này, cả ba anh em đã truyền dạy nghề cho dân làng Định Công Thượng và truyền thống làm nghề vàng bạc. Để ghi nhớ công ơn, dân làng đã lập đền thờ ba vị Tổ Nghề. Vào ngày 12/2 âm lịch hàng năm, Nhân dân tổ chức lễ hội tri ân ba vị tổ nghề rất trang trọng. 
 
Lãnh đạo quận Hoàng Mai tặng hoa chúc mừng phường Định Công
 
Định Công được biết đến là đất tổ nghề Kim hoàn của Việt Nam. Trải qua năm tháng, thợ Kim Hoàn Định Công nổi tiếng khéo tay, tài hoa và có nhiều lương công (thợ giỏi). Sản phẩm đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất kinh kỳ xưa, nhiều Nghệ nhân được vào làm việc cho Triều Đình. Nghề đậu bạc phát triển và trở thành một trong 4 nghề tinh hoa nhất kinh thành Thăng Long và đã đi vào ca dao tục ngữ: Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng/đồ bạc Định Công, đồ đồng Ngũ Xã.
 
Lãnh đạo phường Định Công trao chứng nhận cho các gian hàng 
 
Hiện nay, nghề đậu bạc Định Công chỉ còn lại số ít người còn làm nghề, mặc dù vậy các sản phẩm đậu bạc của Định Công vẫn được khách hàng, cũng như các chuyên gia đánh giá rất cao cả về kỹ thuật và mỹ thuật. Tại các cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn quốc, sản phẩm Đậu Bạc của Định Công đã giành rất nhiều giải cao như Nhất, Nhì, Ba.., sản phẩm mẫu mã đa dạng, kết hợp nhiều chất liệu như đá quý, gỗ, sơn mài, thân thiện kỹ thuật độc đáo, tinh xảo nên được khách hàng ưa chuộng, được sử dụng nhiều làm quà tặng cho các cơ quan Bộ ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan nhà nước khác,... Các sản phẩm có chủ đề đa dạng, tính ứng dụng cao từ các sản phẩm trang sức như nhẫn, vòng, hoa tai, sản phẩm trang trí như bức tranh nhiều chủ đề, các lô gô, đồ trưng bày, sản phẩm ứng dụng như ví, hộp đựng card, khay, đĩa,...
 
Những sản phẩm thủ công tinh xảo của các nghệ nhân đậu bạc Định Công
 
Theo thời gian, nghề đậu bạc ở Định Công gần như mai một, nhưng những người thợ yêu nghề, gắn bó và gìn giữ nghề truyền thống như gia sản của ông cha. Hiện nay, trên địa bàn phường có 10 hộ sản xuất và kinh doanh Kim Hoàn với 30 nhân công, trong đó làm nghề Đậu bạc là 03 hộ (15 nhân công, thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/tháng trở lên). 
 
Nghề Đậu bạc định công có 04 Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, gồm: 01 Nghệ nhân nhân dân (Quách Văn Hiểu), 01 Nghệ nhân ưu tú (Quách Văn Trường) (đã mất năm 2022) và 02 Nghệ nhân, con của 02 nghệ nhân trên (Quách Văn Tú, Quách Phan Tuấn Anh) được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Các nghệ nhân đã và đang là người giữ hồn cho nghề đậu Bạc truyền thống duy trì và phát triển. Chi hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công do hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý thành lập có 25 thành viên. Có khoảng 10 hộ kinh doanh là người Định Công ra bên ngoài sản xuất kinh doanh Kim Hoàn trong và ngoài Hà Nội. Dịp lễ hội truyền thống hàng năm có khoảng 50 hộ sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp về dâng hương tại đền thở Tổ nghề Kim Hoàn.
 
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm thăm các gian hàng
 
Những nghệ nhân, thợ trẻ đã nhanh chóng nắm bắt được những bí quyết làm nghề và trở thành thợ giỏi. Trước nguy cơ nghề truyền thống quý báu của địa phương bị mai một trầm trọng, các nghệ nhân rất tích cực trong việc dạy truyền nghề cho nhân dân trong và ngoài địa phương có tình yêu nghề, muốn gắn bó phát triển nghề Đậu Bạc bằng nhiều hình thức. Nghề truyền thống đậu bạc Định Công cũng là một trong các nghề truyền thống của quận Hoàng Mai, là di sản phi vật thể của thành phố và đất nước, cần được giữ gìn và phát huy giá trị.
 
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng phát biểu tại Lễ đón nhận
 
Quận Hoàng Mai cam kết đồng hành cùng các nghệ nhân và người dân phát triển nghề truyền thống
 
Phát biểu tại Lễ đón nhận, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Tiến Thắng khẳng định Lễ đón nhận bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống Hà Nội - nghề kim hoàn Đậu bạc Định Công không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương, mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực, tâm huyết của các nghệ nhân, thợ kim hoàn và nhân dân phường Định Công. Nghề kim hoàn Đậu bạc đã có lịch sử hàng nghìn năm, gắn liền với những câu chuyện đầy tự hào về những người thợ tài hoa nơi đây.
 
Tuy nhiên, hiện nay, nghề kim hoàn đang đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy, việc bảo tồn và phát triển nghề đậu bạc Định Công là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Quận ủy-HĐND-UBND Quận Hoàng Mai đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực như mở lớp đào tạo nghề từ cơ bản đến nâng cao, tuyên truyền giáo dục về giá trị văn hóa của nghề tại các trường học trên địa bàn. Đồng thời, cần quảng bá sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử để thu hút khách hàng trong nước và quốc tế.
 
Những người thợ trẻ đang tiếp tục giữ gìn, phát huy nghề truyền thống đậu bạc Định Công
 
“Tôi kêu gọi sự chung tay của toàn thể cán bộ, nhân dân phường Định Công cũng như các cấp chính quyền trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này. Hãy cùng nhau xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ để bảo tồn nét đẹp tinh hoa của nghề kim hoàn Đậu bạc cho thế hệ mai sau. Lãnh đạo Quận Hoàng Mai cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nghệ nhân và người dân trong việc phát triển nghề truyền thống này. Việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống không chỉ giúp nâng cao đời sống kinh tế cho người dân mà còn gìn giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của quê hương", Phó Chủ tịch UBND quận Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.
 
Lãnh đạo quận Hoàng Mai, phường Định Công và các cụ cao niên chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t